
Ảnh: Weibo “Tàng Hải Truyện”
Ngay từ những giây phút đầu tiên, Tàng Hải Truyện đã thiết lập một thế giới cổ đại hùng tráng và phức tạp. Biết rằng cốt truyện là giả tưởng, song bộ phim đã khéo léo hòa quyện vào đó những yếu tố có thật trong lịch sử Trung Hoa phong kiến, mở ra một cuộc phiêu lưu chính trị huyền bí làm rung chuyển màn ảnh của Tiêu Chiến.
Mạng người hay quyền lực? Sự lựa chọn không ai muốn đối mặt

Ảnh: Weibo “Tàng Hải Truyện”
Đại Ung, một quốc gia với 20 vạn quân vừa san phẳng Đông Hạ, liền xây dựng đài Phong Thiện dưới lòng đất như một biểu tượng quyền lực. Nhưng chính tại đây, họ phát hiện ra một ngôi mộ cổ chứa “Vật”, thứ có thể định đoạt vận mệnh của toàn triều đại. Từ đây, bi kịch chính trị, những toan tính ngấm ngầm và bóng đen lịch sử bắt đầu cuốn các nhân vật vào một mê cung không lối thoát.
Khoái Đạc, cha của Trĩ Nô và Bình Tân Hầu (Trang Lô Ẩn) từng là đồng liêu, cùng phục vụ dưới trướng Đại Ung. Nhưng trong khi Bình Tân Hầu từ Đông Hạ trở về như một vị anh hùng, thì Khoái Đạc lại chọn con đường làm việc âm thầm trong lòng đất cùng dân chúng. Giữa họ là hai lối tư duy trái ngược: một bên tôn sùng sức mạnh tuyệt đối, một bên đặt niềm tin vào nhân dân và công lý.

Ảnh: Weibo “Tàng Hải Truyện”
Khi phát hiện “Vật” có khả năng triệu hồi đội quân xác sống, lực lượng bất tử có thể thay đổi cục diện thiên hạ, Khoái Đạc đã từ chối trao nó cho Bình Tân Hầu, dù điều đó đồng nghĩa với việc cả gia đình ông bị đặt lên bàn cân sinh tử. Ông lựa chọn giữ lấy nhân tính thay vì tiếp tay cho một đế chế đang trượt dài vào bóng tối. Sự kiện này đặt ra câu hỏi lớn: Vua Đại Ung thực sự là người nắm quyền hay chỉ là con rối trong tay đám quyền thần?
Người đeo mặt nạ xuất hiện để cứu Trĩ Nô, con trai của Khoái Đạc là ai? Hắn chờ đợi suốt mười năm để đưa Trĩ Nô vào cạnh Bình Tân Hầu với mục đích gì? Là đồng minh, kẻ lợi dụng hay một người chơi cờ thầm lặng?
Từng tập phim như mở ra thêm những cánh cửa mới và người xem, thay vì bị dẫn dắt, người xem được trao quyền tự phán đoán, suy luận. Đó chính là điểm làm nên giá trị của Tàng Hải Truyện, bộ phim tôn trọng trí tuệ của khán giả.
Những chi tiết có thật được lấy cảm hứng từ lịch sử trong phim Tàng Hải Truyện

