Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2022)
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, công bố dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Được coi là một tài liệu nổi bật từ quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những năm gần đây, bài viết đã nhận được nhiều sự quan tâm và đánh giá cao của phong trào vô sản thế giới. Bài viết được nhiều học giả trong nước và quốc tế trích dẫn, phân tích.
Với tầm quan trọng đó, bài viết được in thành sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2022). Cho tới nay, tác phẩm đã được dịch sang 8 thứ tiếng và tiến hành tái bản trong năm nay.
Tài liệu lý luận quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bên cạnh đó, cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được biên soạn. Sách chọn lọc một số bài viết, bài phỏng vấn, đánh giá, bình luận về bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phản ánh dư luận trong nước và quốc tế đối với bài viết.
Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng bí thư đã được tập hợp in thành sách
Trong bài viết, Tổng bí thư đặt vấn đề "chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào?" Để giải đáp câu hỏi đó, Tổng bí thư trình bày một cách cơ bản và khái quát những nhận thức mới nhất của Đảng ta về những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - bài viết đã trình bày một số ý kiến sáng tạo trong phát triển lý luận của Đảng ta để xây dựng nên một mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam "vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam".
Trong bài viết, Tổng bí thư đã khẳng định và làm rõ rằng bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.
Từ đây, PGS.TS Trương Hồ Hải, nhận định rằng những phân tích của Tổng bí thư về bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm sáng tỏ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo tác giả Bắc Văn trong Một bài viết tâm huyết mang tầm cao trí tuệ, bằng cách lý giải sâu sắc vì sao Việt Nam chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Tổng bí thư đã phân tích, nêu giải pháp để tiến tới mục tiêu đó và những tư tưởng, quan điểm cần nắm chắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ý nghĩa định hướng trong xây dựng CNXH
Theo PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa, vấn đề phát triển kinh tế tri thức - một nội hàm trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - được thể hiện cô đọng trong bài viết của Tổng bí thư: "Quan điểm về phát triển kinh tế tri thức trong cuốn sách này có ý nghĩa định hướng rất quan trọng cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Ðông Hải, Bạc Liêu Nguyễn Trọng Hán nhận định Tổng bí thư đã nêu bật những luận điểm căn bản về phát triển, vừa có tính bao quát, vừa gần gũi, từ thực tiễn Việt Nam. Ông Hán khẳng định lại những lập luận của Tổng bí thư: "Ðó là sự phát triển thực sự vì con người. Sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành".
Trong bài viết, Tổng bí thư khẳng đinh: "Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.
Theo ông Hán, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường…
Nguyên phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho rằng một trong những nội dung Tổng bí thư nhấn mạnh là trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại.
Ông nhận định: "Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó".
Theo PGS.TS Trương Hồ Hải, những phân tích, tổng kết, đánh giá sắc bén của Tổng bí thư về lý luận và thực tiễn đã thể hiện tầm tư duy lý luận sắc sảo, có tính thuyết phục cao, từ đó truyền cảm hứng và lan tỏa rộng rãi đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.