Trong văn hóa dân gian Việt Nam, tranh Đông Hồ đã đi vào nếp sống, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa của người Việt, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán. Theo lời kể của người làng Đông Hồ, một ngôi làng thanh bình bên bờ sông Đuống thuộc tỉnh Bắc Ninh, dòng tranh dân gian độc đáo này có thể đã xuất hiện từ thời nhà Lý, khoảng thế kỷ 11. Tuy nhiên, khi truy tìm nguồn cội, các nhà nghiên cứu lại cho rằng những nghệ nhân đầu tiên bắt đầu in tranh từ triều đại nhà Lê, dưới thời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Dù nguồn gốc còn mơ hồ, nét độc bản trong phong cách và tính bản địa của từng bức tranh lại hiện hữu rõ ràng, mạnh mẽ trong dòng chảy văn hóa dân gian Việt Nam.

Bức tranh Đàn gà mẹ con vẽ khung cảnh gà mẹ đang chăm nom cho đàn con của mình. Tranh biểu trưng cho sự đầm ấm gia đình, sinh sôi nảy nở, con cháu sum vầy. Ảnh: Sưu tầm
Quy trình làm tranh – Sự tinh xảo từ thiên nhiên
Nghệ thuật tạo tranh Đông Hồ thể hiện khả năng khai thác vốn quý thiên nhiên một cách tài tình của người Việt với quy trình công phu, sử dụng các vật liệu thuần khiết, gần gũi trong đời sống. Từ giấy, màu mực, khuôn in đến thành phẩm cuối cùng đều được chế tác thủ công từ nguyên liệu tự nhiên sẵn có quanh vùng.
Giấy điệp – nền tảng của tranh Đông Hồ – được tạo thành từ nhiều lớp quét hỗn hợp đặc biệt giữa bột vỏ sò điệp và hồ dán (thường nấu từ bột gạo tẻ, gạo nếp hoặc bột sắn) lên giấy dó. Bàn tay tài hoa của người thợ dùng chổi lá thông thấm qua hỗn hợp và quét nhiều lớp, tạo nên những đường vân chạy dọc mặt giấy. Sự kết hợp này mang đến cho tranh một màu trắng ngà tự nhiên và ánh long lanh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, đồng thời giúp giấy dày hơn, có tính đàn hồi cao, tăng độ thẩm thấu và lưu giữ màu sắc bền lâu.

Sản xuất giấy điệp bằng cách quét hỗn hợp được trộn từ hồ dán và bột vỏ sò qua nhiều lớp bằng chổi lá thông. Ảnh: Triphunter
Khác với tranh Hàng Trống rực rỡ, Đông Hồ mang sắc trầm lắng, thuần khiết đến từ chất liệu thiên nhiên. Màu sắc được chiết xuất từ đa dạng nguồn gốc bản địa: sắc đen từ than lá tre (đôi khi là than gỗ xoan hoặc rơm nếp), đỏ nâu từ sỏi son, vàng từ hoa dành dành, hoa hoè, xanh lục từ lá chàm hoặc gỉ đồng. Chính sự tinh khiết, ít pha trộn phẩm màu nhân tạo này đã tạo nên nét duyên mộc mạc đặc trưng của nghệ thuật dân gian.
Quá trình in đòi hỏi sự tỉ mỉ về độ đều màu và chính xác của từng lớp. Thông thường, các lớp màu đậm được in trước, tiếp đến là các lớp nhạt và hoàn thiện bằng ván khắc nét đen. Ván in được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực với độ thấm vừa phải, đảm bảo lượng màu đồng đều trong suốt quá trình in. Mỗi ván khắc đều có hai thanh đinh cố định hai đầu, giúp định vị chính xác qua nhiều tầng lớp in và khuôn khắc khác nhau, để sản xuất được số lượng lớn tranh với chất lượng đồng nhất.

Khuôn khắc được thực hiện tỉ mỉ bởi các nghệ nhân, đảm bảo các lớp in đúng hình và vị trí in. Ảnh: L.Sơn

Các khuôn khắc nét với đa dạng chủ đề khác nhau. Ảnh: Sưu tầm

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Táo quân gắn với huyền tích “hai ông một bà” bao gồm thần Bếp, thần Nhà và thần Đất. Ảnh: Sưu tầm
Phân loại và ý nghĩa – Tấm gương phản chiếu đời sống văn hóa
Với nếp sống văn hóa đa dạng cùng lớp nền lịch sử lâu đời, những câu chuyện và đề tài của tranh Đông Hồ được nghệ nhân thể hiện qua nhiều góc nhìn phong phú. Dựa theo chủ đề, dòng tranh này chia thành bảy thể loại chính: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh phương ngôn, tranh truyện, tranh cảnh vật và tranh sinh hoạt.
Mỗi bức tranh đều mang đậm tính bản địa của người Việt, từ nét chân phương trong đời sống thường nhật đến những hoài bảo, ước mong về cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Chính vì vậy, tranh Đông Hồ thường được mua và trưng bày trong dịp Tết Nguyên Đán, với nội dung tươi sáng, tích cực, đôi khi pha chút hài hước tinh tế, thể hiện qua các gam màu may mắn và sung túc như đỏ, vàng, trắng.

