Dàn sao ấn tượng góp mặt tại đêm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẽ về đêm nhạc "Nửa Thế Kỷ Phiêu Bạt"
Hơn một tháng trước khi đêm nhạc kỷ niệm 50 năm ca hát diễn ra, nhạc sĩ Trần Tiến có buổi gặp gỡ thân mật với đồng nghiệp, truyền thông tại TP.HCM. Ngay khi vừa xuất hiện, trong bộ trang phục giản dị cùng chiếc mũ beret quen thuộc, ông gửi lời chào và cho biết: “Tôi dù có tuổi nhưng vẫn rất thích được gần với đời sống, gặp gỡ khán giả”.
Tại đây, chủ nhân đêm nhạc cùng các vị khách mời có những chia sẻ thú vị về “Nửa Thế Kỷ Phiêu Bạt”. Trần Tiến giữ bí mật về các tiết mục trong đêm nhạc. Song ông khẳng định "vẫn sẽ hát như chàng trai trẻ ngày xưa, chứ không phải là ông cụ như bây giờ". Tác giả "Chị tôi" bộc bạch: Từ xưa đến nay tôi có thể diễn hơn 1.000 đêm nhạc nhưng chưa bao giờ tổ chức đêm nhạc cho riêng mình. Nhưng dù sân khấu 6.000 khán giả hay 25.000 người ngoài sân vận động cho đến sân khấu 2-3 người thì vẫn cứ là tôi. Tôi có gì thì hát và kể như thế".
Nhạc sĩ Trần Tiến nói những năm qua, ông sáng tác rất nhiều nhạc phẩm. Ngay cả khi trên giường bệnh, Trần Tiến vẫn say sưa viết, dù hoàn thành xong, ông chỉ giữ lại cho riêng mình. Cũng trong chương trình, nhạc sĩ Trần Tiến tự đệm guitar và hát nhạc phẩm "Không gục ngã". Ông kể lại ca khúc được viết khi đang điều trị bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 4 tại bệnh viện Ung bướu. Thời điểm đó, ông tận mắt chứng kiến nhiều người bệnh lần lượt ra đi, nhưng điều đó không làm ông gục ngã, mà tiếp thêm sức mạnh để sống mạnh mẽ hơn, yêu cuộc sống hơn.
Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, ông quyết định dùng từ "phiêu bạt" để đặt cho đêm nhạc kỷ niệm chặng đường làm nghề của mình, thay vì “lãng du". Lý giải về điều này, tác giả "Chị tôi" nói, mặc dù bản thân “có máu du ca, nhưng những điều đó xảy ra khi cuộc đời đẩy tôi vào phiêu bạt”. Ông tâm tình: “Nhà tôi từng rất giàu, giàu thứ 6 ở Hà Nội, nhưng sau đó lại không còn gì. Tôi phải đi kéo xe, làm đủ nghề để nuôi mẹ, nuôi em. Tôi bị cuộc đời đẩy vào phiêu bạt. Chiến tranh thì tôi vào chiến trường, trở thành người lính bảo vệ đất nước. Nhưng tôi đi đến đâu là viết nhạc đến đó. Vì vậy dùng từ phiêu lưu, lãng du… cũng đủ, nhưng đúng nhất là phiêu bạt".
Đêm nhạc "Nửa thế kỷ phiêu bạt" được chia thành 3 phần gồm Guitar (Câu chuyện về người lính, những phận người trong chiến tranh qua con mắt âm nhạc của chàng trai trẻ), Ngẫu hứng (Câu chuyện đời và tình yêu, những câu chuyện từ cuốn nhật ký của người đàn ông với trái tim yêu cuộc đời tha thiết) và Trắng đen (Những chiêm nghiệm của một cây đàn cũ, chứng kiến mọi thăng trầm của đời sống). Chương trình diễn ra vào ngày 13.5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Cao Trung Hiếu - tổng đạo diễn nói anh áp lực khi thực hiện đêm nhạc đánh dấu chặng đường 50 năm làm nghề của nhạc sĩ Trần Tiến. Bản thân cũng là người yêu các sáng tác của nhạc sĩ "Chị tôi" nên anh mong muốn tạo ra không gian ấn tượng nhất để khán giả thưởng thức. “Có một điểm chung là em bé, bác sĩ, sinh viên… ai cũng có thể hát nhạc Trần Tiến ở bất cứ đâu. Chiêu trò ở đây là làm sao để mọi người cùng hát với nhạc sĩ trong không gian của Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội", anh cho hay.
Nửa thế kỷ phiêu bạt, nửa thế kỷ gắn bó với những cung bậc cảm xúc trong âm nhạc và khơi gợi những cảm xúc đẹp đẽ cho khán giả, Concert "Trần Tiến - Nửa Thế Kỷ Phiêu Bạt" chính là món quà âm nhạc gửi tặng đến khán giả đã yêu mến ông suốt hành trình vừa qua. Chương trình lần này có sự xuất hiện của dàn ca sĩ khách mời ấn tượng như: Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa, Trung Quân, Nhóm Du Ca (An Nhiên và Hiền Lê) cùng Dàn hợp xướng Sài Gòn Choir. Concert lần này được dàn dựng bởi Tổng Đạo diễn Cao Trung Hiếu, Giám đốc Âm nhạc Đức Trí.