"Mặc hở hang để tìm đại gia", "Ra sân tập thì ít, sống ảo rõ nhiều", "Bộ môn chuyên "làm màu" cho hội trai xinh, gái đẹp"...
Vài ngày qua, Giang Huyền Trang (SN 1998, kinh doanh tại Thái Nguyên) kinh ngạc khi đọc nhiều bình luận tiêu cực trên mạng xã hội về pickleball - môn thể thao mà cô chơi một năm nay.
Cầm vợt ra sân từ thời điểm ở miền Bắc chỉ có vỏn vẹn vài CLB, cô gái 26 tuổi thấy mừng khi pickleball ngày càng phổ biến nhưng cũng khó chịu vì bỗng dưng người chơi môn này bị "chửi oan".
Theo Trang, pickleball không khó chơi nên thu hút mọi người ở nhiều độ tuổi, kể cả trẻ em cũng có thể tập luyện cơ bản. Phụ nữ thường lựa chọn môn này phần vì dễ, phần vì trang phục đẹp.
Khi mới thành lập, nhóm của Trang có hơn 10 nữ chỉ mặc quần đùi, áo phông đơn giản. Sau khi xem các giải pickleball chuyên nghiệp ở nước ngoài, họ vận động nhau sắm áo, váy.
"Khi "lên đồ" đẹp, chị em lại càng hăng say tập hơn, nói vui là "đỡ phí công mua quần áo". Các anh em cũng chịu khó đầu tư cho trang phục, tạo nên một sân pickleball vừa vui, vừa đẹp", cô chia sẻ với phóng viên.
Dàn người đẹp Việt "lăng xê" cho môn thể thao gây sốt pickleball
Chi trăm triệu đồng cho trang phục
Khi nhập môn pickleball, Huyền Trang không đầu tư nhiều. Cô mua một đôi giày chuyên cho tennis (quần vợt) trị giá hơn một triệu đồng và cây vợt 800.000 đồng, còn lại mua bóng tập 30.000-40.000/quả, sau này đánh chuyên hơn là 65.000-75.000/quả dùng được khoảng một tuần. Ở nơi cô sinh sống, chi phí thuê sân dao động 400.000-600.000 đồng/người/tháng.
Do đó, Trang cho rằng, pickleball không phải "môn thể thao nhà giàu" mà dễ dàng tiếp cận cho mọi người. Quần áo nhiều hay ít tùy vào nhu cầu của từng cá nhân, quan trọng là đầu tư cho giày và vợt nhằm đảm bảo hiệu quả trong di chuyển, tấn công. Như hiện tại, cô dùng vợt giá tầm trung - hơn 3 triệu đồng - thấy rất ổn.
Quan điểm của Trang là không phán xét cách ăn mặc của người chơi pickleball, dù là nam hay nữ, chỉ cần chú ý không hở bạo hoặc quá phản cảm. Về phần mình, cô ưu tiên váy áo thoáng mát, dễ cử động vì trời nóng, đổ nhiều mồ hôi dẫn đến phải thay đồ nhiều lần trong mỗi buổi.
Ở CLB của Trang, trong số 160 thành viên đang sinh hoạt, nam chiếm 90%, nữ chỉ 10%. Khi thấy chị em chỉn chu trang phục hơn, các anh cũng sắm đồ theo, thậm chí chịu chi hơn nhiều.
"Không ít thành viên nam trong nhóm mình liên tục mua đồ thể thao "xịn", giá 3-4 triệu đồng/bộ. Ngay từ đầu, người trong cộng đồng đã không ai phán xét về vấn đề trang phục. Thậm chí, các anh em còn động viên chị em mặc đẹp để sân có màu sắc và thêm động lực đi thể thao", cô bày tỏ.
Mới chơi pickleball hơn 4 tháng, Trần Đức Tùng (SN 1993) - nhân viên ngân hàng - cho biết, bên cạnh vợt, anh đã sắm 10 đôi giày và hơn chục bộ quần áo với tổng số tiền đầu tư lên tới trăm triệu đồng.
Tùng chia sẻ, thời tiết miền Bắc đang rất oi bức nên việc mỗi buổi tập 2-3 tiếng, anh phải thay vài chiếc áo là bình thường. Hơn nữa, nhu cầu "ra sân là phải đẹp" hay thích "lên đồ" để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội cũng không hề sai trái.
"Pickleball là một trong những lựa chọn để mọi người nâng cao sức khỏe vì ít chấn thương và chi phí cơ bản không quá cao, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người. Không thể chỉ nhìn vào vài bộ đồ để phán xét môn thể thao ấy một cách tiêu cực", chàng trai nói.
Không phải bộ môn để "sống ảo"
Là người yêu thích thời trang, Giang Phạm (SN 1995) - người mẫu ảnh tự do tại TPHCM - không chỉ chú trọng vào việc lựa chọn trang phục có chất liệu thấm hút mồ hôi, độ co giãn phù hợp khi chơi pickleball mà còn đẹp và thời trang.
Giang cho rằng, môn thể thao này mới "gây sốt" ở Việt Nam chưa lâu nên người mới chơi chưa biết cách lựa chọn đồ phù hợp về chất liệu hay tính thẩm mỹ, gây nên ý kiến trái chiều là điều dễ hiểu.
Lựa chọn trang phục có chất liệu thấm hút mồ hôi, độ co giãn phù hợp khi chơi pickleball.
