Nhiều người Việt chọn đi du lịch để có giấc ngủ ngon
Khách du lịch kỳ vọng có một giấc ngủ liền mạch khi đi du lịch
Ngày càng nhiều khách du lịch từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương muốn đi du lịch với kỳ vọng có một giấc ngủ liền mạch. Theo nền tảng Booking.com, xu hướng này đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, nơi 83% du khách tìm kiếm kỳ nghỉ tập trung hoàn toàn vào giấc ngủ. Tiếp theo là du khách từ Thái Lan và Hàn Quốc, lần lượt với tỉ lệ 75% và 70%. Kết quả khảo sát lần này đối với du khách Việt Nam là 67%, cao hơn kết quả tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Australia và Nhật Bản.
Du lịch ngủ được dự đoán là một xu hướng phổ biến
Theo phân tích của ông Varun Grover - Giám đốc quốc gia của Booking.com tại Việt Nam, khi cuộc sống và xã hội ngày càng hối hả, giấc ngủ dần trở thành một thứ tài nguyên quý giá và du lịch ngủ được dự đoán là một xu hướng phổ biến. Với con số gần 67% người Việt Nam tham gia khảo sát đang tìm kiếm các kỳ nghỉ trong năm 2024 chỉ để ngủ ngon, rõ ràng ngành du lịch cần có những thay đổi hướng tới chất lượng nghỉ ngơi của du khách.
"Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại Việt Nam và trên thế giới đang cung cấp thêm nhiều tiện nghi và các dịch vụ tiện ích nhằm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ lành mạnh và thư thái. Các trải nghiệm du lịch cần góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ của du khách, đáp ứng nhu cầu ưu tiên cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của họ", ông Varun Grover cho biết.
Phía Booking.com cũng đề xuất một số điểm đến tại châu Á phù hợp cho những kỳ nghỉ thanh bình, thư giãn và cải thiện sức khỏe, giúp du khách cảm thấy thư thái và làm mới năng lượng của bản thân. Trong đó Việt Nam có nhiều địa điểm phù hợp với các tiêu chí này, như Đà Lạt, Đà Nẵng, Tam Đảo... bên cạnh những điểm đến ở nước ngoài như Tô Châu (Trung Quốc), Bali (Indonesia) hay Koh Samui (Thái Lan).
Báo cáo Dự đoán Du lịch năm 2024 của Booking.com được tiến hành độc lập, thông qua việc chọn mẫu ngẫu nhiên từ những du khách có kế hoạch du lịch hoặc công tác trong vòng từ 12 đến 24 tháng tới. Khoảng 1.000 người Việt Nam đã hoàn thành khảo sát trực tuyến vào tháng 7 năm ngoái. Tổng cộng có 27.730 người đã tham gia khảo sát, đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.