Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là người con ưu tú của Huế và có những đóng góp lớn cho nền độc lập cũng như thơ ca nước nhà.
"Đất nước" là một trong những bài thơ mang tính biểu tượng cho phong cách Nguyễn Khoa Điềm, chan chứa tình yêu vô bờ bến với quê hương xứ sở. Cùng về thăm Huế, nơi lưu giữ vẻ đẹp như trong tranh, yên bình và trầm lắng đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tác của ông.
Nơi sinh Phong Hòa
Huyện Phong Điền nằm ở phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm 16 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có Phong Hòa và làng cổ Phước Tích nổi tiếng. Phong Hòa mang dáng vẻ bình dị của làng quê yên ả. Đặc biệt, cái nắng ở Phong Hòa làm cảnh vật ở đây xanh tươi điểm chút vàng vọt, vừa mê đắm mà cũng thoáng đượm buồn.
Một góc làng quê yên ả - nơi sinh ra nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Phước Tích nằm trong những địa điểm du lịch nổi tiếng với người yêu văn hóa, bởi làng có tuổi đời đã hơn 500 năm. Trước đây Phước Tích nổi danh cả nước bởi nghề làm gốm tinh xảo có độ bền cao. Một vài địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng du khách nên tới ghé thăm tại Phước Tích có thể kể đến như đình Phước Tích, miếu Cây Thị, miếu Quảng Tế, nhà thờ họ Trương Công, Lê Ngọc...
Làng cổ Phước Tích nhìn từ trên cao. Ảnh: huyện Phong Điền
Quê cũ An Cựu
Nằm ở phía Tây Nam thành phố Huế, nhắc đến An Cựu chắc hẳn nhiều du khách sẽ nghĩ ngay tới món bún bò trứ danh hay khu chợ An Cựu lắm phiên nhiều mối. Quả thực vậy, đến với An Cựu điều đầu tiên nên làm là tới chợ để ăn chè, ăn bún... thưởng thức cho bằng hết đặc sản được làm bởi con người nơi đây.
An Cựu nổi danh bởi món bún bò truyền thống lâu đời
An Cựu nổi danh bởi món bún bò truyền thống lâu đời, nước dùng ngọt, thơm mùi gừng nướng cháy xém, đầy ắp thịt luộc, thậm chí có cả thịt nướng. Ngoài bún bò, chợ còn có đặc sản bánh nậm, bánh bột lọc với giá chỉ từ 15.000 đồng. Bởi vậy, nhiều du khách nước ngoài còn gọi An Cựu là "thiên đường ẩm thực".
Trường THPT chuyên Quốc Học Huế
Đây là một trong những địa điểm phải đến với du khách bởi Trường PTTH chuyên Quốc Học Huế mang tính biểu tượng cho sự hiếu học của con người nơi đây. Ngôi trường này thành lập năm 1896 đến nay đã có tuổi đời 128 năm. Trường như cái nôi tri thức của nhiều nhân tài nước Việt mà điển hình là Danh nhân văn hóa thế giới - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đỗ Á khoa đầu vào năm 1924), Tổng bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, nhà thơ Tố Hữu, giáo sư Đặng Thai Mai... cũng từng theo học tại trường này.
Trường PTTH chuyên Quốc Học Huế
Khuôn viên trường rộng rãi, mang một màu đỏ riêng biệt, lẩn khuất sau các hàng phượng vĩ nhắc nhớ chúng ta về một tuổi học trò mộng mơ, năng động. Trường PTTH chuyên Quốc Học Huế hiện còn là địa điểm check-in nổi tiếng phải đến của giới trẻ mỗi khi có dịp ghé thăm cố đô.
Khuôn viên Trường PTTH chuyên Quốc Học Huế - nơi đặt tượng Nguyễn Tất Thành.
Hoàng thành Huế
Đã đến cố đô mà không thăm Hoàng thành thì coi như chuyến đi của du khách đã mất đi vài phần ý nghĩa. Hoàng thành là minh chứng cho một triều đại đã qua mà chứa đựng trong đó gồm tinh hoa của văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, hội họa...
Cung điện bên trong Cấm thành Huế. Ảnh: Duy Anh
Hoàng thành Huế bao gồm nhiều lớp thành, đặc biệt có Cấm thành - nơi sinh hoạt và diễn ra nhiều nghi thức hoàng tộc triều Nguyễn là đáng tham quan hơn cả.
Cổng thành về đêm.
Đến Hoàng thành Huế chúng ta như được xuyên không trở về thời phong kiến, chứng kiến cái gọi là "cung vàng, điện ngọc", tìm hiểu về cuộc sống thường ngày của Thiên tử, các ông hoàng bà chúa, phi tần, cung nữ... Đó là một trong những lý do giúp nơi đây luôn để lại ấn tượng và thu hút đông đảo du khách ghé thăm.