Tranh vẽ cảnh đám cưới của cặp đôi chuột, đang dâng sính lễ lên cho mèo, mong cầu một cuộc sống bình yên sau lễ cưới. Bức tranh Đám cưới chuột là tiếng lòng của nhân dân đối với xã hội phong kiến áp bức thuở xưa. Ảnh: Sưu tầm

Vinh Hoa – Phú Quý là cặp tranh nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ. Miêu tả hai em bé ôm gà vịt, tranh được coi như lời chúc tụng mưu cầu vinh hoa, tài lộc, mong muốn gia đình có một cuộc sống ấm no, giàu sang. Ảnh: Sưu tầm
Đặc trưng của tranh Đông Hồ – Nét riêng không thể trộn lẫn
Tranh Đông Hồ là sự kết hợp hài hòa, gắn kết giữa hình và chữ. Thơ, câu đối được viết dưới dạng Hán tự hoặc chữ Nôm không chỉ bổ nghĩa cho nội dung, giúp người xem thấu hiểu thông điệp sâu sắc, mà còn được khéo léo đặt đối diện ánh nhìn của chủ thể trong tranh như một phương thức cân bằng bố cục, tạo nên sự hài hòa, đối xứng cho tổng thể.

Cặp tranh Ông Tơ – Bà Nguyệt. Chữ bên tranh trái ghi: “Phỉ nguyền sánh phượng” và “Bách niên giai lão”. Chữ bên tranh phải ghi: “Đẹp phận thừa long” và “Quân tử hảo cầu”. Tranh là sự chúc phúc cho cặp đôi nam, nữ đến độ cập kê sẽ tìm được ý chung nhân, gắn kết lâu dài suốt quãng đời còn lại. Ảnh: Sưu tầm

Tranh Lý ngư vọng nguyệt. Cá chép là loài vật có khả năng bơi ngược dòng, tượng trưng cho sự nỗ lực, ý chí vươn lên, thể hiện ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, viên mãn. Ảnh: Sưu tầm
Giá trị độc đáo của tranh Đông Hồ không chỉ đến từ phương pháp chế tác mà còn là biểu tượng ẩn hiện thẩm mỹ truyền thống của nghệ thuật Việt Nam. Đường nét đầy đặn trong tạo hình nhằm tái hiện dấu ấn nguyên bản của các tạo tác xưa cổ, từ dáng hình linh vật rồng qua các triều đại đến các kiến trúc chạm trổ của những mái đình làng cổ kính. Tính phồn thực ấy là biểu hiện sinh động của ước mong đầy đặn khỏe khoắn, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Tranh Chăn trâu thổi sáo sử dụng đa dạng các loại nét từ nét đơn tạo hình, nét băm thân sen, nét xoè từ mảng tóc của bé trai hay nét gợi khối chi của trâu. Ảnh: Sưu tầm

Tranh Đàn lợn âm dương thể hiện ước vọng về một cuộc sống an lành, bình yên, không có tai ương, bệnh tật. Bức tranh thường được treo trong nhà vào dịp Tết Nguyên Đán, mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới an khang, thịnh vượng, đông con, nhiều cháu. Ảnh: Sưu tầm
Bên cạnh đó, độ đậm nhạt của đường nét gọt hình tạo nên sự thú vị trong từng bức tranh. Lúc thanh thoát, lúc đậm nét nhưng luôn hòa hợp tổng thể, đan xen đa dạng các loại nét khác nhau (nét đơn, nét kép, nét băm, nét từ mảng xòe ra, nét âm, nét gợi khối…) giúp tạo được những phép hình với phong cách riêng biệt, không thể lẫn với bất kỳ dòng tranh dân gian nào khác.
Ứng dụng tranh Đông Hồ – Khi truyền thống gặp gỡ đương đại
Nhờ vào nét độc đáo riêng, tranh Đông Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế đương đại. Từ nền tảng đậm chất dân gian với sự giản đơn trong màu sắc và đường nét, nhiều sáng tạo mới đã ra đời mang dáng vóc hiện đại, hợp thời nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên bản.
Phần lớn các sáng tác thiết kế hiện nay tái hiện khéo léo không khí dân gian của tranh Đông Hồ, đồng thời thể nghiệm phong phú các tạo hình với những đề tài đương đại, hòa nhịp cùng dòng chảy thời đại mà không đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống – minh chứng rõ ràng cho sức sống bền bỉ của một di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc Việt Nam.

Bộ trò chơi bầu cua của Maztermind.

Trong một vài phân cảnh của MV Bắc Bling mới được ra mắt gần đây, Hoà Minzy hoá thân thành tạo hình 4 thiếu nữ gợi nhắc đến bộ tranh Tố Nữ nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ. Ảnh: Tư liệu
Thực hiện: Quychibeo
Xem thêm:
Vẽ tranh Hàng Trống: Giàu ở tình cảm
Đón Tết nay ngắm tranh Tết xưa
Phong cảnh qua lăng kính nghệ thuật phương Tây