Vừa qua, Hội nghị sáng tạo hàng năm được tổ chức bởi Adobe Inc – Adobe MAX 2023 đã diễn và thành công để lại ấn tượng với sự phát triển mới của những ứng dụng công nghệ tiên tiến đến từ các nhà khoa học khác nhau. Một trong số đó phải kể đến Project Primrose – dự án thu hút sự chú ý không chỉ của công đồng yêu công nghệ, mà còn khiến giới mộ điệu của làng mặc đẹp “đứng ngồi không yên” khi ra mắt một thiết kế váy tương tác có thể thay đổi màu sắc, hoa văn, họa tiết trong thời gian thực.
Xuất hiện trên sân khấu, bà Christine Dierk nhà khoa học của Adobe và cũng là người phụ trách chính của dự án Project Primrose đã diện chiếc váy công nghệ cao đầy độc đáo. Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là một chiếc váy tương tác mang tính đột phá nhằm cách mạng hóa, giúp chúng ta nhìn nhận và trải nghiệm quần áo theo cách mới mẻ và tối ưu nhất.
Điều làm nên sự khác biệt của kỳ quan kỹ thuật số này, chính là khả năng thay đổi, “thiên biến vạn hóa” ngay lập tức. Được thiết kế với nhiều màn hình nhỏ tích hợp lại với nhau, chiếc váy có thể thay đổi diện mạo chỉ bằng một nút nhấn. Đưa khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, tại sân khấu ở Los Angeles, nhà khoa học của Adobe trình làng 4 họa tiết được tích hợp trong 1 thiết kế bao gồm: từ chiếc váy màu kem đơn giản chuyển từ sang màu bạc kim loại lấp lánh, nối tiếp đó, thiết kế kỹ thuật số tiếp tục gây ấn tượng với hàng loạt biến đổi với nhiều họa tiết khác nhau như: sọc chữ V cho đến điểm nhấn kim cương phức tạp.
Hơn cả việc chỉ thay đổi màu sắc và hòa văn, thiết kế độc đáo này còn được tiết lộ có thể biến hóa linh hoạt, đem lại cảm giác thú vị hơn nhờ các hình ảnh động. Chỉ cần nhấn nút sẽ kích hoạt và tạo nên các chuyển động mượt mà của thiết kế. Từ đó, làm mở đi ranh giới giữa thời trang và công nghệ. Một điều hấp dẫn không thể thiếu của thiết kế này phải kể đến chế độ không nút của váy, được xây dựng dựa trên các cảm biến nhúng, mang lại trải nghiệm liền mạch và trực quan cho người dùng.
“Thời trang thảm đỏ hẳn sẽ rất rối loạn” – ông Adam Devine, người đồng dẫn của bà Dierk đã dí dỏm nhận xét trong buổi thuyết trình. Quả thật, với sự xuất hiện của Project Primrose đã đem đến lời hứa hẹn sẽ định hình lại thời trang thảm đỏ và hơn thế nữa. Bởi nó không chỉ dừng lại ở các thiết kế tĩnh, mà đó còn là thời trang năng động với tính tương tác cao, có thể thích ứng với tâm trạng và phong cách của người mặc chỉ bằng một cú chạm hoặc cử chỉ.
Như cách mà Christine Dierk đã khẳng định tại Adobe MAX: “Thời trang không nhất thiết phải tĩnh, nó có thể trở nên năng động, linh hoạt, thậm chí tương tác được với người dùng.” Quả thực, đã qua rồi giai đoạn thời trang chỉ giới hạn ở những loại vải tĩnh và thiết kế cố định. Dự án Primrose thật sự đã tạo nên một cơn địa chấn trong thế giới quần áo, mang đến cái nhìn đầy mới mẻ về một tương lai, nơi ngành công nghiệp tỷ đô trở nên sống động hơn bao giờ hết. Nó đại diện cho một tương lai nơi quần áo là bức tranh để thể hiện bản thân, nơi ranh giới giữa nghệ thuật và thời trang là sự kết hợp giữa tính linh hoạt của mỗi cá nhân. Sau tất cả, “chiếc váy kỹ thuật số mang vải vào cuộc sống” đã mở ra một tương lai mới cho thời trang.