Các NTK, stylist nội thất đóng vai sự thành – bại của không gian. Công việc của họ không chỉ gói gọn việc lựa chọn bài trí vật dụng mà còn bao gồm sứ mệnh tạo ra kết nối cảm xúc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vượt lên công việc trang trí phòng ốc, họ đã mở ra những góc nhìn mới, biến đổi các ngôi nhà, khách sạn và không gian công cộng thành những tấm gương phản chiếu bản sắc, văn hóa và sự sáng tạo. Hành trình của những nhà kiến tạo này là câu chuyện về niềm đam mê, trực giác nhạy bén và sự tâm huyết, chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết để bồi đắp nên giá trị của câu chuyện không gian. Họ phá vỡ những giới hạn của nghệ thuật trang trí truyền thống, khai phá những con đường thể nghiệm với vô vàn khả năng ứng dụng thẩm mỹ.
Là người thổi linh hồn vào không gian, quan điểm thẩm mỹ của các NTK nội thất và stylist có ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi dự án. Những lựa chọn của họ về màu sắc, chất liệu, bố cục không gian cũng tựa như những ngôn từ đẹp đẽ của các thi hào, viết nên câu chuyện không gian lay động cảm xúc và khuấy động các giác quan. NTK nội thất giúp định hình cảm xúc và trải nghiệm của người dùng, chính sự nhạy bén với cái đẹp và khả năng chuyển hóa ý tưởng thành hiện thực, biến công năng thực dụng thành bữa tiệc thẩm mỹ khiến họ trở thành những người dẫn đầu xu thế, những “taste maker” thực thụ trong ngành. Câu chuyện thẩm
mỹ của họ đâu chỉ là cuộc yến tiệc chiêu đãi riêng đôi mắt, mà còn là bản nhạc với những nốt rung động đến tận trái tim, là tấm gương phản chiếu cho nhân sinh quan của gia chủ, liên kết với văn hóa, bản sắc và cả mong muốn ấp ủ của từng khách hàng.
Qua việc ứng dụng triết lý độc đáo cùng dấu ấn cá nhân vào từng dự án, các NTK, nhà trang trí đã biến phong cách nội thất thành một loại hình nghệ thuật được tôn vinh trên toàn thế giới. Họ sở hữu cách tiếp cận đa dạng, có người chọn sự tối giản, tập trung vào những đường nét tinh gọn và yếu tố tự nhiên, tạo nên không gian êm ái và tràn đầy năng lượng tích cực. Trong khi đó, có những người lại theo đuổi phong cách tối đa, sử dụng gam màu táo bạo, những chất liệu ấn tượng và sự pha trộn trang trí độc đáo, biến mỗi không gian trở nên đậm đà cá tính nguyên bản.
Đặc biệt hơn cả, họ không giới hạn mình trong cuộc đua của những xu hướng nhất thời, mà thay vào đó, họ bứt phá để định hình cho sự phát triển của thiết kế nội thất đương đại, truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp nối và khơi gợi sự chiêm nghiệm sâu sắc cho câu hỏi “điều gì làm nên sự đặc biệt của mỗi không gian?”.
Bài viết này tôn vinh một số nhà trang trí và stylist xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới, mỗi người đều mang đến một góc nhìn riêng biệt cho lĩnh vực thiết kế nội thất. Thông qua những dự án đáng nhớ của họ, các tiêu chuẩn mới liên tục được thiết lập và những đóng góp bền bỉ ấy làm thay đổi cả ngành công nghiệp nội thất lẫn cuộc sống hằng ngày. Từ những không gian thanh tĩnh mang cảm hứng thiền của các stylist hàng đầu châu Á đến những căn phòng nghệ thuật sang trọng của giới thiết kế châu Âu, chúng ta cùng khám phá bức tranh đa dạng
về những cách tiếp cận đã góp phần tạo nên di sản của họ. Theo dòng lịch sử 100 năm tồn tại, thế giới trang trí nội thất đã được định hình bởi những nhà tiên phong, những “nghệ sĩ” với các tác phẩm vượt thời gian.
Công trình khách sạn Lily of the Valley với tầm nhìn ra bờ biển Saint-Tropez tuyệt đẹp. Nội thất mang âm hưởng mid-century modernism phóng khoáng nhưng cũng thật sang trọng, để lại ấn tượng khó quên nhờ bảng màu thu hút và chất liệu cao cấp phối hợp tài tình. Ảnh: Lily of the Valley Hotel
Trang trí nội thất – Thời kỳ khởi đầu và những nhà tiên phong
Vào đầu những năm 1900, thuật ngữ “Nhà trang trí nội thất” (Interior Decorator) lần đầu tiên được sử dụng tại Mỹ khi Elsie de Wolfe trở thành nhà trang trí nội thất đầu tiên đạt được thỏa thuận ký kết một hợp đồng thiết kế, mang lại sự phổ biến chính danh cho công việc này. Tiếp theo đó, Dorothy Draper là nhà trang trí nội thất thương mại đầu tiên được ghi nhận, bà thành lập công ty thiết kế riêng của mình vào năm 1923. Draper nổi tiếng với phong cách táo bạo, phá vỡ khuôn mẫu bảo thủ của nội thất thời kỳ Victoria. Bà cũng chính là người mở đường cho phong cách “Baroque hiện đại”.
Ở châu Âu cũng dần xuất hiện các tên tuổi như Syrie Maugham, người được mệnh danh là “Nữ hoàng trắng của không gian”, tiên phong trong việc sử dụng màu đơn sắc để nhấn mạnh sự bay bổng sang trọng. Sự kết hợp tươi sáng giữa ánh sáng tự nhiên và các gam màu trung tính của Maugham vẫn là cảm hứng cho phong cách tối giản hiện đại, tiêu biểu nhất có thể tìm thấy ở thiết kế nội thất Scandinavia.
Jean-Michel Frank cũng là một trong những tên tuổi nổi bật theo đuổi phong cách tối giản sang trọng, với sự ưu ái cho chất liệu tự nhiên. NTK người Pháp này cũng bắt tay hợp tác cùng các nghệ sĩ danh tiếng như Salvador Dalí và Alberto Giacometti, tạo nên những không gian chức năng đậm hơi thở nghệ thuật. Chúng ta cũng không thể quên nhắc đến Andrée Putman với phong cách trang trí tối giản tinh tế. Bà chính là người thay đổi cách tiếp cận diện mạo cho không gian khách sạn, sử dụng màu trung tính và đường nét gọn ghẽ để định nghĩa sự thanh lịch. Từ chối lối tư duy mang nặng khuôn sáo trịnh trọng, không gian thương mại (đặc biệt là khách sạn) qua bàn tay của Putman mang hơi thở sang trọng, trở thành cảm hứng cho phong cách hiện đại thanh lịch hiện nay. Khách sạn Morgans ở New York do bà đảm nhận trang trí, được xem là khách sạn boutique đầu tiên trên thế giới.
Càng về sau, khi địa hạt của trang trí nội thất vươn xa mở rộng, các NTK cũng táo bạo hơn trong việc thể hiện cá tính (và cả khiếu hài hước) của mình trong công trình, biến không gian sống trở thành một tác phẩm nghệ thuật đa tương tác. Tiêu biểu nhất phải kể đến Philippe Starck, một trong những bậc thầy sáng tạo của thế giới nội thất, người sở hữu tầm nhìn táo
bạo và sự cống hiến cho thiết kế bền vững, đổi mới. Triết lý thiết kế của ông đặt trọng tâm ở sự sáng tạo, pha trộn một cách đặc sắc giữa sáng tạo nghệ thuật và tính ứng dụng cao. Ông sử dụng các vật liệu hiện đại và các hình dạng độc đáo để tạo ra những thiết kế vượt thời gian. Starck cũng được biết đến như người giữ ngọn cờ tiên phong trong việc đưa thiết kế bền vững vào các dự án của mình, từ khách sạn, nhà hàng cho đến nội thất tư gia. Philippe Starck đã truyền cảm hứng cho thế hệ NTK mới với triết lý “democratic design” (thiết kế dân chủ), khuyến khích sự thể hiện tự do và luôn đặt con người, giá trị môi trường lên hàng đầu.
Tổ ấm của stylist Kelly Hoppen tại London ấn tượng với những đường nét tạo dựng không gian mạnh mẽ. Cả bề ngang và chiều cao đều được định hình bằng những chi tiết nội thất tinh tế như: kệ sách, xà gỗ lớn, bàn bo cạnh và cửa sổ lớn khiến không gian rộng mở và sang trọng. Ảnh: Mel Yates
Câu chuyện nội thất, không chỉ dừng lại ở phân vùng thẩm mỹ, mà còn là nhịp đập văn hóa dẫn truyền qua từng không gian. Kelly Hoppen là một trong những NTK/trang trí nội thất dẫn đầu trong phong cách “East meets West” (Đông Tây hội ngộ). Đó là sự kết hợp hài hòa giữa sự sang trọng tinh tế và nét ấm cúng, dễ tiếp cận. Đề cao sự cân bằng, an tĩnh, cách khai triển không gian của Hoppen luôn mang đến cho người dùng một cảm giác êm ái lạ thường, đồng thời phản ánh sự tôn trọng cho các nguyên tắc phong thủy phương Đông trên phông nền chất liệu tự nhiên của phương Tây. Để mang lại sự hài hòa thư giãn, Hoppen thường kết hợp các yếu tố Zen từ Nhật Bản vào trong tổng thể nội thất, cụ thể là đường nét tinh sạch, các yếu tố mang màu sắc văn hóa châu Á điểm tô cá tính trên phông nền tĩnh lặng của màu trung tính và các vật liệu trầm như đá, gỗ, vải lanh. Phong cách của bà ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy của các NTK trẻ, không chỉ tập trung vào mỹ cảm mà còn khơi gợi cảm xúc ấm cúng, gần gũi, không gian chào đón con người.
Những tài năng stylist đang nở rộ
Công việc sáng tạo luôn đề cao sự đổi mới, nhưng cũng không phủ nhận mà ngược lại còn tôn vinh những giá trị đã bắt rễ từ những di sản truyền thống. Một vài tài năng mà chúng tôi muốn giới thiệu dưới đây là đại diện cho sự kế thừa và phát huy trong lĩnh vực trang trí, tạo hình nội thất.
Đầu tiên là Emmanuelle Simon, NTK nội thất và KTS tài năng người Pháp. Cô nhiều lần được vinh danh là tài năng triển vọng ở các giải thưởng kiến trúc và nội thất. Simon tập trung xây dựng một không gian sống nhiều trải nghiệm và sâu sắc về cảm nhận, song song đó là vẻ đẹp yên bình nâng tầm giá trị của thủ công mỹ nghệ. Với sự hiểu biết sâu sắc về kết cấu, hình khối và màu sắc, phong cách của cô là sự kết hợp của tính tối giản, sang trọng cùng đường nét điêu khắc. Không gian của cô được truyền hơi ấm từ những chất liệu thô như đất nung, đá vôi, gỗ, vải thô và được khắc tạc cá tính nguyên bản nhờ những nét vuốt chạm trên
sản phẩm thủ công. Triết lý thiết kế của cô tập trung vào khía cạnh cảm xúc và xúc giác nơi đá, gỗ và vải lanh trở thành tác phẩm nghệ thuật tự thân. Các tác phẩm tạo hình nội thất của Emmanuelle Simon vừa mang tính đương đại vừa vượt thời gian, tác động mạnh mẽ đến các giác quan và khơi gợi câu hỏi về bản nguyên và sự trổ nhánh sáng tạo.
