Việt Nam sở hữu những nhà thờ Công giáo mang dấu ấn riêng biệt, nơi văn hóa dân tộc hòa quyện tinh tế cùng kiến trúc phương Tây. Từ những ngôi thánh đường đầu tiên mang đậm dấu ấn thực dân, đến các công trình hiện đại giao thoa giữa nghệ thuật Đông – Tây, mỗi nhà thờ là một biểu tượng của sự giao thoa tinh tế giữa tinh thần và nghệ thuật. Cùng ELLE Decoration khám phá những công trình tôn giáo tuyệt mỹ, nơi mỗi viên đá, mỗi bức tranh đều kể câu chuyện về sự thích nghi linh hoạt và khả năng sáng tạo không ngừng của người Việt.
1. Nhà thờ Phủ Cam – Huế
Nhà thờ Phủ Cam có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ, là một giáo đường to lớn, nổi tiếng và lâu đời tại Tổng giáo phận Huế. Khởi nguồn từ năm 1682, Phủ Cam khi đó chỉ là một nhà nguyện đơn sơ được xây bằng tranh tre. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, bao gồm những lệnh cấm đạo nghiêm ngặt từ triều đình phong kiến và sự tàn phá do chiến tranh, nhà thờ đã nhiều lần bị phá hủy và phục dựng.
Phía trước nhà thờ Chính toà Phủ Cam có hai tượng đúc: nhìn vào chính diện công trình, bên trái là thánh Phêrô (người giữ chìa khóa thiên đàng), bên phải thánh Phaolô (người cầm gươm và thánh kinh) cũng là những bổn mạng của giáo xứ Phủ Cam. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên.
Dưới bàn tay tài hoa của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nhà thờ Phủ Cam hiện lên như một khúc tráng ca kiến trúc giữa lòng cố đô Huế. Công trình kết hợp tinh tế giữa nét hiện đại và nghệ thuật Gothic cổ điển, trên nền diện tích gần 11.000m², trở thành biểu tượng uy nghiêm của đức tin và văn hóa. Đôi tháp chuông cao 50m vươn thẳng trời xanh, với đỉnh giữa tháp chóp nhọn như lời cầu nguyện khát khao hướng lên thiên đàng. Nhìn từ trên cao, nhà thờ trải dài như cây thánh giá thiêng liêng, đầu hướng Nam, chân về Bắc, ôm trọn ý niệm thiêng liêng của người Kitô hữu. Từ góc nhìn trực diện, công trình gợi hình ảnh cuốn kinh thánh mở rộng, mời gọi chiêm nghiệm. Vật liệu truyền thống đá granite ở mặt đứng được khai thác từ Thanh Hóa, giúp tôn lên vẻ trang nghiêm và cổ điển của kiến trúc tôn giáo.
Hình ảnh nhà thờ Phủ Cam trên một bưu thiếp thời thuộc địa, với diện mạo khác biệt với hiện tại. Trải qua 40 năm tái xây dựng, nhà thờ Phủ Cam trở lại với dáng dấp hiện đại và bề thế đúng vào dịp kỉ niệm 150 năm ngày thành lập Giáo phận Huế, năm 2000.
2. Nhà thờ Ka Đơn
Nhà thờ Ka Đơn mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Churu. Với triết lý giản dị và gần gũi, công trình hạn chế tối đa trang trí, màu sắc và hình khối phô trương, nhằm tôn trọng vẻ đẹp nguyên sơ của vật liệu địa phương cùng khung cảnh rừng thông tĩnh lặng. Không theo phong cách Gothic hay có tháp chuông cao vút, nhà thờ được thiết kế như một gian nhà rông cách tân của Tây Nguyên, với mái ngói đỏ rộng lớn, hạ thấp, tạo nên một cảm giác cúi mình khiêm nhường ngay từ những bước chân đầu tiên vào không gian thánh đường. Toàn bộ cấu trúc sử dụng gỗ thông địa phương làm vật liệu chính, từ hệ cửa thoáng đến vách ngăn trong suốt từ kính và lam gỗ, tạo nên sự giao thoa tinh tế giữa ánh sáng, gió và thiên nhiên. Thiết kế không có bậc thềm cao đảm bảo sự tiếp cận thuận tiện cho mọi đối tượng, bao gồm cả người khuyết tật, thể hiện triết lý tôn giáo đầy nhân văn và hòa hợp với cộng đồng.
Nhà thờ Ka Đơn ở thôn Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, được hoàn thành vào tháng 7/2014. Ảnh: VN Art Arc.
Cùng với tiết tấu và nhịp điệu của hệ cột và phần vách nan gỗ, không gian trong Nhà thờ thấm đẫm thiên nhiên. Ảnh: VN Art Arc.
Nhà thờ đã giành giải Nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ 6 (2016) tại Italy và từng được vinh danh giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu năm 2011. Công trình được thiết kế bởi vợ chồng kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng, dựa trên định hướng nghiêm ngặt của Linh mục Nguyễn Đức Ngọc, nhằm tôn trọng tối đa nét văn hóa dân tộc bản địa mà không pha lẫn ảnh hưởng Tây phương.
3. Nhà thờ Lớn Nam Định
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được người dân Nam Định quen gọi là Nhà thờ Lớn, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Công trình được dựng bằng đá vào khoảng năm 1890 bởi các vị linh mục Pháp và Ý theo lối Gothic, khánh thành vào năm 1895.
Nhà thờ thuộc hạt Nam Định, được khánh thành vào năm 1895. Ảnh: Tổng giáo phận Hà Nội.
Dù có thiết kế đơn giản hơn so với nhiều nhà thờ khác trong khu vực, Nhà thờ Lớn Nam Định vẫn gây ấn tượng với mặt đứng được trang trí bằng các bức bích họa và tranh kính màu rực rỡ, tái hiện các câu chuyện về Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và các thánh. Thay vì đặt trong nội thất để bảo quản như thông thường, các tác phẩm này xuất hiện ngay trên mặt tiền, làm nổi bật giá trị nghệ thuật và tạo nên sự khác biệt độc đáo. Sự sắp đặt này biến mặt tiền công trình thành một “bức sách Kinh Thánh mở” – một biểu tượng truyền giáo và văn hóa dễ nhận diện giữa lòng thành phố. Người dân có thể dễ dàng chiêm ngưỡng tháp chuông cùng những họa tiết bích họa rực rỡ từ nhiều góc độ, biến công trình thành một điểm nhấn kiến trúc nổi bật.
4. Nhà thờ Mằng Lăng – Phú Yên
Đây là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam, được khởi công năm 1892 và hoàn thành năm 1907. Do linh mục Joseph de La Cassagne (Cố Xuân) khởi xướng, nhà thờ mang đậm phong cách Gothic với hai tháp chuông cân xứng, các vòm nhọn và nhiều cửa sổ lớn nhỏ. Tuy quy mô nhỏ hơn so với nhiều nhà thờ Gothic khác, đây vẫn là công trình tôn giáo nổi bật nhờ sự kết hợp độc đáo giữa trang trí châu Âu và chạm khắc thuần Việt trên các cánh cửa gỗ. Hai mặt bên hành lang nhà thờ còn được thiết kế theo hình búp măng cách điệu đẹp mắt.
Nhà thờ Mằng Lăng nằm tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, được hoàn thành năm 1907. Ảnh: Trung Thi.
Tên gọi nhà thờ gợi nhắc loài cây Mằng Lăng cổ xưa, một biểu tượng lịch sử giờ chỉ còn trong ký ức. Trải qua thời gian, lớp sơn trắng nguyên thủy dần ngả sắc đen xám, biến nhà thờ thành bức tranh thủy mặc hòa quyện với dòng sông Cái hiền hòa. Không gian bên trong thánh đường gây choáng ngợp bởi mái trần gỗ bóng mượt treo những chiếc đèn cổ, tường nâu vàng và kính màu rực rỡ, tạo nên vẻ đẹp vừa trầm mặc vừa sống động.
5. Nhà thờ Sở Kiện – Hà Nam
Đây là một trong 4 tiểu Vương cung thánh đường của Việt Nam, được xây dựng từ năm 1882 và từng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội. Nằm giữa khung cảnh yên bình dọc sông Đáy, công trình mang tên ghép từ hai làng Sở (Ninh Phú) và Kiện (Kiện Khê), biểu trưng cho nét giao thoa giữa nghề làm ruộng và buôn bán và nung vôi của người dân nơi đây.
Thánh đường cổ kính hơn 140 tuổi cách Hà Nội 70km nằm tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, hoàn thành vào năm 1882. Ảnh: Việt Linh.
Các Vương cung thánh đường, danh hiệu được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc to lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng. Ảnh: Việt Linh.
Mặt tiền nhà thờ, phủ lớp rêu phong, vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính suốt gần 150 năm, khiến công trình như một dấu ấn lịch sử vững vàng giữa thiên nhiên hùng vĩ của dãy núi đá vôi. Điểm đặc biệt của nhà thờ Sở Kiện là việc được quy hoạch theo kiểu quần thể nhà thờ Duomo nổi tiếng của Ý, điều này khiến nó trở thành nhà thờ duy nhất ở Việt Nam có quy hoạch này. Tương tự như Duomo, Sở Kiện bao gồm nhà thờ chính, các tháp phụ dọc hai bên, tòa giám mục và chủng viện được thiết kế cân đối, trang trí hoa văn mang đậm ảnh hưởng mỹ thuật Pháp, tạo thành một tổng thể hài hòa, vừa uy nghi vừa gần gũi. Tính truyền thống Việt Nam cũng được trân trọng, tái hiện qua các nội thất sơn son thếp vàng trong khu vực thánh đường, một sự giao hòa tinh tế giữa kiến trúc Đông và Tây. Không gian nhà thờ rộng lớn, có thể chứa tới 5.000 người.
