Ảnh: Weibo
Bộ phim điện ảnh Trung Quốc Upstream (Ngược Dòng Cuộc Đời) vừa chính thức ra mắt trên nền tảng Netflix. Tác phẩm mau chóng thu hút sự chú ý và tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi về các tình tiết trong phim. Bộ phim nhanh chóng chiếm lấy vị trí số 1 trong danh sách Top 10 phim được xem nhiều nhất trên Netflix và giữ vững thứ hạng cao trong một thời gian dài.
Tóm tắt nội dung phim Upstream (Ngược Dòng Cuộc Đời)
Bộ phim Upstream (Ngược Dòng Cuộc Đời) do Từ Tranh đạo diễn và thủ vai chính, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Thanh Minh. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Cao Chí Lũy, một quản lý cấp trung trong một công ty công nghệ lớn, đột nhiên nhận thông báo bị sa thải. Cuộc trò chuyện cuối cùng của anh trước khi bị cắt giảm nhân sự là sự đối mặt với những khuôn mặt lạnh lùng và gay gắt từ công ty.
Ảnh: Weibo
Sau khi bị sa thải, Cao Chí Lũy vật lộn tìm việc vì sĩ diện. Nhưng sau một thời gian dài không thể tìm được công việc như ý, anh phải hạ thấp tiêu chuẩn của mình.
Đối mặt áp lực của việc chăm sóc gia đình, chu cấp cho cha mẹ già, và gánh nặng khoản vay mua nhà, anh tìm đến công việc làm shipper, một công việc mau chóng ra tiền. Mặc dù có vẻ như công việc shipper thuộc dạng công việc tay chân, nhưng vẫn có những yêu cầu về kinh nghiệm đặc thù. Cuối cùng, gia đình Cao Chí Lũy quyết định bán đi căn nhà lớn và chuyển vào một căn hộ nhỏ cũ, mong mỏi có thêm thời gian để thích nghi với thực tại mới.
Ảnh: Weibo
Review phim Upstream (Ngược Dòng Cuộc Đời), những góc nhìn rất đời và thực tế
Nhiều người cảm thấy tiếc nuối với cái kết của bộ phim Upstream (Ngược Dòng Cuộc Đời). Họ xem việc Cao Chí Lũy thỏa hiệp với công việc mới như thể là sự đầu hàng. Thậm chí, một bộ phận khán giả không thể chấp nhận chuyện anh hăng hái làm shipper để trở thành “Vua đơn hàng”. Một số khán giả cho biết họ từng hy vọng nhân vật chính có thể “lội ngược dòng” và đánh bại công ty từng sa thải mình, giống như những anh hùng Marvel một tay chống trời.
Có lẽ, rất nhiều người nhìn thấy mình trong Cao Chí Lũy. Không ai muốn có một số phận ảm đạm như trong phim. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy bộ phim này kết thúc hợp lý. Trong một xã hội khắc nghiệt mà sức lực cá nhân không thể thay đổi được, việc học cách chấp nhận thực tế lại càng trở nên quan trọng hơn.
1. Về sự phân biệt đối xử trong xã hội
Ảnh: Weibo
Có một thực tế là con người sinh sống và làm việc tại những thành thị đề cao các công việc trí óc hơn là việc tay chân. Khi nhìn thấy tầng lớp lao động phổ thông, thái độ của xã hội thường chia thành hai cực: Một là cảm thông cho sự vất vả, tôn trọng những nỗ lực của họ, thậm chí chủ động quan tâm, hỏi thăm và giúp đỡl; còn lại là khinh miệt, xem thường, thậm chí có lời lẽ phê phán về trình độ.
Chỉ cần người làm shipper khoác lên đồng phục đưa hàng, họ sẽ lập tức mất đi danh tính ban đầu, dù trước đây họ có thể là đại gia hay quan chức. Công việc giao hàng không chỉ là một nghề mà còn là một nhãn mác. Mọi người nhìn vào nhãn mác, nhìn vào vẻ bề ngoài để ứng xử. Bảo vệ ở trung tâm thương mại, nhân viên phục vụ,… tất cả đều vậy. Sự thật là xã hội có định kiến về những nghề lao động phổ thông mặc đồng phục.
