Tâm thức con người hiện tại được in hằn những mô tả rất đặc trưng và nhất quán của tính nữ như dịu dàng, mềm mại, yểu điệu… Dẫu đa dạng, tựu trung vẫn không đi xa hơn mẫu hình ảnh người phụ nữ. Nhưng tính nữ không chỉ nằm trong giới hạn những khuôn mẫu hình thể, giới tính hay phân loại tính cách. Nó còn được dùng để áp lên và gọi tên những thuộc tính, đặc trưng vô hình trong các quy mô ngoại tại như vạn vật, văn hóa…, và là một phần trong triết lý âm dương sâu sắc của cư dân phía Đông địa cầu tự ngàn xưa. Ví như sợi tơ lụa mỏng manh nhưng óng ánh, tính nữ len lỏi xuyên suốt trong văn hoá của các thời kì, làm nền mỹ thuật Việt trở nên duyên dáng, khác biệt.
Sợi tơ tính nữ trong thời u tối của nước nhà
Khi người con gái ngô nghê trao nỏ thần vào tay kẻ phản tình và những túm lông ngỗng trắng rời khỏi tà áo Mị Nương bay theo nhịp vó ngựa trốn chạy, dân Lạc Việt cũng từng bước đi vào chốn gông cùm đen đặc của các triều đại phong kiến phương Bắc. Người Việt mất nước, tan hoang cửa nhà, tính nữ dịu dàng trong văn hóa Việt cũng không thoát khỏi số phận xiềng xích. Chẳng còn thế cân bằng trên cán cân âm dương, văn hóa phương Bắc gia nhập vào đất Việt một cách hung tàn, đến mức dường như sau 1000 năm bị đô hộ, người Việt mờ nhòe đi những tín ngưỡng và tư tưởng của chính mình. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, văn hóa Trung Hoa trọng dương sử dụng tư tưởng Nho giáo để củng cố nam quyền đã đến và khó lòng rời đi trong tâm thức người Việt.
Trong thời gian đô hộ đằng đẵng, văn hóa Việt chìm vào màn u tối và gần như ký thác vào hư vô. Người Việt chẳng thể đủ thời giờ để chăm chút cho nghệ thuật của dân tộc mình khi sự sống còn đang sát kề lưỡi dao của kẻ cướp nước. Chất nghệ thuật đi từ trong sáng tường minh của thời Đông Sơn hào hùng dần lụi tàn mà vào ngõ cụt. Người Hán dốc sức đồng hóa người Việt, ép người Việt quên đi gốc rễ nguồn cội, buộc người Việt thành “người một nhà”. Tính nữ thiêm thiếp mà trôi qua một thời kỳ ầng ậc đau thương.
Tính nữ sống dậy trong tiếp biến tôn giáo
Những tưởng trước những đè ép của chế độ phụ hệ, sợi tơ tính nữ sẽ đứt đoạn và tiêu biến, nhưng lịch sử lại kể một câu chuyện thú vị và ngoan cường, cụ thể là trong giao lưu và tiếp biến tôn giáo. Trong suốt chiều dài phát triển, tôn giáo luôn là chỗ dựa để nghệ thuật nở rộ và mở rộng phạm vi và người Việt cũng không ngoại lệ khi đối diện với thần Phật. Trước khi Phật giáo du nhập qua những bước chân của tăng ni Ấn Độ rảo qua nước Việt, tính nữ đã được tôn sùng qua thờ Đạo Mẫu – trục chính của tín ngưỡng dân gian với việc thờ phụng người mẹ tự nhiên.
Tính trọng âm của người Việt mạnh mẽ đến nỗi các tôn giáo ngoại lai muốn sống sót cần phải được bản địa hóa. Các vị thần Phật chạm ngưỡng nước Việt đều được người Việt tái phác họa lại bằng hình tượng nữ tính hơn, thậm chí đổi khác đi cả giới tính. Như trường hợp của Quan thế âm được người Việt gọi thân thương thành Phật Bà Quan Âm, hiện thân của đức từ bi, cứu khổ, cứu nạn, phổ độ chúng sinh, mà người phụ nữ là đau khổ nhất, cần cứu vớt. Tôn giáo ngoại quốc du nhập vào thời bình và không đối chọi với các tín ngưỡng truyền thống nên sau này khi người Việt thoát khỏi ách nô lệ phương Bắc, Phật giáo với sự ủng hộ của triều đại Việt (Lý – Trần) thuận thế mà trở thành quốc giáo. Chùa chiền được mở khắp nơi nơi nước Việt phục vụ cho nhu cầu tôn giáo của người dân, cũng được xem là trường đại đào tạo thủ công mỹ nghệ xưa.
Phật A di đà chùa Phật tích. Ảnh: Tư liệu
Tính nữ bị kìm hãm trong thời kỳ mất nước cũng được đà mà sống dậy rực rỡ đặc biệt hiển lộ trong điêu khắc tượng Phật. Tư tưởng trọng nam của 1000 năm đô hộ khó lòng chạm đến thẩm mỹ của nghệ sĩ Việt. Các tượng Phật của người Việt không có nét nam tính nghiêm nghị mà ngũ quan được tạo tác tỉ mỉ bằng đường nét mềm mại, tròn đầy và trơn mịn, toát nên vẻ đôn hậu, dịu dàng, nhân từ, tưởng như cảm tác từ người phụ nữ Việt Nam điển hình. Song song với tượng Phật, các chi tiết chạm khắc trang trí khác cũng lấy từ hình ảnh thiên nhiên như vân mây, nước, hoa sen, hoa cúc, vũ nữ,… cũng đầy ắp tính nữ uyển chuyển và tinh tế.
Tượng đầu người mình chim Kinnara tại chùa Phật Tích (thời Lý). Ảnh: Tư liệu
Bảo vật quốc gia Tượng Phật A di đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh) là tượng Phật xưa nhất xác định được niên đại của Việt Nam. Văn bia Vạn Phúc thiền tự bi năm 1057 chép: Vua nhà Lý cho xây chùa và dựng một ngọn tháp trên núi Lạn Kha, bên trong tôn trí pho tượng Phật cao sáu thước (khoảng 1,86m, thêm phần bệ đạt 2,69m). Trải qua bể dâu cùng lịch sử dân tộc, tượng Phật vẫn nguyên vẹn sự từ bi, dịu dàng năm xưa với gương mặt trái xoan, mắt hé mở, chỏm đầu có nhục khấu nhô lên, tóc xoăn, tai dài, cổ cao ba ngấn, vai rộng, thân dỏng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước, hai tay đặt ngửa trong lòng kết ấn thiền định hàng ma với tay trái đặt trên tay phải, chân ngồi xếp bằng tròn kiểu kiết gia. Áo khoác giản dị, nếp xếp vải đổ xuống, buông xõa tự nhiên theo hai tay. So với tượng Phật cùng thời của nhà Đường vạm vỡ, uy lực, thì Phật A Di Đà chùa Phật Tích thanh thoát, dung dị, thiên tính nữ hơn. Sư thầy Thích Đức Thiện – trụ trì chùa Phật Tích, nhận định: “Tượng Phật Adiđà mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thời Lý, trong mối giao lưu, tiếp biến văn hóa với các trường phái của Ấn Độ và trường phái Lục Triều, Trung Quốc.”.
Tượng A di đà chùa Phật tích. Ảnh: Tư liệu
Tính nữ trong biểu trưng vương quyền phong kiến Việt
1000 năm Bắc thuộc đã để lại dấu ấn sâu sắc, cụ thể nhất trong cách tổ chức bộ máy chính trị. Chế độ phong kiến Việt Nam với thiết chế quân chủ tập quyền là một mô hình ngoại nhập, với nền văn hoá Đông Á, dưới hình thức cưỡng bức ban đầu ở giai đoạn mất nước và tự nguyện sau khi giành lại chủ quyền. Không hẳn sao chép toàn bộ mà người Việt đã tiến hành chỉnh sửa, đẽo gọt, thu nhỏ kích cỡ sao cho vừa khéo với đặc thù của lịch sử, xã hội Việt Nam, vốn có một cơ tầng văn hoá Đông Nam Á. Cái tính nữ được tự do sau chuỗi ngày kìm hãm cũng phả vào trong mô hình phong kiến trọng dương bị ép buộc học hỏi từ Trung Hoa. Cụ thể hóa hơn cho sự biến chuyển, dung hợp hài hòa có thể đề cập đến hình tượng rồng. Rồng với văn hóa phương Đông và phương Tây luôn là biểu tượng quyền lực, vương quyền, thế tục, độ phổ biến văn hóa cao, được hình dung với tạo hình lực lưỡng, đầu với hàm rộng, răng sắc bén, con ngươi toát nét dữ tơn, thân dài với vảy kết dày cứng, tứ chi có móng vuốt bén nhọn. Một tạo hình mạnh mẽ, đầy tính dương và quen mắt khắp Đông Tây. Nhưng với người Việt, rồng không cần phải khoác lên lớp bọc khiêu kích và dũng mãnh mới có thể phô diễn được sức mạnh hay phô trương thanh thế vương quyền.