6. Nhà thờ chính tòa Phát Diệm – Ninh Bình
Nhà thờ đá Phát Diệm được báo chí đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như “kinh đô Công giáo Việt Nam”. Người ta mê mẩn công trình bởi sự chuyển hòa thú vị giữa hai nền tôn giáo phổ biến tại dải đấy chữ S, thể hiện qua dáng dấp kiến trúc và vật liệu xây dựng. Công trình có tên chính thức là Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, là một quần thể thánh đường được xây dựng hoàn toàn từ đá và gỗ theo lối kiến trúc đình chùa bản xứ, mang vẻ đẹp kiến trúc truyền thống Đông phương kết hợp với Gothic Tây phương, được thiết kế và chủ trì xây dựng bởi Chánh xứ Phát Diệm Phêrô Trần Lục vào những năm cuối thế kỷ 19.
Quần thể nhà thờ rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Các công trình nơi đây được khởi công từ năm 1875, đến năm 1899 thì hoàn thành. Ảnh: Tổ quốc.
Ảnh: Kien1980.
Nhà thờ được xây dựng bằng ngàn tấn đá từ một quả núi ở Thanh Hóa mà không cần đến lõi bê tông cốt thép, cùng hàng trăm cây gỗ lim từ rừng núi Nghệ An, vận chuyển và thi công với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19. Chánh xứ đã kết hợp giữa kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc mái uốn cong như mái đình trong đạo phật, cung thánh được sơn son thếp vàng chói lọi với nhiều hoa văn, họa tiết chạm trổ tinh tế như nở hoa trên từng phiến đá, phiến gỗ. Không gian thờ tự được thiết kế bình dị và quen mắt theo nguyên lý Dịch học của phương Đông “trời tròn, đất vuông”.
7. Nhà thờ Lớn Hà Nội
Có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, công trình là biểu tượng kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu tại Việt Nam. Khu đất xây dựng từng thuộc chùa Báo Thiên, một ngôi chùa nổi tiếng của kinh đô Đại Việt thời Lý – Trần, nhưng đã bị phá hủy vào cuối thế kỷ 18. Sau khi chuyển đổi công năng, nhà thờ được khánh thành vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1887. Thiết kế lấy cảm hứng từ Nhà thờ Đức Bà Paris, với mái vòm cuốn nhọn vươn cao, các trụ đá lớn vững chãi, cùng hệ cửa kính màu rực rỡ mang ánh sáng huyền ảo vào lòng thánh đường. Các vật liệu như gạch đất nung, giấy bổi và thánh giá bằng đá tạo nên một tổng thể hòa quyện giữa vẻ đẹp cổ kính và sự uy nghiêm.
Ảnh: Chính tòa Hà Nội.
Điểm đặc sắc của nhà thờ còn nằm ở sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc Gothic và nghệ thuật dân gian Việt Nam. Hệ mái ngói đất nung bên ngoài và nội thất chạm trổ gỗ sơn son thếp vàng công phu tại khu cung thánh thể hiện rõ dấu ấn bản địa, tôn lên vẻ trang nghiêm và giá trị lịch sử của một trong những công trình tôn giáo lâu đời tại Hà Nội.
8. Nhà thờ Đức Bà – Sài Gòn
Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn do kiến trúc sư J. Bourard thiết kế theo phong cách Romanesque cải biên, kết hợp tinh tế với nét Gothic. Tất cả vật liệu, từ xi măng, sắt thép đến ốc vít, đều nhập từ Pháp. Đặc biệt, mặt ngoài nhà thờ sử dụng gạch trần sản xuất tại Toulouse, nổi bật với sắc hồng tươi bền màu, không bám bụi rêu suốt hơn một thế kỷ. Thánh đường còn được trang trí bằng 56 ô cửa kính màu tinh xảo từ hãng Lorin (Pháp), tạo nên ánh sáng huyền ảo trong không gian thánh đường.
Phía trước nhà thờ là công viên với hình thánh giá do bốn con đường giao nhau tạo thành. Bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình ở chính giữa khuôn viên phía trước cao 4,6m và nặng 8 tấn, được tạc từ đá cẩm thạch trắng Ý bởi nhà điêu khắc G. Ciocchetti vào năm 1959. Tượng khắc họa Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu gắn thánh giá, ánh mắt đăm chiêu hướng lên trời, như đang cầu nguyện cho hòa bình thế giới và Việt Nam.
Nhà thờ Đức Bà là tên gọi tắt được sử dụng từ năm 1959, tên gọi ban đầu là Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được khánh thành năm 1880 và bổ sung hai tháp chuông vào năm 1895. Ảnh: Tư liệu
Thực hiện: Hagomani
Xem thêm:
Nội thất cho sự trở lại của Nhà thờ Đức Bà Paris
Vòm trần huyền diệu ở nhà thờ chính tòa St.Paul
5 công trình được cải tạo từ nhà thờ cũ