Thiệu Hoá: Long trọng kỷ niệm 701 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu

Thiệu Hoá: Long trọng kỷ niệm 701 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu
Nhân dân Thanh Hoá và cả nước nói chung luôn biết ơn và tôn kính đối với nhà sử học Lê Văn Hưu, người đã có công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lễ kỷ niệm 701 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu

Sáng ngày 12/5/2023 (tức ngày 23/3 năm Quý Mão), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thiệu Hoá đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 701 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu tại Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Với các nghi thức: Đọc chúc văn, dâng hương; đọc diễn văn kỷ niệm 701 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu; Tế lễ 701 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu theo truyền thống địa phương (do xã Thiệu Trung thực hiện).nhà sử học Lê Văn Hưu Các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương.

nhà sử học Lê Văn Hưu  Nghi thức Rước kiệu truyền thống của Nhân dân địa phương.

Bên cạnh đó, tại lễ kỷ niệm 701 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu đã diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động ý nghĩa từ ngày 10/5 đến 13/5/2023 (Tức từ ngày 21 đến 24/3 năm Quý Mão) tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Bao gồm: Giao lưu văn nghệ quần chúng; Tổ chức Giải Bóng chuyền hơi các Câu lạc bộ, cúp Lê Văn Hưu lần thứ Nhất huyện Thiệu Hóa năm 2023. Tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian (từ ngày ngày 12 đến hết ngày 13/5/2023) như: Cờ bãi, cờ người, kéo co, bịt mắt bắt vịt, thi nấu cơm nồi đất.

nhà sử học Lê Văn Hưu Đồng chí Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá đọc diễn văn kỷ niệm 701 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu.

Kỷ niệm 701 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu nhằm khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của nhà sử học Lê Văn Hưu trong lịch sử dân tộc - nhà sử học đầu tiên của nước ta, người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam (bộ “Đại Việt Sử ký”); đồng thời tiếp tục bổ sung nguồn tư liệu, góp thêm tiếng nói về thân thế sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu trong triển khai lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, truyền thống lịch sử, văn hóa, nâng cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Quảng cáo

 nhà sử học Lê Văn Hưu Các đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ.  nhà sử học Lê Văn Hưu

Đây cũng là sự kiện quan trọng thu hút du khách thập phương về với khu di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu; kết nối với các di tích lịch sử cách mạng của huyện Thiệu Hóa, tiếp tục giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, nghề truyền thống và những sản vật của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; động viên tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết, giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của địa phương.

Ngày nay, nhắc đến Lê Văn Hưu, ngoài sự trung thành phụng sự nhà Trần, hơn hết, ông chính là người đặt nền móng cho nền Quốc sử Việt Nam. Thời điểm Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký, quốc gia Đại Việt đang đứng trước nguy cơ xâm lược lần thứ hai của đế chế Nguyên - Mông. Trần Thái Tông, vị vua giao trọng trách viết sử cho đại thủ bút Lê Văn Hưu hẳn là muốn tìm trong lịch sử những bài học kinh nghiệm để củng cố quyền lực, giữ vững ổn định vương triều và động viên sức mạnh của cả quốc gia cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (tức Triệu Đà 207 - 136 trước Công nguyên) cho tới Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), hoàn thành năm 1272 thì năm 1285 kháng chiến chống Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai bùng nổ. Chắc hẳn những bài học lịch sử mà Lê Văn Hưu đúc rút trong Đại Việt sử ký đã góp phần làm cho vương triều Trần có được “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, lập nên kỳ tích chống ngoại xâm có một không hai trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.nhà sử học Lê Văn Hưu Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hoá.

Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần, niên hiệu Kiến Trung thứ 6 (1230) đời vua Trần Thái Tông tại Kẻ Rỵ, tức giáp Bối Lý, sau đổi là xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là cháu 7 đời của Lê Lương, một hào trưởng nổi tiếng ở đất Ái Châu dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Theo Lê thị gia phả, Lê Văn Hưu là người "khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh", khi lên 5-6 tuổi, tiếng tăm “thần đồng Hưu” đã được nhiều người biết đến.

Mẹ của Lê Văn Hưu người họ Đỗ. Cha là Lê Văn Minh qua đời khi ông mới 4 tháng tuổi. Năm lên 9 tuổi, Lê Văn Hưu theo học ông thầy họ Nguyễn ở xã Phúc Triền (Kẻ Bôn). Năm 16 tuổi, được thầy yêu mến gả con gái lớn cho. Năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247) đời vua Trần Thái Tông, mới 17 tuổi, ông thi đậu Bảng nhãn. Đây là khoa thi đầu tiên đặt lệ lấy tam khôi (tam khôi là 3 bậc đỗ đầu gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Năm 24 tuổi, Lê Văn Hưu làm Hàn lâm viện Thị độc. Năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long 15 (1272) đời vua Trần Thánh Tông, Lê Văn Hưu làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Lê Văn Hưu hoàn thành bộ Đại Việt sử ký chép từ Triệu Vũ đế (208 đến 137 trước công nguyên) đến Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), gồm 30 quyển, dâng lên, được vua khen ngợi.

Năm 45 tuổi, Lê Văn Hưu được thăng chức Thượng thư bộ Binh. Lê Văn Hưu là người tài đức đầy đủ, là thầy học của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (1241 - 1294). Năm 1274, Lê Văn Hưu đã từ quan sau một thời gian giữ chức Thượng thư bộ Binh, trở về Kẻ Rỵ quê cũ, dạy học trò và khảo cứu phong thủy, sống trọn vẹn với người vợ hiền từ thuở hàn sinh. Cuối đời ông thường đi thăm phong cảnh khắp nơi, viết tập Địa cảo và còn khởi thảo tập Việt điện u linh. Lê Văn Hưu qua đời năm 1322, hưởng thọ 92 tuổi.

Bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hoá Việt Nam và trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thanh Hoá giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Lễ kỷ niệm 701 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thanh Hoá - quê hương của danh nhân Lê Văn Hưu, mà còn trên phạm vi cả nước./.

 

Theo nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm