Theo Bloomberg, nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư trên toàn cầu tăng mạnh, nhu cầu thuê hầm chứa vàng cũng tăng mạnh theo.
Hầm vàng là một kho chứa 6 tầng, được thiết kế để chứa 10.000 tấn bạc
Mới đây, một hầm vàng có chiều cao 32m vừa đi vào hoạt động tại sân bay Changi, Singapore. Các chuyên gia cho rằng điều này đã thể hiện rõ sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu sở hữu vàng.
Hầm vàng là một kho chứa 6 tầng
Hầm vàng trên mới được khai trương vào tháng 7 nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng siêu giàu muốn cất giữ vàng trong môi trường an ninh cao. Hầm vàng là một kho chứa 6 tầng, được thiết kế để chứa 10.000 tấn bạc tương đương hơn 1/3 nguồn cung bạc toàn cầu hàng năm. Ngoài ra, hầm cũng chứa 500 tấn vàng, tương đương với khoảng 50% lượng vàng mà các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng trong năm ngoái.
Bên trong hầm vàng tại Singapore
Công ty Silver Bullion là chủ đầu tư của hầm vàng có tổng diện tích 16.700m2 trên. Công ty cho biết đây là một trong những hầm vàng lớn nhất thế giới và được xây ngay sau khi hầm vàng trước của công ty hết chỗ. Dù mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, hầm vàng mới đã nhận được sự quan tâm rất lớn của khách hàng.
Giá các kim loại quý đều đã tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay.
Giá vàng mới đây cũng thiết lập kỷ lục mọi thời đại trên 2.500 USD/ounce. Cùng với đó, nhu cầu mua tiền xu vàng và vàng thỏi của các văn phòng quản lý gia sản tại châu Á tăng mạnh.
Các chuyên gia cho rằng nhu cầu nắm giữ vàng của các "cá mập" trên thị trường tăng cao có thể do lo ngại về rủi ro địa chính trị, triển vọng lãi suất giảm ở Mỹ và trên toàn cầu và xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương.
Việc nắm giữ vàng vật chất có những điểm bất lợi như không mang lại lợi tức và phải trả chi phí cất giữ. Nhưng đổi lại, đây là một tài sản an toàn, giúp nhà đầu tư bảo toàn giá trị trong môi trường kinh tế và chính trị biến động.
"Các nhà đầu tư, bao gồm các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, đang tìm cách giảm bớt rủi ro cho khối tài sản của họ. Vàng là một số ít tài sản giúp họ lưu trữ giá trị mà không đi kèm với rủi ro đến từ phía đối tác", ông Jeff Christian, nhà quản lý quỹ của công ty CPM Group, chia sẻ với Bloomberg.
Hầm vàng được bảo vệ rất cẩn thận (Ảnh: Bloomberg).
Hiện nay, 2 hầm vàng lớn nhất thế giới là hầm vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York và hầm vàng của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Cả 2 ngân hàng trung ương này đều giữ hộ vàng cho một số ngân hàng trung ương khác. Hầm vàng của Fed tại New York đang nắm 6.331 tấn vàng, trong khi hầm vàng của BOE ở London chứa 5.266 tấn vàng.
Bên ngoài hầm
Ngoài ra, các ngân hàng và công ty lớn như JPMorgan Chase, HSBC, Brink's Co, Malca-Amit... cũng có những cơ sở cất giữ vàng lớn để phục vụ cho thị trường phái sinh cũng như giữ vàng cho các quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới.
Chẳng hạn, JPMogan Chase đã mở một hầm bạc mới ở London vào năm 2021 và hiện hầm này đang giữ hơn 10.000 tấn bạc cho quỹ ETF bạc lớn nhất thế giới là iShares Silver Trust.