
Yeon Si Eun (Park Ji Hoon) trong Người Hùng Yếu Đuối 2 (Weak Hero Class 2). Ảnh: Netflix
Sau thành công vang dội của mùa đầu tiên, Người Hùng Yếu Đuối 2 (Weak Hero Class 2) đã chính thức ra mắt trên Netflix vào ngày 25/4 vừa qua, tiếp tục khai thác thế giới học đường đầy bạo lực nhưng cũng chất chứa nhiều bài học nhân văn thông qua hành trình trưởng thành của Yeon Si Eun (Park Ji Hoon) và những người bạn.
Dù nhịp phim có nhận về một số ý kiến trái chiều, khán giả đều đồng lòng rằng tác phẩm vẫn giữ vững “đặc sản” là những phân cảnh hành động căng thẳng, mãn nhãn. Bên cạnh kịch bản chắc tay và diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên, yếu tố kỹ thuật quay dựng cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng tình huống kịch tính và nâng cao trải nghiệm thị giác. Vậy Người Hùng Yếu Đuối 2 đã vận dụng những thủ pháp kỹ thuật nào để tạo nên sự mãn nhãn ấy? Hãy cùng khám phá.
Cú máy tĩnh (Static Shot) đan xen rung máy (Camera Shake)
Cú máy tĩnh, tức là camera không chuyển động và được cố định bằng tripod, được đội ngũ làm phim Người Hùng Yếu Đuối 2 sử dụng trong những cảnh đối thoại trước các trận đánh. Mục đích là để tập trung vào diễn xuất của diễn viên, xây dựng không khí căng thẳng, thường kết hợp với việc hạn chế nhạc nền.
Một khi nhân vật tung ra cú đánh đầu tiên, bộ phim ngay lập tức chuyển sang kỹ thuật quay cầm tay (handheld shot) với rung máy (camera shake), như thể người quay đang cầm máy di chuyển cùng trận đánh.
Đây là kỹ thuật quen thuộc trong các cảnh hành động, nhưng khó thực hiện vì nếu chọn góc quay sai hoặc rung quá mạnh, sẽ khiến người xem khó theo dõi đường đánh và khó phân biệt ai đang chiếm ưu thế. Người Hùng Yếu Đuối 2 xử lý rất tốt, tránh được lỗi này. Rung máy được sử dụng nhiều nhất trong những trận đánh ban ngày, với ánh sáng rõ ràng để người xem dễ quan sát.
Sự tương phản giữa hai kỹ thuật này giúp đội ngũ làm phim tạo nhịp căng thẳng với cú máy tĩnh và giải toả bằng những trận chiến mãn nhãn, như thể khán giả đang hoà mình thành người theo dõi trận đấu, di chuyển cùng nhân vật.
Mô phỏng góc nhìn thứ nhất (First Point Of View)

Nhân vật Yeon Si Eun với tay lấy kính của nhân vật Geum Seong Je trong trận đánh, và hành động này được quay như thể máy quay đang ở vị trí của Geum Seong Je. Ảnh: Netflix
Cảm giác nhập vai không chỉ đến từ rung máy mà còn nhờ góc quay. Bộ phim khai thác nhiều cảnh hành động quay từ góc nhìn thứ nhất, khiến khán giả có cảm giác như chính mình đang trong trận chiến. Nhiều phân cảnh chỉ quay một nhân vật chính diện, còn đối thủ thì chỉ lộ tay hoặc chân từ góc màn hình, tấn công mà không thấy rõ mặt – tương tự góc nhìn trong các trò chơi nhập vai.

Khán giả theo dõi trận chiến của Park Hu Min từ khoảng trống giữa hai tủ sắt. Ảnh: Netflix
Bộ phim còn sáng tạo thêm khi đặt máy quay ở những vị trí mô phỏng góc nhìn của nhân vật. Ví dụ, trong phân đoạn Baku/Park Hu Min (Ryeo Un) đối phó với Hội Liên hiệp trong hành lang hẹp, máy quay đặt thấp, hai rìa khung hình chèn bởi mép tủ sắt, tạo cảm giác như người xem đang nấp và quan sát.
Sự khác biệt giữa cú máy di động (Tracking) và cú máy đẩy về trước (Push In) trong cùng một phân cảnh

Cú máy tracking là cú máy di động theo nhân vật, từ từ hé lộ những khung cảnh tiếp theo. Ảnh: Netflix
Bộ phim sử dụng nhiều cú máy đẩy về trước và một số cú máy di động. Cú máy đẩy về trước (push-in) là khi máy từ từ tiến gần đối tượng, thường nhằm nhấn mạnh cảm xúc hoặc chi tiết. Cú máy di động (tracking) lại theo bước chân nhân vật, thường dùng để hé mở dần không gian và tình huống.
Ví dụ, ở tập 7, camera theo sau bóng lưng Baek Ha Jin đi xuống cầu thang vào phòng bowling; khi nhân vật dừng bước gặp Choi (Jo Jung Suk), máy quay cũng dừng, chuyển sang cú máy tĩnh để ghi lại đối thoại.