"Môn nào cũng có cách ăn mặc khác nhau, như bơi có người thích diện đồ bơi kín đáo, có người lại thích mặc bikini, miễn sao họ thấy thoải mái. Mình nghĩ thay vì chỉ trích, mọi người nên tập trung vào mặt tích cực là chúng ta đang quan tâm đến sức khỏe, vận động nhiều hơn", cô nói.
Đến với pickleball gần 3 tháng, Giang rất thích và nghiêm túc trong việc tập luyện. Để tránh phải lên đời vợt nhiều lần, cô đầu tư loại có thương hiệu và chất liệu lõi tốt ngay từ đầu, trong tầm giá 5-10 triệu đồng. Khoản chi cho giày cũng khá tốn kém vì đế nhanh bị mòn.
Theo Giang, pickleball là môn thể thao nhìn có vẻ dễ nhưng thực tế đòi hỏi người chơi phải nhanh nhẹn, phản xạ tốt, khéo léo và thông minh trong các pha xử lý bóng. Vì thế, cô đăng ký học 1:1 với giáo viên để rèn luyện kỹ năng, về lâu dài không bị ảnh hưởng tới khớp cổ tay.
"Mình đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để luyện tập nên đối với mình, pickleball không phải là môn thể thao để "sống ảo". Mình thấy vui vẻ, giải tỏa căng thẳng mỗi khi trên sân, đốt được nhiều calo và quan tâm hơn đến chế độ ăn uống. Mình cũng yêu bản thân và tự tin hơn nhiều so trước kia", cô bộc bạch.
So sánh với một số môn từng tập là gym và yoga, Giang cho rằng, pickleball vui và có tính tương tác cao hơn. Chi phí học không chênh lệch nhưng pickleball cần thuê sân (giá ở TPHCM dao động 150.000-350.000 đồng/giờ), không thể linh hoạt tập một mình và phải đầu tư dụng cụ.
Huyền Trang cũng đồng tình, chơi pickleball mang lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần. Từng tập gym và boxing, cô cho rằng, pickleball trông nhẹ nhàng hơn nhưng thực tế, môn này giúp tiêu thụ lượng calo ngang ngửa và đổ mồ hôi rất nhiều.
Kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, cô gái 26 tuổi từng giảm được 2-3kg trong thời gian ngắn. Môn này cũng giúp cô xả stress (căng thẳng) hiệu quả.
Nhiều diễn viên và ca sĩ đam mê bộ môn pickleball
Hoàng Bảo Long (SN 1997) - huấn luyện viên pickleball và tennis tại Hà Nội - nêu quan điểm, việc có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh môn pickleball gần đây chứng tỏ bộ môn này có sức hút với nhiều người. Theo anh, đây là môn thể thao rất thú vị, đáng để mọi người trải nghiệm.
Hầu hết học viên của Long đều đặn chơi pickleball 2-3 buổi/tuần. Sau khoảng 5-6 tháng, họ đều có sự thay đổi về ngoại hình và sức khỏe một cách rõ rệt.
"Việc nhiều chị em thích mặc đẹp chụp ảnh là bình thường. Ý kiến cho rằng mọi người ra sân chỉ để "làm màu" hay kiếm chồng giàu là phán xét chủ quan vì ở đó có rất nhiều tầng lớp", anh bày tỏ.
Long cho rằng, những người chê bai hay có cái nhìn chưa tích cực về pickleball đa phần chưa hề chơi hay bước chân ra sân. Do đó, anh khuyên mọi người trực tiếp trải nghiệm để có đánh giá khách quan hơn.
Pickleball ra đời vào năm 1965 tại Mỹ, được nhận xét là sự kết hợp của các môn tennis, cầu lông và bóng bàn. Luật chơi rất đơn giản nên người chơi ở mọi lứa tuổi và trình độ đều có thể tham gia.
Theo SCMP, làn sóng chơi pickleball đang lan rộng ở châu Á, đặc biệt là trong giới trẻ, với nhiều cuộc thi từ chuyên nghiệp đến không chuyên được tổ chức.
Tại Việt Nam, pickleball đã xuất hiện từ năm 2018 nhưng khoảng 6 tháng nay, bộ môn này mới "gây sốt". Số người chơi ở Hà Nội, TPHCM tăng hàng trăm lần so với cuối năm 2023. Nhiều người nổi tiếng, người đẹp cũng nhanh chóng "lăng xê".
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, khoảng một năm nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, số lượng sân chơi pickleball gia tăng nhanh chóng, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Ở nhiều địa phương khác như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam…, các sân pickleball cũng mọc lên ngày càng nhiều, thu hút đông đảo người lớn và cả trẻ em tới tập luyện.
Ở Ấn Độ, công ty do Gaurav Natekar - nhà cựu vô địch quần vợt - đứng đầu có kế hoạch đầu tư hơn 10 triệu USD vào môn pickleball trong 5 năm tới.
Tại Trung Quốc, nhờ sự lan tỏa của những người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực thể thao và thời trang, chỉ riêng trong tháng 4, ứng dụng Xiaohongshu (tương tự Instagram) ghi nhận 2,5 triệu lượt xem cho nội dung liên quan đến môn thể thao này.
Tương tự, giới trẻ Singapore cũng chuyển từ tennis và cầu lông sang chơi pickleball. Những người nổi tiếng như tỷ phú Bill Gates, ca sĩ Taylor Swift góp phần khiến môn thể thao này ngày càng được chú ý trên thế giới.