2. Về mối quan hệ xã hội
Ảnh: Weibo
Chỉ cần có một nhóm người, sẽ luôn có mối quan hệ xã hội. Trong môi trường quan trường hay tài chính, chi phí cho các mối quan hệ xã hội cao hơn rất nhiều. Còn đối với những người lao động bình thường, mối quan hệ xã hội đôi khi chỉ là một gói thuốc lá hay một chai nước giải khát. Do đó, giá trị của mối quan hệ không phụ thuộc vào số tiền mà phụ thuộc vào nhóm người đó.
Trong môi trường công sở, mối quan hệ xã hội thể hiện qua lãnh đạo, đồng nghiệp, khách hàng, chính quyền. Còn trong giới giao hàng, mối quan hệ xã hội cũng hiện hữu qua lãnh đạo (người quản lý điểm giao), đồng nghiệp (quản trị viên hệ thống, vua đơn), khách hàng (người đặt hàng), và “chính phủ thu nhỏ” trong giới giao hàng (bảo vệ trung tâm thương mại, chủ nhà hàng). Sẽ luôn có một quy tắc ứng xử chung cho một mô hình ở mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, sự tử tế của con người là thứ trừu tượng nhất. Tại sao người khác lại sẵn sàng chia sẻ tài nguyên với bạn? Tại sao họ muốn giúp bạn? Tại sao họ phải chấp nhận rủi ro vì bạn? Thực chất đó đều là sự trao đổi lợi ích. Cho nên, dù bạn ở vòng tròn xã hội nào, bạn vẫn phải có giá trị tương xứng.
3. Sự đào thải quá khốc liệt
Ảnh: Weibo
Trong phim Ngược dòng cuộc đời (Upstream), Cao Chí Lũy dựa vào khả năng lập trình của mình để tạo ra bản đồ riêng cho công ty. Nếu bản đồ này chỉ dành riêng cho anh, nó thực sự có thể giúp anh tránh được tình trạng đào thải. Tuy nhiên, nó lại là làm cho người khác. Do đó, một khi bí kíp này được công khai và mọi người có thể học theo, Cao Chí Lũy không còn giá trị gì nữa, thành quả lao động sẽ bị chiếm đoạt.
Sự cạnh tranh về chất xám diễn ra liên tục, và việc bị tụt lại phía sau cũng là điều không thể tránh khỏi. Vừa phải chịu áp lực về việc tăng hiệu suất, KPI hàng ngày càng nhiều, người lao động càng mệt mỏi, nhưng thu nhập lại không có sự tăng trưởng rõ rệt. Ấy vậy mà, khi người lao động lớn tuổi đi ứng tuyển, rõ là họ đã có một kho tàng kinh nghiệm không ai sánh bằng, nhưng chỉ vì “tuổi tác”, họ nhận lại sự chỉ trích từ những người thậm chí trẻ hơn, thiếu kinh nghiệm hơn mình. Sự khốc liệt này nó kéo sang cả ngoài đời thực, đấy là lý do tại sao các nhân sự “già” hiện nay, rất sợ và không dám xin việc, sợ ánh mắt người đời, sợ bị nói yếu kém.
4. Về thước đo hạnh phúc
Ảnh: Weibo
Dù hoàn cảnh của bản thân có vẻ tốt hơn người khác, nhưng các nhân vật trong phim Ngược dòng cuộc đời (Upstream) vẫn không từ bỏ cơ hội để cải thiện cuộc sống. Trong cuộc cạnh tranh giành vị trí “Vua đơn hàng”, tất cả các shipper đều cống hiến hết sức. Nó giống như quy luật “kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu” trong thế giới động vật, không phải vì bạn yếu đuối, bạn đáng thương, bạn cần được giúp đỡ mà mọi người sẽ nhường cho bạn con mồi. Ai cũng có áp lực riêng, chỉ là bạn có tranh thủ được cơ hội hay không thôi. Lão Kiết bị tai nạn giao thông nhưng nhất định không chữa trị, tiết kiệm tiền cho con gái bị bệnh máu trắng. Còn Dương Đại Sơn trẻ tuổi, muốn tự lập, lo cho người yêu.
Tuy viên, không có áp lực nào giống cái áp lực nào. Nếu như người lao động yếu thế có nỗi lo về không có tiền ăn, không có tiền chữa bệnh, không có tiền nhà thì những người tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng, những chuyên gia trong công sở lại thường xuyên chịu khổ về mặt tinh thần. Nỗi khổ của họ bắt nguồn từ sự sợ hãi mất mát. Cảm giác lo lắng này đôi khi còn lớn hơn cả nỗi đau mà cuộc sống mang lại. Giống như tội phạm cuối cùng bị bắt, nhưng lại cảm thấy nhẹ nhõm. Tuy nhiên, nếu bắt tội phạm đang bỏ trốn chủ động chấp nhận sự thật và tự thú, họ lại không thể làm được điều đó.
