Du lịch Trung Quốc: 58 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (phần 3)
Du lịch Trung Quốc: 58 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (phần 3)
Một trong những đặc điểm nổi tiếng của du lịch Trung Quốc thu hút du khách trên thế giới phải kể đến là số lượng Di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm cả Di sản thiên nhiên và Di sản văn hóa. Trung Quốc hiện tại còn đang là quốc gia có số lượng di sản đứng đầu thế giới với 58 di sản. Cùng điểm qua 58 Di sản thế giới tại Trung Quốc ngay sau đây.
19. Tô Châu Viên Lâm (văn hóa) 1997
Tô Châu Viên Lâm là một vườn cây cảnh cổ điển nằm tại nội thành Tô Châu, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1997. Tô Châu Lâm Viên là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật kiến trúc vườn của Trung Hoa, giản dị, tinh tế và lãng mạn, vừa có vẻ đẹp tự nhiên, vừa có nét độc đáo riêng của nghệ thuật tạo vườn. Có thể nói đây là khu vườn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc vườn của Trung Hoa.
Về kết cấu và phong cách đều có những nét riêng. Đình đài miếu mạo, đường sá, cầu cống, hang động, núi non, cây cỏ, hoa lá, đều đa dạng và phong phú. Tuy nhiên mỗi triều đại của Trung Quốc đều có một công trình tiêu biểu trong khu vườn này. Tiêu biểu cho nhà Tống là đình Thương Lãng, tiêu biểu cho nhà Nguyên là Sư Tử Lâm Viên, tiêu biểu cho nhà Minh là Chuyết Chính Viên và tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tạo vườn của nhà Thanh là Lưu Viên.
20. Di Hòa Viên (văn hóa) 1998
Di Hòa Viên là một hoa viên rộng lớn và vô cùng nổi bật, năm cách Bắc Kinh khoảng 15km. Nơi đây từng là nơi nghỉ dưỡng, vui chơi của các thành viên hoàng tộc, đặc biệt Thái hậu Từ Hy vô cùng yêu thích khuôn viên này. Tính đến nay, Di Hòa Viên đã có lịch sử tồn tại trên 800 năm, trải qua nhiều tên gọi dưới nhiều triều đại khác nhau của Trung Hoa.
Di Hòa Viên có tổng diện tích với hơn 290 ha với khoảng 3600 gian phòng khác nhau thuộc lối kiến trúc cung điện. Ba phần tư diện tích tại đây là mặt nước, nhờ vậy, không gian luôn mát mẻ và dễ chịu. Di Hòa Viên được công nhận là Di sản văn hóa năm 1998.
Tham khảo bài viết chi tiết: Di Hòa Viên – “Cung điện mùa hè” yêu thích của Thái hậu Từ Hy
21. Đàn tế Thiên Đàn (văn hóa)
Đàn tế Thiên Đàn được xây dựng từ năm 1420, tính đến nay đàn tế này đã được hơn 600 năm tuổi và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1998. Đàn tế Thiên Đàn chính là đàn tế lớn nhất trong bốn đàn tế ở Bắc Kinh.
Đàn tế Thiên Đàn hay còn có tên quốc tế là “The Temple of Heaven”, từng là đàn tế trời với kiến trúc độc đáo giữa lòng thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc. Ngày nay, nơi đây là công viên với không gian lý tưởng để người dân địa phương hít thở không khí trong lành.
Tham khảo bài viết chi tiết: Đàn tế Thiên Đàn – công trình lịch sử hơn 600 năm tuổi giữa Bắc Kinh
22. Tượng khắc đá Đại Túc
Tượng khắc đá Đại Túc là một loạt các tác phẩm điêu khắc tôn giáo nằm ở huyện Đại Túc thành phố Trùng Khánh. Tượng bắt đầu được khắc vào cuối nhà Đường, trải qua 5 triều đại, cực thịnh nhất vào đời Lưỡng Tống. Tượng khắc Đại Túc chủ yếu tập trung trên núi Bảo Đỉnh và vách núi Bắc Sơn, quy mô lớn và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, hình thức cũng vô cùng phong phú.
Đây là kho tàng nghệ thuật hang đá của Trung Quốc với hơn 5 vạn pho tượng được chạm khắc bằng đá, phân bố ở hơn 40 địa điểm thuộc huyện Đại Túc, trong đó chủ yếu là các pho tượng của đạo Phật, sau đó là Đạo giáo và Nho giáo, và tượng một số ít nhân vật lịch sử. Tượng khắc đá Đại Túc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.
23. Khu thắng cảnh Vũ Di Sơn
Khu thắng cảnh Vũ Di Sơn là một phần của dãy núi Vũ Di. Đây là một đô thị thúc đẩy phát triển kinh tế kèm với du lịch bền vững và được công nhận là Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới năm 1999. Khu thắng cảnh núi Vũ Di dài 60km, nổi tiếng bởi địa thế của vùng đất Đan Hạ, xung quanh bao bọc bởi núi và nước, có nhiều đỉnh núi có hình thù kỳ quái.
