Con nuốc là con gì?
Con nuốc có họ hàng với sứa, gồm hai loại là nuốc tai (màu trắng trong veo) và nuốc chân (có chấm đen khá giống sứa). Thoạt nhìn, nhiều người thường lầm tưởng nuốc là con sứa vì vỏ ngoài trong suốt. Tuy nhiên, con nuốc có kích thước nhỏ hơn sứa rất nhiều, cỡ bằng quả bóng bàn với điểm nhấn đặc biệt là màu xanh bắt mắt.
Con nuốc sở hữu đặc điểm ngoại hình tương tự sứa với vỏ ngoài trong suốt như thủy tinh nhưng lại nhỏ hơn nhiều và thường có màu xanh. Tùy vào con nước mà màu sắc của nuốc sẽ khác nhau, thường thấy nhất là màu xanh ngọc.
Con nuốc xuất hiện khi nào?
Nuốc chỉ xuất hiện vào mùa hè, trong thời gian ngắn và ngon nhất khi dùng ngay lúc còn tươi, vừa mới được bắt lên bờ. Người ta cũng chỉ sử dụng nuốc trong ngày vì để qua ngày hôm sau, chúng sẽ bị ngót (teo) lại, không còn ngon.
Giá nuốc Huế
Tại Huế, nuốc được bán khá rẻ nhưng khi vận chuyển bằng đường bay, tới các tỉnh thành xa như Hà Nội, TP.HCM,… thì giá thành cao hơn, dao động khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg (tùy loại, tùy thời điểm).
Con nuốc có vị gì? Cách chế biến con nuốc
Nhiều người tò mò không biết nuốc khi ăn có giống sứa không. Nuốc nhìn rất mọng nước nên có người mạnh dạn đoán nó có vị mát lành nhưng đồng thời cũng e ngại vì con nuốc thường được ăn sống, chấm với mắm Huế.
Con nuốc vốn lành, ăn mát, không tanh và không ngứa như sứa nên thường được người dân địa phương bắt về làm thức ăn, chế biến nhiều món ngon hấp dẫn.
Nuốc có thể chế biến thành nhiều món ngon, trong đó nuốc tai có độ mềm, mọng nước và thanh mát nên thường được ăn trực tiếp như món sứa đỏ ngâm nức tiếng Hà Nội, Hải Phòng. Còn nuốc chân có độ giòn sần sật thì được tận dụng làm nguyên liệu cho các món gỏi, bún giấm,…
Vào mùa hè, món nuốc có thể ăn sống chấm cùng mắm ruốc Huế rất được ưa chuộng vì thanh mát, có tác dụng “giải nhiệt”, “hạ hỏa”.
Các món ăn với con nuốc Huế
Ngoài việc ăn sống như sashimi, các bạn có thể chế biến Nuốc huế thành các món ăn ngon sau đây:
Phần chân dai giòn sần sật, được trộn gỏi cùng các loại mắm đặc trưng của vùng cố đô hoặc ăn kèm rau sống,… Tuy cách chế biến và thưởng thức đều đơn giản nhưng đủ làm thực khách mê mẩn, mát lòng mát dạ.
Bạn cũng không nên bỏ lỡ món bún giấm nuốc trứ danh, được chế biến kỳ công, mang đậm hương vị miền đầm phá. Nguyên liệu để chế biến món bún giấm nuốc khá phong phú, gồm các loại rau, củ quả với đủ vị cay, chua, chát như trái vả, khế chua, chuối chát, ớt và một số loại rau thơm như húng quế, tía tô, húng chanh,… Ngoài ra không thể thiếu nuốc, thịt ba chỉ heo, tôm đất và mắm ruốc.
Gọi là bún giấm nuốc nhưng vị chua dịu, thanh thanh trong món ăn lại được tạo nên từ cà chua, thơm (dứa) hoặc chanh tươi, giá 30.000 đồng/tô. Để làm bún nuốc ngon, người ta thường rửa sạch nuốc rồi ngâm với nước lá chè tươi hoặc lá ổi cho giòn. Còn nước lèo được chế biến tỉ mỉ từ thịt ba chỉ và tôm đất tươi, băm nhuyễn các nguyên liệu rồi tẩm ướp với chút mắm, tiêu, hành,… chờ ngấm đều gia vị thì đem xào chín.
Tiếp đến, người ta lấy vài thìa ruốc Huế, đánh tan cùng nước lọc, gạt bỏ bã và tạp chất rồi đổ vào hỗn hợp trên, nêm nếm thêm chút đường, muối, cà chua,… sao cho có độ chua, ngọt thanh tự nhiên và đun đến khi thu được phần nước đặc sánh, đậm màu đặc trưng.