Mua đồ cổ xét cho cùng là việc tìm kiếm sự nguyên bản và hiện trạng lý tưởng của một món đồ. Với đồng hồ, hai yếu tố này rất khó để minh định, và có những cạm bẫy mà ngay cả một nhà sưu tập lọc lõi cũng có thể mắc phải. Chẳng phải Omega còn mua phải một chiếc Speedmaster không nguyên bản với giá triệu đô đó sao? Thành ra, sai lầm luôn là điều khó tránh. Điều quan trọng là chúng ta phải biết đặt ra các ưu tiên để hạn chế rủi ro trong quá trình sưu tầm đồng hồ. Trong bài viết này, chúng tôi tổng hợp 5 nguyên tắc sưu tầm đồng hồ theo chuyên gia Alan Bedwell, nhà sáng lập kiêm chuyên gia giám tuyển tại thương hiệu Foundwell. Dĩ nhiên, 5 nguyên tắc này cũng chỉ mang tính tham khảo vì bản thân mỗi chiếc đồng hồ lại có những đặc tính khác nhau.
Xác định rõ mong muốn của bản thân
Thường thì bước đầu tiên bao giờ cũng là bước khó nhất. Có quá nhiều dòng đồng hồ trên thị trường, từ kiểu thể thao, đồng hồ cơ phức tạp, đồng hồ dành cho phi công, đồng hồ thợ lặn cho tới đồng hồ bấm giờ và nhiều thể loại khác. Chỉ có bạn mới biết mình muốn tìm kiếm điều gì.
Chọn được chiếc đồng hồ mong muốn luôn là bước khởi đầu gian nan nhất.
Nếu khó khăn, hay thử đặt câu hỏi: "Mình mua chiếc này để làm gì?" Bạn muốn đeo nó mọi lúc mọi nơi hay chỉ lấy ra trong những dịp đặc biệt? Bạn mua nó để đeo hay bổ sung vào bộ sưu tập? Bạn muốn dây da hay dây kim loại? Đó phải là chiếc đồng hồ cổ đúng nghĩa (tuổi đời trên 40 năm), hay một chiếc tân cổ điển (từ 20 đến 40 năm)? Có một cách đơn giản để đưa ra quyết định là làm phép loại trừ. Cứ gạch dần các tiêu chí cho tới khi đi đến mấu chốt cuối cùng. Nếu không, bạn sẽ rất khó đi tiếp.
Hiện trạng là yếu tố then chốt
Làm gì thì làm, nhất định phải mua một chiếc đồng hồ trong tình trạng tốt nhất. Hãy kiểm tra tình trạng của bộ vỏ, mặt số, bộ kim và nhất là bộ máy đồng hồ. Hãy soi bộ vỏ thật kỹ để tìm ra những điểm bất thường và sự bóng bẩy quá mức bằng cách so sánh hình ảnh của phiên bản nguyên mẫu và phiên bản mà bạn bắt gặp.
Bước tiếp theo là kiểm tra kỹ mặt số, nhất là phần rìa ngoài. Các vết xước ở khu vực này cho thấy mặt số có sự xê dịch bên trong bộ vỏ - một điểm phổ biến ở các mẫu đồng hồ thời trang. Nếu các vết xước không phải là điều quá to tát, thì tình trạng bị ăn mòn lại rất đáng lưu tâm, vì đó có thể là dấu hiệu của việc ngấm nước khiến cho bộ máy bị tích ẩm. Nếu nhận thấy điều này, hãy từ chối giao dịch ngay và luôn.
Dù có chút phai màu theo thời gian, mặt số của chiếc Patek 1518 vẫn rất đẹp theo kiểu "nguyên bản". (Ảnh: SOTHEBY’S)
Với các chi tiết như bộ kim, núm vặn hay cọc số, hãy quan sát và so sánh với phiên bản nguyên trạng. Kim không được quá dài hay quá ngắn. Chất liệu phát quang cũng cần được kiểm tra để tránh việc bị "mông má" lại hay hư hại quá mức. Dây đeo cũng thế.