Công trình căn hộ bờ biển Malibu đậm đà cá tính với các chi tiết nội thất đậm chất điêu khắc, không gian phòng khách tựa như một bảo tàng mỹ thuật kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố cổ điển và hiện đại. Ảnh: kellywearstler.com
Công trình spa mang tên Evidens de Beauté tại Paris gây ấn tượng với nội thất thanh nhã, tô điểm với những khung vòm uốn lượn và phần hoàn thiện gỗ, đồ gốm đậm chất Zen. Một không gian mang sự giao thoa văn hóa đẹp mắt giúp nâng tầm giá trị thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Benoit Linero và Damien De Medeiros
Tiếp bước phong cách nhã nhặn thanh lịch, sau đó các stylist cũng mở đường cho trào lưu “tối đa hóa” (maximalism) nở rộ và phát triển, tiêu biểu nhất phải kể đến Kelly Wearstler. Wearstler nổi danh với phong cách “chất”, thể hiện táo bạo qua các màu sắc phong phú, kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố cổ điển và hiện đại. Cô gây tiếng vang với những dự án khách sạn boutique phóng khoáng, những không gian cho ngôi sao Hollywood xa hoa, phá vỡ những khuôn mẫu cổ điển,vô cùng choáng ngợp. Wearstler nổi tiếng với khả năng pha trộn những yếu tố tưởng chừng như không thể kết hợp, đặc biệt nhạy bén trong việc sử dụng vật liệu và ánh sáng để tạo ra không gian có chiều sâu cùng sức hút mạnh mẽ.
Một stylist nổi bật khác, Axel Vervoordt, bậc thầy về triết lý wabi-sabi với sự tôn vinh nét giản dị và vẻ đẹp của sự bất toàn, cũng xứng danh là đại diện “taste-maker” thời kỳ hiện đại. Axel Vervoordt chính là người tiên phong lan rộng trào lưu nội thất wabi-sabi trên phông nền thanh nhã tinh tế của không gian Bắc Âu hiện đại.
Trong không gian triển lãm Discover the Chair của mình, Axel Vervoordt đã thể hiện khả năng thẩm mỹ có 1-0-2 khi kết hợp nội thất thuộc nhiều thời kỳ khác nhau vào cùng một khung cảnh bài trí tao nhã, phảng phất chất wabi-sabi nhưng cũng vang vọng hình bóng vintage rực rỡ của thời kỳ nội thất đỉnh cao. Ảnh: axelvervoordt.com
Từ câu chuyện vẻ đẹp của sự bất toàn, ông khai triển những không gian mang vẻ đẹp vượt thời gian, đậm triết lý sống cân bằng, hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, kết hợp chất thiền định trong sự tối giản, tuy lược bỏ chi tiết nhưng giàu có trong cảm nhận. Axel Vervoordt tin rằng một không gian sống thực sự phải mang lại cảm giác thanh thản và hài hòa, phản ánh cá tính và chiều sâu của gia chủ. Không gian thanh tịnh tạo cơ hội cho con người cảm nhận sự yên tĩnh, thoải mái và tự do suy tưởng.
Giuliano Andrea Dell’Uva – người đoạt giải NTK Nội thất của năm tại EDIDA 2023, cũng là một trong những tài năng sáng giá xứng đáng danh hiệu “taste-maker”. NTK người Ý gây ấn tượng với sự kết hợp màu sắc táo bạo, nhạy bén trong cách phối hợp họa tiết và các cảm hứng bùng nổ sức sống của văn hóa Địa Trung Hải.
Công trình Palazzo Luca Hotel là ví dụ tiêu biểu cho cá tính độc bản của Giuliano Andrea Dell’Uva với cách phối màu đỉnh cao và sự tri ân nguồn gốc di sản Địa Trung Hải của mình. Ông ưa sử dụng các màu sắc sặc sỡ để tôn vinh đường nét kiến trúc tòa nhà cổ, song song đó là dùng chính các sản phẩm địa phương như gạch lát Neapolitan cổ tạo cảm giác như nơi này là tổ ấm của một nhà khảo cổ học. Ảnh: Palazzo Luca Hotel
Sự tươi mới trong phong cách của Giuliano Andrea Dell’Uva lại càng đặc biệt khi anh ưa chuộng lối kết hợp đồ cổ vào không gian nội thất để tạo điểm nhấn sắc bén, cá tính. Các gam màu rực rỡ như ngọc lam, vàng chanh, đỏ đất mà Giuliano Andrea Dell’Uva sử dụng khiến cho không gian trở nên bừng sáng, sự tương phản không gay gắt mà ngược lại đem đến cảm giác gây tò mò thú vị như của một bức tranh trừu tượng. Một nét tinh tế khác trong phong cách của Giuliano Andrea Dell’Uva là anh rất chú trọng trong việc cân bằng nội – ngoại thất. Màu sắc, cường độ ánh sáng ngoài trời sẽ ảnh hưởng đến cách phối màu của anh trong các căn phòng, đồng thời sự “đối đáp” đó cũng tô đậm các khối hình kiến trúc, nêu bật những chi tiết tương phản tinh tế gửi gắm đầy dụng ý.
India Mahdavi, với phông nền đa văn hóa, đã mang đến hơi thở mới cho thiết kế đương đại. Bà nổi bật với phong cách tươi vui, sử dụng màu sắc đậm kết hợp cùng thiết kế sáng tạo để thay đổi cách tiếp cận không gian. Qua đôi bàn tay bài trí tài tình của Mahdavi, tinh hoa từ cả phương Đông và phương Tây được thể hiện trong một bầu năng lượng ngập tràn sự lạc quan, ghi đậm dấu ấn cá nhân và dạt dào cảm xúc. Những màu sắc đậm đà, rực rỡ tô điểm cho các khối hình mềm mại tạo nên không gian sống động nhưng vẫn vô cùng thoải mái và ấm áp. Với các gam màu như hồng đậm, vàng nghệ, xanh ngọc, bà được mệnh danh là “nữ
hoàng của màu sắc”.
Công trình The Gallery At Sketch thể hiện rõ nét cho tinh thần khai phá, không ngần ngại thử thách của India Mahdavi. Nhà hàng màu hồng monochrome này tạo tiếng vang lớn với cách thể hiện vừa phù phiếm, nghệ thuật mà cũng thật tao nhã. Không gian đó là sự gặp gỡ tuyệt vời của nhiều quan điểm thẩm mỹ, kiêu kỳ với những chiếc ghế bành Charlotte gợi nhớ về hào quang Hollywood và triết lý Avant-Garde mà Mahdavi luôn say mê theo đuổi. Ảnh: Thommas Humery
Công trình cửa hàng Mulberry tại London thể hiện cho khả năng làm mới những yếu tố quen thuộc của Toogood. Tại đây, phong cách Brutalism kiểu Anh được truyền tải bằng những gam màu tươi mới, kệ trưng bày bóng bẩy trên nền tường bê tông thô, gạch men xanh bóng vân nổi lượn sóng, kính màu hồng phai mờ ảo cùng những món nội thất uốn vành đậm tinh thần đương đại; tất cả tạo nên một không gian sôi nổi, sáng tạo và hài hòa đến lạ kỳ. Ảnh: fayetoogood.com
Nổi tiếng với cách tiếp cận sáng tạo và không ngừng thử nghiệm vật liệu, hình dáng, khái niệm mới, Faye Toogood là đại diện cho phong cách nội thất táo bạo. NTK, stylist người Anh xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật, thiết kế và điêu khắc nơi đồ vật không chỉ hữu dụng mà còn kể nên những câu chuyện thú vị. Toogood hiện thực hóa tư duy thẩm mỹ của mình qua các thiết kế thô mộc, tối giản nhưng vẫn mang đậm chất thơ. Đó là các hình khối điêu khắc kết hợp cùng vật liệu nguyên sơ như đất sét, đá, gỗ, kim loại, khuyến khích người dùng tìm thấy giá trị tiềm năng của những thứ chưa hoàn hảo.
Trong không gian nội thất do Faye Toogood trang trí, cảm hứng văn hóa dân gian đóng vai trò dẫn dắt cảm xúc chủ đạo, tạo nên cảm giác vừa quen thuộc vừa mới lạ. Có thể nói Toogood tạo ra một làn sóng mới trong ngành thiết kế với khả năng kết hợp thượng thừa, phá bỏ các giới hạn truyền thống và đề cao suy nghĩ về không gian sống, nơi những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cảm xúc. Cô thành công khẳng định vị thế của mình như một nghệ sĩ và NTK tiên phong, người không ngại thể nghiệm và để lại ấn tượng sâu đậm trong ngành thiết kế đương đại.
Bài: Phương Nguyễn
Xem thêm
Tạo điểm nhấn cho không gian bằng đèn sàn độc đáo
Thiết kế đồ nội thất kết hợp giữa ý niệm và kỹ nghệ
Sự hòa quyện giữa sáng tạo và sang trọng trong xu hướng nhà bếp 2025