Đỉnh chính của dãy núi là Hoàng Cương Sơn cao 2158 mét, là đỉnh cao nhất Đông Trung Quốc. Tại đây có một con sông chảy về phía đông tạo thành những khúc cua uốn lượn. Nơi đây được định cư từ thời đại đồ đồng có thể thấy qua dấu tích tại Vũ Di Sơn Nhai Mộ Quần. Vào thời nhà Tây Hán, Hán Vũ Đế đã gửi sứ thần đến đây để lập bàn thờ để thờ thần núi Vũ Di Quân. Tên của dãy núi được đặt theo tên đó.
24. Chùa Đại Chiêu
Chùa Đại Chiêu hay Jokhang là ngôi chùa Phật giáo Mật Tông Tạng truyền nằm tại quảng trường Bát Giác thuộc trung tâm phố cổ Lhasa, thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng. Ngôi chùa hiện được cai quản bởi Cách-lỗ phái nhưng họ chấp nhận tất cả các tín đồ của Phật giáo. Chùa này là sự pha trộn của thiết kế một tịnh xá Ấn Độ với thiết kế Tây Tạng Nepal.
Đối với người Tây Tạng đó là ngôi chùa linh thiêng nhất nước và là nơi diễn ra ngày hội chùa Đại Chiêu lớn nhất của người Tạng. Nó được thành lập bởi vua Tùng Tán Cán Bố vào thế kỷ thứ 7 (năm 647) khi vương triều này hưng thịnh nhất. Kiến trúc của chùa là sự kết hợp của nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ, Nepal và Trung Quốc thời Đường. Chùa Đại Chiêu được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1994.
25. Thanh Thành Sơn và Đô Giang Yển
Núi Thanh Thành nằm cách thành phố Đô Giang, tỉnh Tứ Xuyên 15 km về phía Tây Nam. Ngọn núi này nổi tiếng là một trong những cái nôi của Đạo giáo Trung Quốc. Năm 142 TCN, Trương Lăng thành lập học thuyết của Đạo giáo ở núi Thanh Thành, và trong năm sau ông đã lên tu hành tại đây.
Trong suốt những năm từ năm 265 đến năm 420, núi Thanh Thành trở thành trung tâm giáo lý Đạo giáo được phổ biến rộng rãi khắp Trung Quốc. Đỉnh cao là triều đại nhà Đường, từ núi Thanh Thành, các nhân vật quan trọng nhất trong tư tưởng và khoa học mảnh đất này đều ở đây trong giai đoạn này.
Đô Giang Yển là một công trình hạ tầng thủy lợi cổ được nước Tần xây dựng vào năm 256 TCN trong thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc nằm trên sông Dân ở tỉnh Tứ Xuyên. Ngày nay công trình này vẫn đang được sử dụng và giúp tưới tiêu hơn 5.300 km² đất của khu vực này. Núi Thanh Thành cùng công trình thủy lợi Đô Giang Yển đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2000.
26. Khu di tích thôn cổ Nam bộ An Huy: Tây Đệ, Hoành Thôn
Thôn Tây Đệ nằm tại huyện Y, thành phố Hoàng Sơn, phía Nam tỉnh An Huy được thành lập từ thời nhà Tần nhưng mãi đến thời Bắc Tống thôn mới được xây dựng với tổng diện tích 13ha. Thôn Tây Đệ có hình dáng của một con thuyền, bốn mặt đều giáp núi, dài 700m, rộng 300m. Cách bố trí của thôn ngụ ý “trôi theo dòng nước về phía Tây sẽ được các vị thần giúp đỡ lấy chân kinh, từ đó sẽ đại cát đại lợi”.
Nước trong thôn Tây Đệ trong xanh, cây cối um tùm, tường nhà màu trắng, ngói màu đen. Những ngôi nhà cổ ở đây được xây hoặc liền sát nhau hoặc được xây tách rời độc lập. Các ngôi nhà đều có giếng trời, xung quanh có tường bao bọc, không khí vào trong nhà theo giếng trời, xung quanh tường không có cửa sổ, nếu có thì cũng rất nhỏ và ở trên cao.
Hoành Thôn là một ngôi làng nằm trong khu vực lịch sử Huệ Châu, phía Nam tỉnh An Huy. Hoành Thôn được xây dựng năm 1131 đời Nam Tống, có hệ thống nước nhân tạo và những khu vườn rất độc đáo, được mệnh danh là “ngôi làng trong tranh”. Nhìn từ trên cao xuống, ngôi làng trông như một con trâu đang nằm trên một vùng đất có núi và nước.
Hiện nay, Hoành Thôn có khoảng 150 ngôi nhà cổ có niên đại từ đời nhà Minh – Thanh được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh. Năm 2000, khu di tích thôn cổ Nam bộ An Huy, tiêu biểu là Tây Đệ và Hoành Thôn đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ dấu ấn đậm nét của một làng quê mang đậm phong cách Trung Quốc với đường cổ, cầu cổ, bia đá, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ.