Du lịch Trung Quốc: 58 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (phần 2)
Du lịch Trung Quốc: 58 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (phần 2)
Du lịch Trung Quốc còn nổi tiếng bởi số lượng Di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm cả Di sản thiên nhiên và Di sản văn hóa. Trung Quốc hiện tại còn đang là quốc gia có số lượng di sản đứng đầu thế giới với 58 di sản. Cùng điểm qua 58 Di sản thế giới tại Trung Quốc ngay sau đây.
11. Cung điện Tị Thử Sơn Trang
Tổ hợp cung điện và vườn hoàng gia nằm ở huyện Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Đây là công trình được coi là đỉnh cao của một khu vườn trên núi với sự phong phú của phong cảnh và kiến trúc từ đền, chùa, cung điện, vườn. Được xây dựng từ năm 1703 đến 1792 dưới triều đại nhà Thanh, Tị Thử Sơn Trang phải mất đến 89 năm để hoàn thành với tổng diện tích lên đến 5,6 kilomet vuông.
Đây là một khu phức hợp rộng lớn gồm các cung điện, các tòa nhà hành chính và các công trình nghi lễ mang nhiều phong cách kiến trúc khác nhau cùng các khu vườn hoàng gia hòa quyện hài hòa trong một cảnh quan của hồ, đồng cỏ và núi rừng. Tị Thử Sơn Trang là một trong bốn lâm viên nổi tiếng nhất Trung Quốc và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1992.
12. Khổng miếu, Khổng lâm và Khổng phủ
Khổng miếu, Khổng lâm, Khổng phủ nằm tại thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là quê hương của người sáng lập Nho giáo Khổng Tử. Năm 1994, UNESCO đã đưa quần thể di tích này vào danh mục “Di sản văn hóa thế giới”. Khổng lâm chính là nghĩa trang của gia tộc họ Khổng. Đây là nơi mà Khổng Tử cùng một số đệ tử và hàng ngàn con cháu họ Khổng đã an nghỉ.
Khổng miếu được xem là văn miếu lâu đời bậc nhất cũng như lớn nhất trên thế giới. Năm 478 TCN, sau khi Khổng Tử mất được một năm, Lỗ Ai Công đã hạ lệnh thờ cúng Khổng Tử và cho tu sửa nhà ở của ông để thành miếu thờ. Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang đã đến nước Lỗ cúng lễ Khổng Tử theo đại lễ. Đây cũng là điểm khởi đầu cho các bậc đế vương đến cúng tế Khổng Tử. Vua Ung Chính nhà Thanh đích thân đôn đốc việc tu sửa để hình thành quy mô như ngày nay.
Khổng phủ hay dinh thự gia đình họ Khổng là nơi ở lịch sử của các đời hậu duệ trực tiếp của Khổng Tử. Dinh thự này nằm ngay phía đông của Khổng miếu được bố trí theo phong cách truyền thống Trung Hoa và tách biệt với không gian chính. Ngày nay, dinh thự được sử dụng là một bảo tàng để du khách tham quan.
13. Quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang
Dãy núi Võ Đang còn có tên là “núi Thái Hòa” – một dãy núi nhỏ nằm ở phía nam thành phố Thập Yển, Tây Bắc của tỉnh Hồ Bắc. Núi Võ Đang nổi tiếng với tổ hợp phức hợp của các đền thờ và tu viện Đạo giáo gắn liền với vị thần Trấn Vũ.
Nơi đây được coi là cái nôi của võ thuật Thái Cực Quyền, Bát Quái Chưởng và Đạo giáo. Đây cũng là một trong “Tứ đại Đạo giáo danh sơn” của Trung Quốc và là một địa điểm hành hương quan trọng của Đạo giáo. Núi Võ Đang được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1994.
14. Cung điện Potala (văn hóa)
Cung điện Potala nằm ở Lhasa, thủ đô truyền thống và thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng. Đây từng là nơi ở của các đời Đạt Lai Lạt Ma cho đến khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lưu vong sang Dharamsala, Ấn Độ sau khi quân Giải phóng Nhân dân xâm nhập Tây Tạng vào năm 1959. Tên của nó được đặt theo ngọn núi Potalaka là nơi ở huyền thoại của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cung điện Potala được xây dựng vào năm 637. Cung điện đã bị phá hủy hầu hết vào thời Trung cổ và đến năm 1654 mới được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, Lozang Gyatso cho trùng tu và xây dựng cung điện Potala trên nền tảng của một cung điện khác trên Đồi Đỏ. Phải mất thêm hơn 50 năm công trình mới hình thành quy mô như ngày nay. Ngày nay cung điện Potala là một bảo tàng lịch sử và là một Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 1994.
Tham khảo bài viết chi tiết: Cung điện Potala và những dấu ấn Phật giáo Tây Tạng đặc sắc
15. Núi Lư Sơn
Còn được biết đến với tên gọi “Khuông Lư”, núi Lư Sơn là một trong những ngọn núi nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc năm ở phía bắc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Lư Sơn có chiều dài khoảng 25 km, bề rộng 10 km, phía bắc là sông Dương Tử, nam là thành phố Nam Xương, hồ Bà Dương ở phía đông. Dãy núi có 99 ngọn núi, trong đó đỉnh cao nhất là Đại Hán Dương ở độ cao 1.474m trên mực nước biển.
Lư Sơn được biết đến với vẻ đẹp hùng vĩ với biển mây bao bọc 200 ngày trong năm. Núi Lư Sơn là một phần của vườn quốc gia Lư Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1996 và một điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc, đặc biệt là trong những tháng mùa hè khi thời tiết mát mẻ.
16. Đại Quang Minh Sơn
Còn được biết đến với cái tên “Nga Mi Sơn” nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, Đại Quang Minh Sơn cao 3.099m là một trong bốn ngọn núi thiêng của Trung Quốc. Đây là một vùng rộng lớn được hình thành bởi những trận phun trào núi lửa trong kỷ Permi. Đại Quang Minh Sơn được công nhân là Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới năm 1996.
Với địa thế cao chót vót, phong cảnh tuyệt đẹp nên người ta nói tới Nga Mi Sơn như là “Nga Mi thiên hạ tú”. Là một trong “Tứ đại Phật giáo danh sơn”, tại Nga Mi Sơn có khoảng 26 ngôi chùa, miếu, trong đó có 8 ngôi chùa, miếu lớn là cơ bản nhất. Người ta cho rằng Nga Mi Sơn chính là đạo tràng của Phổ Hiền Bồ Tát.
17. Thành cổ Lệ Giang
Thành cổ Lệ Giang hay còn gọi là “Đại Nghiên”. Đây là trung tâm lịch sử của thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với lịch sử hơn 1.000 năm là nơi hợp lưu buôn bán dọc theo đường mòn Trà mã đạo, con đường được biết đến như là “Con đường tơ lụa Tây Nam”, thành cổ Lệ Giang đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1997.
Thành cổ Lệ Giang được xây dựng từ thời Tống – Nguyên, là nơi sinh sống của các dân tộc như Bạch, Nạp Tây, Tạng. Nằm trên độ cao 2.400m trên cao nguyên Vân Quý, nơi đây có những phong cảnh hữu tình và những giá trị văn hóa truyền thống của những dân tộc khác nhau hòa quyện thành một cảnh sắc cổ kính với những giá trị nổi bật. Đến nay cấu trúc đô thị cổ vẫn gần như nguyên vẹn với giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo.
Tham khảo bài viết chi tiết: Thành cổ Lệ Giang và những giá trị văn hóa lịch sử ngàn năm tuổi
18. Thành cổ Bình Dao
Thành cổ Bình Dao là một khu định cư nằm ở trung tâm của tỉnh Sơn Tây. Thị trấn lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 800 TCN và là trụ sở của chính quyền địa phương ít nhất là từ thời nhà Tần. Đến thế kỷ 16, đây là trung tâm tài chính của khu vực, một số người coi đó là trung tâm tài chính của nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19.
Thành cổ có hình vuông, chu vi dài 6157,5m. Thân tường đắp bằng đất thô, ngoài bọc gạch. Tường thành cao 10m, đỉnh thành dày 3-6m, chân thành dày 9-12m. Trên thành cứ cách 50m thì xây một tháp canh, 4 góc thành mỗi góc xây một gác lầu. Phía trên tường thành xẻ 300 cửa và xây 72 tháp canh nhỏ tượng trưng cho 72 hiền nhân của Khổng Tử.
Trên con đường Nanda nay đổi tên thành đường Minh-Thanh là nơi ra đời những ngân hàng đầu tiên của nhà nước Trung Hoa. Đặc biệt những ngân hàng này chính là những ngân hàng đầu tiên sử dụng “séc” thay tiền giấy, đã giúp cho các thương gia đi lại buôn bán không phải mang theo những nén bạc nặng nề trong người. Thành cổ Bình Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1997.