Có thể nói, rồng Việt Nam có những bản thể bản thể độc đáo, thoát ly khỏi sự sao chép với hình tượng của Trung Hoa. Dẫu ý niệm về loài linh vật đã có manh nha từ thời Đông Sơn, nhưng mãi đến thời Lý, tạo hình của nó mới thực sự chỉnh tề và rõ nét. Trong các triều đại Việt, rồng thời Lý được yêu thích nhất bởi tính tinh tế trong tạo hình, giữ lại các bộ phận cơ thể giống rồng Trung Hoa nhưng thân hình lại là của rắn thần Ấn Độ.
Một số chi tiết đặc biệt như bờm, râu, dáng đầu là những chi tiết quan trọng nhất thì hầu như là của thần rắn Naga. Một điểm đặc biệt nữa là bờm, râu và đầu rồng được bố cục thành hình lá đề – một đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo. Ảnh: Tư liệu
Các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định rằng rồng thời Lý là con “rồng văn học”, văn nhã kết cấu tạo hình mang đủ đầy chi tiết của rồng nhưng uốn lượn với biên độ cong đều đặn, thân thon mảnh như rắn và không có vẩy. Từ mũi phát ra ngọn lửa. Trên trán rồng có hoa văn giống chữ “S”, tượng trưng cho sấm sét và mưa. Ảnh: Tư liệu
Rồng thời Trần do có sự ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử nên có phần dũng mãnh hơn, được ví như “con nhà võ” với phần đầu có thêm sừng và tay, đỉnh lửa ngắn hơn, thân cũng tròn trịa và cứng cáp hơn, nhỏ dần về phía đuôi, hơi uốn lượn, lưng tựa như yên ngựa. Đuôi có nhiều hình dạng, lúc thẳng và nhọn, lúc xoắn ốc. Các vảy cũng rất đa dạng, có khi là những nụ hoa hình bán nguyệt, có khi chỉ là những đường cong duyên dáng.
Rồng thời Trần. Ảnh: Tư liệu
Rồng trang trí trên cánh cửa làm bằng gỗ chạm, Triều Trần (thế kỷ 13-14), Chùa Phổ Minh, Tức Mặc, Nam Định. Ảnh: Tư liệu
Có thể thấy, dẫu mặc định hình tượng rồng có phần dương áp đảo thì rồng Việt Nam vẫn nâng niu và ưu ái cho tính nữ rất nhiều với đường nét mềm mại, bớt những góc cạnh nhọn sắc, thần thái cũng bình hòa, lành hiền, không dữ tợn, tỏ rõ hung hãn. Tính nữ làm mềm mại sự gai góc, khiến rồng thời Lý – Trần được yêu mến. Dù đại diện cho vương quyền, rồng Việt Nam vẫn nghiễm nhiên uốn lượn trong các rường cột vì kèo của đình làng. Ta thấy được tính uyển chuyển cả trong những triều đại phong kiến Việt, vẫn là tính hài hòa, công bình, bác ái từ thuở ban sơ dựng nước. Văn hóa trọng dương Trung Hoa dường như cũng chẳng thể đổi dời được sự tốt đẹp của bản chất Việt.
Từ trái qua phải: Rồng thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn. Ảnh: Tư liệu
Tiếc thay, với những rối ren của chính trị và biến động của thời cuộc, đặc trưng hài hòa, uyển chuyển và thanh thoát trong mỹ thuật Việt lại dần mờ nhạt hay khó lòng phát triển cao hơn trong lồng son thếp vàng của triều đại phong kiến kế tiếp. Đâu là nơi dung chứa và nuôi dưỡng để sợi tơ tính nữ lại một lần nữa có thể lấp lánh rực rỡ? Câu trả lời có trong phần 3 của “Mỹ thuật Việt – Khi tính nữ là sợi dây tơ xuyên suốt các thời kỳ”.
Chuỗi bài viết “Mỹ thuật Việt – Khi tính nữ là sợi dây tơ xuyên suốt các thời kỳ” là những suy tư về tính nữ của văn hóa Việt biểu hiện qua khía cạnh mỹ thuật tạo hình. Tính nữ trong thẩm mỹ tạo hình của mỹ thuật Việt không phải là cái điệu hình mỏng manh hay yêu kiều mà là sự gợi cảm của thể hình khỏe khoắn, nét mày đôn hậu. Là tính nữ hòa hợp với lối sống và suy tư của chính người Việt trong lớp lang văn hóa và chiều kích lịch sử xuyên suốt từ ngàn năm son rõ đến rực rỡ về sau của dân tộc mình.