Vnluxury

Đồng Nai: Đến năm 2050, hệ thống cảng biển tăng trưởng hàng hóa từ 3,5% – 3,8%/năm

Đồng Nai: Đến năm 2050, hệ thống cảng biển tăng trưởng hàng hóa từ 3,5% – 3,8%/năm

Đồng Nai dự kiến có từ 27 đến 29 bến cảng, gồm 49 đến 52 cầu cảng với tổng chiều dài từ 9.765m đến 10.372m giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: TL

Hiện nay, Đồng Nai có 8 cảng đang khai thác với tổng công suất khoảng 45 triệu tấn/năm, chủ yếu tập trung dọc theo sông Đồng Nai và sông Thị Vải. Tuy nhiên, việc khai thác vẫn còn dàn trải, thiếu liên kết và chưa tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý – đặc biệt là kết nối với TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành trong tương lai.

Trong quy hoạch giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp quy mô lớn; phát triển cảng cạn (ICD) để giảm tải áp lực cho các cảng đầu mối; gắn quy hoạch cảng với các khu công nghiệp lớn như: Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa; tăng cường kết nối giao thông thủy – bộ – đường sắt, tạo điều kiện phát triển logistics xanh và bền vững.

Với định hướng rõ ràng và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Đồng Nai kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư trong thời kỳ mới.

Quảng cáo

Về hạ tầng, dự kiến có từ 27 đến 29 bến cảng, gồm 49 đến 52 cầu cảng với tổng chiều dài từ 9.765m đến 10.372m (chưa bao gồm các bến khác). Quy hoạch xác định rõ phạm vi vùng đất và vùng nước phù hợp với quy mô cảng, đảm bảo năng lực khai thác hàng hóa.

Theo quy hoạch, đến năm 2050, hệ thống cảng biển Đồng Nai sẽ tiếp tục được mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng hóa trung bình từ 3,5% – 3,8%/năm. Hạ tầng cảng sẽ được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu dài hạn. Tầm nhìn đến 2050, cảng biển Đồng Nai là hạt nhân thúc đẩy đô thị - công nghiệp - logistics hiện đại. Góp phần định hình lại cấu trúc phát triển không gian kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, đa cực và kết nối toàn diện.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cập nhật các quy hoạch địa phương phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng biển; bố trí quỹ đất phát triển cảng và hạ tầng kết nối; phối hợp các cơ quan xử lý thủ tục đầu tư, cấp phép, quản lý hoạt động cảng biển đảm bảo đồng bộ và đúng định hướng.

Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai được giao rà soát, quản lý dự án Bến cảng Việt Thuận Thành đảm bảo đúng quy hoạch sử dụng đất và quy định pháp luật; Công bố danh mục địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm theo đúng quy định.

Quy hoạch cảng biển Đồng Nai mang nhiều ý nghĩa chiến lược và thực tiễn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cả vùng Đông Nam Bộ. Điều này tạo động lực phát triển kinh tế – công nghiệp khi Đồng Nai là tỉnh công nghiệp trọng điểm, với nhiều khu công nghiệp lớn như Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa. Việc quy hoạch và mở rộng cảng biển giúp giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất – kinh doanh. Giúp phân luồng hàng hóa, giảm tải cho các cảng đang quá tải như Cát Lái, Hiệp Phước. Hướng tới phát triển bền vững khi quy hoạch mới gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển hệ sinh thái logistics xanh.

Quy hoạch cảng biển Đồng Nai không chỉ là câu chuyện hạ tầng, mà là bước đi chiến lược tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, tăng sức hút đầu tư, và khẳng định vai trò của tỉnh trong chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế./.

Trí Đức - Hoàng Châu
Nguồn https://vietnamhoinhap.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm