Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thường quan niệm rằng thưởng trà chính là ta đang tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn. Nhắc đến trà đạo, người ta thường nhắc đến không khí yên tĩnh, lắng đọng, tinh thần thư thái thoải mái, kỹ thuật pha chế đẹp mắt, tỉ mỉ. Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam là ba đất nước nổi tiếng được nhiều người biết đến trên thế giới. Nếu từng có cơ hội đặt chân tới ba đất nước này mà chưa được thưởng thức tách trà thơm nồng, chứa đựng trong đó tâm huyết của nghệ nhân thì thật chưa trọn vẹn.
Không kỳ công thưởng trà như trà đạo Nhật – Chanoyu hay Gongfucha của trà đạo Trung Hoa, trà đạo Việt Nam đơn giản hơn trong cách pha chế nhưng không có nghĩa là nhạt nhòa trong trà đạo thế giới. Người Việt Nam đặc biệt là những người có kiến thức uyên thâm về trà đều yêu cầu khắt khe về hương vị trong từng tách trà.
Búp trà non.Ảnh: Trang Nguyễn)
Từ rất lâu đời, uống trà đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Nếu như trước đây, trà chỉ được xuất hiện trong những gia đình quyền quý Việt thì nay văn hóa trà đã trở nên phổ biến và được nhân rộng hơn. Cùng với đó, cách pha trà cũng có nhiều biến tấu nhưng tinh thần của tách trà thì không hề thay đổi. Trà vẫn là thức uống thanh tao giúp người thưởng thức thư giãn tinh thần, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ mỗi khi bạn đến chơi nhà.
Với người Việt, nghệ thuật pha trà được gói gọn trong một câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. Nhưng dù là chọn nước, chọn trà, pha trà, rót trà, bạn trà thì tất cả các công đoạn cầu kỳ ấy đều thấm đẫm màu sắc văn hóa truyền thống và hội tụ tinh hoa dân tộc Việt Nam.
Và trà cũng được đưa vào văn thơ để miêu tả về cái chất riêng cũng như sự mê hoặc của trà. Nhà thơ Tú Xương đã khéo léo đưa trà vào tác phẩm “Ba cái lăng nhăng” của mình một cách tài tình:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó hại ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa được rượu với trà!”
Trà là thức uống rất gần gũi với đời sống của người dân nước ta, cũng như gắn liền với nền nông nghiệp, yêu chuộng lối sống bình thản, sâu sắc. Cũng như nói lên được con người Việt Nam có được sự chắt lọc và lựa chọn trong tinh thần văn hóa truyền thống. Qua đó thấy được văn hóa trà của người Việt cũng như nghệ thuật thưởng trà của mỗi người rất tinh tế, bao quát, không quá đơn giản nhưng cũng không quá cầu kỳ không nặng về nghi lễ nhưng cũng không quá bình dân. Đây chính là sự đúc kết, chắt lọc tinh hoa để có được một văn hóa cũng như nghệ thuật thưởng thức trà của người Việt một cách trung dung và tiến tới sự hoàn hảo.
Nghệ thuật thưởng trà.
(Ảnh: Internet)
Thưởng trà ở thời nào cũng vậy. Nếu ai đó nói rằng chỉ có người lớn tuổi mới thích thưởng trà thì có lẽ thời nay đã khác. Các bạn trẻ thời nay đã bắt đầu tìm hiểu nhiều về nghệ thuật thưởng trà và tìm đến những địa điểm để thưởng trà. Nổi tiếng ở Hà Nội hiện nay là Thưởng Trà tại số 2 Tông Đản. Tới đây, các bạn không chỉ tìm được những con người đồng điệu về sở thích, tâm hồn, tận hưởng không gian tĩnh lặng, lâng lâng của hương trà mà còn tận mắt chứng kiến hay thậm chí được trải nghiệm cách dệt hương trà vào từng bông sen hay dệt trà vào từng lá ngọc lan…
Công đoạn dệt hương trà vào từng bông sen tại Thưởng Trà.
(Ảnh: fb Thưởng Trà)
Những lúc đầu óc đang bị dao động bởi cảm xúc mạnh, được ngồi thưởng thức một tách trà thì mọi nóng giận đều như được rửa trôi nhanh chóng. Nhấp tách trà tinh túy, con người sảng khoái, giao hòa với thiên nhiên và đất trời, cảm nhận vị ngọt đọng mãi như một triết lí nhân sinh “khổ tận, cam lai”.