Sau chuyến leo núi cách đây 3 năm, tôi đã nghĩ mình không hợp với bộ môn này. Thế nhưng, đam mê xê dịch dẫn lối, ra Tết năm nay tôi đã đăng ký một tour trekking Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), ngọn núi cao thứ 4 Việt Nam, có độ cao 3.046m. Vào những ngày đầu xuân, cung trekking này được coi là đẹp nhất, bởi có hoa đỗ quyên rừng nở rộ, nơi đây cũng nổi tiếng là điểm săn mây hùng vĩ bậc nhất Tây Bắc.
Đường càng khó đi, thiên nhiên càng đẹp
Hành trình chinh phục Ky Quan San kéo dài 3 ngày 2 đêm. Đoàn xuất phát từ Hà Nội đến Sa Pa, sau đó có xe đưa chúng tôi đến chân núi ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Chúng tôi được trang bị balo, gậy trekking, mũ tai bèo, găng tay, đèn pin, nước uống. Balo mà chúng tôi mang theo nặng khoảng 2 – 3 kg, đựng những thứ thiết yếu nhất cho hành trình. Đồ còn lại nặng hơn dùng trên lán trại thì người khuân vác mang giúp.
Khi bắt đầu những bước đi bộ đầu tiên, chúng tôi được ngắm nhìn kỹ hơn vẻ đẹp tinh khôi của hoa đào, hoa lê nở bừng cả một góc trời. Con đường càng lúc càng dốc, chúng tôi đi qua nhiều địa hình, từ rừng trúc đến suối, thác, dốc đá hay thảo nguyên chăn thả gia súc. Ẩn hiện trong những khu rừng già là những cây đỗ quyên cổ thụ đang đơm hoa với đủ các màu sắc khác nhau. Khi thì gặp hoa đỏ rực rỡ, lúc lại thấy cây đỗ quyên hoa tím bí ẩn, đi một đọan nữa lại là hoa sắc cam tràn đầy sức sống. Phông nền của những chùm hoa ấy có khi là màu xanh rêu của rừng già, cũng có khi là màu trắng của núi hòa vào mây.
Trong hành trình bộ hành 32km cả đi và về chinh phục Ky Quan San, chúng tôi phải bám chắc vào đá, vào các cành cây, linh hoạt chọn điểm tiếp xúc tiếp theo, thậm chí phải kéo tay nhau để có thêm điểm tựa. Tại “sống lưng khủng long”, một biển mây mênh mông rộng lớn không thấy đường chân trời đã hiện ra, khiến ai cũng choáng ngợp. Đây chính là điểm nhấn trên hành trình chứ không phải ngọn chóp ở đỉnh ghi chữ “Ky Quan San”.
Bình minh ở Núi Muối (cao 2.215m) có lẽ là bình minh thơ mộng và ấm áp nhất mà tôi từng được thưởng thức. 5h sáng hôm ấy, chúng tôi thức giấc, mang nước nóng và cà phê lên núi để vừa ngắm Mặt trời, vừa nhâm nhi ly cà phê nóng đầu ngày. Cơn gió se lạnh, bầu trời quang đãng, những đám mây trôi bồng bềnh càng lúc càng đầy. Phía xa, Mặt trời dần nhô lên, lan tỏa tia nắng ấm áp cho biển mây phía trước. Chúng tôi ngẩn ra khi được chứng kiến bức tranh chuyển động tuyệt đẹp của tự nhiên. Phải rất may mắn chúng tôi mới được thưởng thức một ngày thời tiết đẹp và cảnh sắc mãn nhãn như vậy.
Những người gánh vác vất vả cho du khách
Để hoàn thành chặng đường này, chúng tôi phải cảm ơn những người bản địa đã oằn mình gánh đồ cho khách. Không chỉ là đồ cá nhân của 12 người trong đoàn, đó còn là gạo, thịt, thực phẩm để phục vụ các bữa ăn trong suốt hành trình. Dù phải gùi đồ nặng trên vai, nhưng họ vẫn cố gắng đến điểm nghỉ nhanh hơn để chuẩn bị cho chúng tôi bữa ăn kịp thời và tươi ngon nhất.
Thật biết ơn khi dù ở một nơi hoang vu, tạm bợ, các porter vẫn nấu được những bữa ăn thịnh soạn nhất. Nào là lẩu, thịt nướng, mì, rồi cà phê, trà… Thời tiết giá lạnh không làm khó được họ, dù ngủ muộn nhưng họ thức giấc thật sớm để chăm lo tốt cho cả đoàn. Khi quan sát những gì mà mọi người đã phải vất vả hơn bình thường để cho mình bữa ăn ngon, tôi vô cùng biết ơn và xúc động.
Đội khuân vác gồm cả nam cả nữ, từ trẻ tuổi cho tới cao tuổi. Dù phải gùi đồ nặng ở chặng đường dài như vậy, họ vẫn cảm thấy thật tốt khi có công việc này để có thêm thu nhập, thay vì chỉ phụ thuộc vào nương rẫy như trước kia. Tôi gặp Phàng Thị Khu (dân tộc Mông), sinh năm 2003. Em đã làm công việc này được 2 năm. Em rất thích được phục vụ du khách như thế này vì được đi chơi, trò chuyện với khách, biết thêm nhiều điều mới. Chịu khó một chút thì mỗi tuần em cũng kiếm được gần 800.000 đồng, trang trải tiền bỉm sữa và cho con đi học.
Má A Thông, người dẫn đường bản địa của đoàn tôi cũng tham gia làm du lịch từ năm 2016. Hồi đầu em làm người khuân vác, năm 2017 thì em trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để có thể đi dẫn. Tháng đông khách nhất em đi làm 25 ngày, thu nhập lên tới 18 – 20 triệu đồng.
Những người dân bản địa như Thông, Khu hay các cô chú khác đều rất chân chất, dí dỏm và dễ thương. Họ đã mang đến một phần niềm vui và sự an tâm cho chúng tôi. Khi quan sát những gì mà mọi người đã phải vất vả hơn bình thường để cho mình bữa ăn ngon, tôi vô cùng biết ơn và xúc động.
Một chuyến đi không chỉ để du khách rèn thể lực, mở mang tầm mắt, mà còn mang theo hi vọng cho những người dân bản địa. Họ chờ đợi mỗi cuối tuần để được đón khách, để có thêm vài trăm ngàn mua thịt, mua xăng. Còn mọi người có thêm những kỉ niệm, câu chuyện mới để kể cho nhau. Hành trình của chúng tôi không chỉ săn mây, mà còn săn những khoảnh khắc rung cảm với thiên nhiên, với cuộc đời.