Ảnh: Weibo “Tàng Hải Truyện”
Quan tài trôi nổi lấy cảm hứng từ lăng mộ Càn Long
Cảnh quan tài nặng hàng tấn trôi nổi trong lăng mộ tưởng như phi lý nhưng lại dựa trên sự kiện có thật. Khi Tôn Điện Anh đào lăng Dụ Lăng, quân lính phát hiện quan tài vua Càn Long đã tự dịch chuyển chắn ngang lối vào. Giả thuyết phổ biến cho rằng nước ngầm dâng cao khiến quan tài gỗ Nam Mộc, dù nặng, vẫn nổi theo dòng nước suốt nhiều năm.
Cuộc tranh chấp hoàng lăng
Tình tiết tranh cãi về việc ai được an táng trong hoàng lăng giữa Thái hậu và Lý Quý Thái phi trong phim Tàng Hải Truyện được lấy cảm hứng từ Đại lễ nghị, cuộc xung đột nghi lễ nổi tiếng thời Gia Tĩnh.
Khi Gia Tĩnh Hoàng đế lên ngôi, ông muốn truy phong cha mẹ ruột, những người không thuộc dòng đích lên làm Hoàng khảo và Hoàng thái hậu. Điều này gây mâu thuẫn nghiêm trọng với Thái hoàng thái hậu đương triều và làm dậy sóng triều đình.
Trong phim, cuộc tranh chấp danh phận này được biến tấu thành xung đột giữa Hoàng thượng và Bộ Lễ – xoay quanh việc hợp táng Thái hậu, đích mẫu của Hoàng thượng, trong khi Lý Quý Thái phi, mẹ ruột nhà vua, lại không được ghi nhận tương xứng. Phía Lâm Tri Vương, con trai Thái hậu, muốn nhân cơ hội này trở về triều để giành lại ảnh hưởng, khiến ngai vàng lung lay.
Để kiểm soát tình hình, Hoàng thượng giao việc cho Trang Chi Phủ, con trai Bình Tân Hầu. Do lo sợ con gặp họa, Bình Tân Hầu đành ôm trách nhiệm. Nhưng đây là thế cờ không lời giải: nếu hợp táng Thái hậu thì Lâm Tri Vương có cớ hồi triều; nếu không, triều thần sẽ phản đối.
Lúc này, Tàng Hải đưa ra một “kế dương mưu”, viện lý do phong thủy để thay đổi hướng táng, đồng thời loan tin Quý phi đã đồng thuận. Giải pháp này giúp ổn định lòng người mà vẫn giữ Lâm Tri Vương ở đất phong, đúng như mong muốn của Hoàng thượng.
Bình Tân Hầu chấp nhận Tàng Hải vì ông cần một quân cờ, người dám làm điều các lão thần già lọc lõi không dám. Kế mà Tàng Hải bày không mới, nhưng anh chủ động “lộ đuôi” để tự đưa mình lên bàn cờ. Cái anh chứng minh không phải là khả năng phong thủy, mà là sự nhạy bén, biết thời thế và sẵn sàng được sử dụng.
Chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất, đưa lịch sử lên màn ảnh nhỏ

Ảnh: Weibo “Tàng Hải Truyện”
Không chỉ cải biên những sự kiện có thật trong lịch sử, phim Tàng Hải Truyện còn gây ngỡ ngàng ở từng khung hình. Êkíp dày công nghiên cứu lịch sử Trung Quốc để tái hiện những hình ảnh như từ sách sử bước ra. Cảnh Trĩ Nô “phẫu thuật thẩm mỹ” (chuyển giao diễn viên) được xử lý tự nhiên; phân đoạn thầy bói do Cao Minh cải trang với ánh mắt thâm quầng, bọng mắt nặng đến mức khiến cả Tàng Hải giật mình là minh chứng rõ rệt cho sự nghiêm túc trong từng chi tiết hình ảnh.
Bên cạnh đó là những khung hình nghệ thuật, đẹp nao lòng nhưng cũng sởn da gà. Ví dụ, phân cảnh khi nhân vật bị đâm thẳng kiếm vào mắt để kiểm tra mù thật hay giả. Một tình tiết bạo liệt nhưng không thừa thãi, được xử lý điện ảnh đến mức tạo cảm giác lạnh sống lưng, rùng mình vì quá thật.
Phim không lạm dụng kỹ xảo đồ họa hay âm thanh, chọn thu âm trực tiếp tạo cảm giác gần gũi, sống động và chân thực. Bối cảnh dưới lòng đất, triều đình, mộ cổ, hay phòng tra tấn đều được tái hiện với lớp lang, chiều sâu và ánh sáng khéo léo, góp phần nâng tầm chất lượng điện ảnh. Lâu lắm rồi mới có một bộ phim cổ trang khiến khán giả phải nghiền ngẫm từng câu thoại, tua lại từng khung hình để tìm manh mối như vậy.
TIN PHIM HOA NGỮ MỚI:- TIÊU CHIẾN “GÂY BÃO” NGÀY TRỞ LẠI TRONG TÀNG HẢI TRUYỆN
- NỮ CHÍNH VÀ ÁC NỮ PHIM KHOM LƯNG GIỐNG NHAU HOÀN TOÀN NẾU KHÔNG VÌ ĐIỂM NÀY
- PHIM MÙA HOA RƠI GẶP LẠI CHÀNG KHÉP LẠI ÂM THẦM VÀ LẶNG LẼ
Harper’s Bazaar Vietnam