Với bộ máy, hãy hỏi người bán về kết quả thu được từ thiết bị Timegrapher (máy đo độ chính xác đồng hồ). Sai số khoảng 30 đến 40 giây mỗi ngày là điều đáng lo ngại, nhưng chỉ sai vài giây lại được xem là bộ máy tuyệt hảo cỡ chronometer. Tuy nhiên, một chiếc đồng hồ chính xác vẫn có thể nảy sinh vấn đề. Hãy kiểm tra biên độ của bánh xe cân bằng và đảm bảo góc dao động phải từ 260 đến 300 độ. Nếu chiếc đồng hồ có sai số lớn hay góc dao động bất thường, hãy kiểm tra thật kỹ với người bán.
Liệu cơm gắp mắm
Ý này có vẻ trùng lặp với ý thứ 2 ở trên. Tuy nhiên, sai lầm đầu tiên của nhiều nhà sưu tập là cố mua một chiếc đồng hồ trứ danh nhưng không có đủ tiền để sở hữu một chiếc như vậy trong tình trạng ổn thoả. Ai chả muốn sở hữu một chiếc Patek với lịch vạn niên hay chiếc Rolex Red Sub 1680 với đầy đủ giấy tờ phụ kiện, hay chiếc Omega Speedmaster với mặt số nhiệt đới. Dĩ nhiên, mọi thứ thật hoàn hảo nếu bạn có đủ tiền. Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép, hãy tìm những chiếc vừa tầm với mức giá hời nhất. Nên nhớ, bạn khó lòng tìm được một thứ "ngon - bổ - rẻ".
Mua đồng hồ nên biết "liệu cơm gắp mắm".
Nên nhớ, mua đồng hồ nghĩa là "lấy lòng" người bán
Mua đồng hồ đồng nghĩa với việc thiết lập một mối quan hệ lâu dài. Hãy chắc rằng người bán sẵn lòng trả lời các câu hỏi của bạn. Ngoài ra, cũng nên tham khảo ý kiến từ các trang uy tín hay các nhà sưu tập kinh nghiệm. Nếu bạn mua một chiếc đắt đỏ, hãy đề nghị người bán cho tham khảo ý kiến từ chủ cũ của chiếc đồng hồ - một điều rất phổ biến ở phân khúc cao cấp. Để hiểu hơn về quy trình bảo dưỡng đồng hồ, nên tham khảo kết quả từ máy Timegrapher như đã nói ở trên. Dĩ nhiên, không phải người bán nào cũng tiết lộ kết quả, vì đôi khi chính họ cũng không nắm được. Sau cùng, hãy kiểm tra các điều kiện bảo hành cho chiếc đồng hồ. Thường thì thời gian sẽ là một đến hai năm. Đặc biệt, hãy làm rõ các giải pháp của người bán một khi chiếc đồng hồ gặp trục trặc kỹ thuật trong thời gian bảo hành.
Nên tham khảo ý kiến từ các trang uy tín hay các nhà sưu tập kinh nghiệm
Đừng đặt nặng chuyện hộp đựng và giấy tờ
Chủ đề này luôn gây nhiều tranh cãi. Thực ra ai cũng hiểu, hộp đựng và giấy tờ (trong nghề gọi là "full set") không có giá trị với bản thân chiếc đồng hồ, nhưng nó có thể làm tăng giá bán trên thị trường. Dĩ nhiên, điều kiện thực tế của chiếc đồng hồ còn lâu mới phụ thuộc vào chiếc hộp và mớ giấy chứng nhận. Ngoài ra, nếu đặt nặng hai thứ này, bạn có thể bị đánh lừa bởi các loại giấy tờ giả mạo hay hộp không chính hãng. Thực ra, với những chiếc đồng hồ trên 40 năm, thật khó để giữ được hai món này. Nếu bạn vẫn cố tìm cho được, hãy lưu ý là nhiều thương hiệu luôn để số thẻ bảo hành trùng với số sê-ri trên đồng hồ.
Đừng cố đề cao chuyện hộp đựng và giấy tờ của một chiếc đồng hồ lâu năm. (Ảnh: EBAY)
Cuối cùng, chuyện "full set" hay không lại tuỳ thuộc vào quan điểm mỗi người. Nhiều nhà sưu tập muốn sở hữu các loại giấy tờ vì chúng gắn với lịch sử món đồ, in hằn vết tích thời gian, giữ mùi hương của năm tháng. Ngoài ra, một chiếc đồng hồ "full set" cũng phần nào cho thấy chủ cũ quan tâm đến nó. Nhưng xét tận cùng, một cỗ máy kém chất lượng vẫn là thứ kém chất lượng ngay cả khi giấy tờ đầy đủ.