Ảnh: Weibo
Nhưng ở phần cuối của bộ phim, nhân vật chính đã làm được điều đó. Dù trở thành “Vua đơn hàng”, thu nhập hàng tháng đạt 15.000 nhân dân tệ và có thể giữ được ngôi nhà, gia đình anh vẫn quyết định bán nhà và quay trở lại sống trong một căn hộ cũ. Áp lực quá lớn và so với những vướng mắc trong lòng mình, Cao Chí Lũy lại lựa chọn lắng nghe cơ thể và con tim mình.
Khi bạn đủ tiền, sự chú ý của bạn có thể không còn vào việc kiếm tiền nữa mà là giữ tiền, lúc đó bạn sẽ rất sợ mất đi số tiền mình có. Kiếm ít tiền không khiến bạn hạnh phúc, nhưng mất tiền sẽ khiến bạn đau khổ vô cùng. Trong khi đó, khi bạn không có tiền, tất cả sự chú ý của bạn đều tập trung vào việc kiếm tiền, mọi việc bạn làm đều vì mục tiêu kiếm thêm chút tiền. Cảm giác vui sướng chỉ đến từ việc kiếm được mỗi đồng lẻ. Điều này lý giải tại sao có những người giàu có lại luôn cảm thấy trầm cảm, trong khi người nghèo lại dễ dàng tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ nhặt. Và Cao Chí Lũy muốn trân trọng những điều nhỏ bé đó, muốn cho tinh thần luôn được bình an, không phải lo lắng tiền sẽ bay đi.
5. “Ngược Dòng Cuộc Đời” không phải là “Cuộc Đời Ngược Dòng”
Ảnh: Weibo
Thực ra, toàn bộ bộ phim Ngược dòng cuộc đời (Upstream) không có quá nhiều những khoảnh khắc xúc động. Nhưng tôi thật sự có thể cảm nhận được nỗi gian nan của những người lao động yếu thế, đặc biệt là cảnh người giao hàng gặp tai nạn và thoát chết trong gang tấc.
Không có nhiều khoảnh khắc nước mắt có thể là vì chúng ta đã quá quen thuộc với nó rồi. Hàng ngày, khi nhìn thấy những cảnh tượng như vậy bên vệ đường, lòng cảm thông dường như đã trở nên chai sạn. Ví dụ như lần gần đây tôi vào trung tâm thương mại, thấy một anh giao hàng đang ngủ thiếp đi ở trước cửa nhà hàng; hay những anh giao hàng phải đi dưới cơn mưa lớn, ướt sũng từ đầu đến chân. Chúng ta không thể làm gì để thay đổi được. Trong một xã hội đầy sự cạnh tranh khốc liệt như thế, ai cũng có nỗi lo riêng và cuộc sống của ai cũng vất vả.
Tuy nhiên, những đoạn cắt cảnh về những câu chuyện thực tế cuối phim lại khiến tôi thật sự xúc động và đưa ra một thông điệp lớn. Những người lao động yếu thế trong xã hội, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, vẫn nỗ lực vươn lên, yêu đời, họ chính là sự thật sống động hơn cả những gì phim ảnh thể hiện. Có lẽ, chỉ cần chúng ta chạy, chỉ cần chúng ta tiếp tục, chứng minh rằng mình vẫn sống, vẫn còn sức mạnh, đó chính là cuộc chiến vĩ đại nhất trong đời.
Ảnh: Weibo
PHIM TRUNG QUỐC ĐANG HOT:- PHIM MỘT TÔI NHO NHỎ CỦA DỊCH DƯƠNG THIÊN TỈ CHẠM ĐẾN TRÁI TIM NGƯỜI XEM
- DƯƠNG TỬ VÀ LÝ HIỆN LẬP KỶ LỤC TRONG QUỐC SẮC PHƯƠNG HOA
- PHIM THIÊN ĐÓA ĐÀO HOA NHẤT THẾ KHAI KHUYÊN “CỌC ĐI TÌM TRÂU”
Harper’s Bazaar Vietnam