Bên trái: Khi Baek Ha Jin nhập cuộc, phim sử dụng kỹ thuật quay Push In. Bên phải: Khi anh đã chiến thắng và rời khỏi trận đấu, máy sử dụng tracking. Ảnh: Netflix
Ở tập 3, có một cách dùng tinh tế hơn: khi Baek Ha Jin tiến ra từ bóng tối gặp đối thủ, thay vì tracking theo, phim sử dụng push-in ngược với hướng đi của nhân vật. Điều này làm tăng cảm giác đối phương đáng gờm, buộc khán giả chú ý và ghi nhớ hắn như một nhân vật phản diện quan trọng. Đây cũng là trận đầu tiên của Baek Ha Jin, nên cách quay “trịnh trọng” này càng nhấn mạnh vai trò của đối thủ.
Ngược lại, sau khi Baek Ha Jin chiến thắng, máy quay chuyển sang tracking di động theo cậu, dẫn mạch chuyện tới tình tiết tiếp theo (cảnh nhận tin nhắn).
Cú máy lia nhanh (Whip Pan)

Ảnh: Netflix
Lia tức có nghĩa là giữ máy cố định ở một vị trí nhưng quay máy qua lại. Lia nhanh (whip pan) tức có nghĩa là làm vậy với tốc độ nhanh. Trong La La Land (2016), phân đoạn Mia (Emma Stone) nhảy còn Sebastian (Ryan Gostling) đánh đàn chính là ví dụ dễ thấy nhất về Whip Pan.
Bên phải là cảnh phim, bên trái là cách đạo diễn thực hiện Whip Pan trong La La Land (2016)Whip Pan được sử dụng để tăng thêm năng lượng cho phân cảnh qua một cú máy đột ngột. Người Hùng Yếu Đuối 2 ít tận dụng cú máy này, chỉ có trong phân cảnh Baek Ha Jin ném một đối thủ khác của mình, cho thấy được sức mạnh lẫn uy lực của nhân vật. Tuy nhiên, vì khoảng cách giữa hai điểm biên độ dao động máy không xa, nên không có cảm giác rõ ràng như La La Land.
Dolly Zoom

Nền sau lưng nhân vật Yeon Si Eun được mở rộng hơn, trong khi nhân vật này lại tiến gần đến khung hình hơn (bạn có thể quan sát vị trí của vai áo). Đây là Dolly Zoom. Ảnh: Netflix
Dolly Zoom là kỹ thuật được thực hiện bằng cách kéo máy ra xa, cùng lúc đó bấm nút phóng đại (zoom in) vào nhân vật hoặc ngược lại, đưa máy lại gần, trong lúc thu nhỏ (zoom out). Các trường hợp ứng dụng Dolly Zoom chủ yếu để nhấn vào những mâu thuẫn nội tâm của nhân vật.
Người Hùng Yếu Đuối 2 có cách ứng dụng khá sát với mục đích thường thấy, khi tại tập 2 của phim, Dolly Zoom được dùng trong một khoảnh khắc rất nhỏ và rất kín kẽ để cho thấy sự kích động của nhân vật Yeon Si Eun khi nhận lời khiêu khích từ Go Hyun Tak.
Kỹ thuật chuyển cảnh Cut On Action

Ảnh: Netflix
Cắt ghép cảnh ngay giữa một hành động nào đó, hay hiểu đơn giản, cùng một hành động đó nhưng nhìn từ nhiều góc khác nhau. Cut On Action có thể được sử dụng trong nhiều cảnh, chẳng hạn như bắt tay, uống nước, ngồi ghế… nhưng riêng với dòng phim hành động như Người Hùng Yếu Đuối 2, kỹ thuật dựng này thường được ứng dụng theo cách shot đầu tiên sẽ quay đủ hai nhân vật, cho thấy rõ nước đi của họ, còn shot tiếp theo sẽ là shot quay cận cho thấy được sức sát thương hoặc cụ thể cách thực hiện một đòn đánh nào đó.
Khi cảnh hành động không đủ hấp dẫn để quay dài một mạch (long shot), kỹ thuật Cut On Action giúp phân đoạn trở nên dồn dập, tạo cảm giác gay cấn dù không cần quá nhiều động tác phức tạp. Đây là một kỹ thuật được sử dụng linh hoạt để giữ sự liền mạch trong các pha chiến đấu.
Cảnh quay chậm (Slow motion)
Cảnh quay chậm (slow motion), dù có phần hơi nghịch lý, vốn được sử dụng rất nhiều trong những lúc cần sự dứt khoát và căng thẳng như cảnh hành động, để nhấn mạnh một động thái nào đó, tăng sự kịch tính hay giúp khán giả để tâm đến một chi tiết nào đó.Cách ứng dụng của Người hùng yếu đuối 2 là khi tung đòn đánh, cảnh quay chậm sẽ được sử dụng để tạo cảm giác bồn chồn cho khán giả. Đến khi cú đánh thực sự được tung ra, bộ phim sẽ đưa trở về nhịp quay thực.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:- MÀN ĐÊM KINH HOÀNG (NIGHT HAS COME) GÂY SỐT VỚI CHỦ ĐỀ MA SÓI
- CÁI KẾT PHIM HỌC SINH CÁ BIỆT (STUDY GROUP) HÉ MỞ NHIỀU TIỀM NĂNG CHO PHẦN HAI
Harper’s Bazaar Việt Nam