Bộ sưu tập Code 11.59 by Audemars Piguet và hành trình 5 năm không ngừng phát triển
Vẻ đẹp cơ khó gói gọn trong bảy tạo tác
Những chiếc Code 11.59 by Audemars Piguet mới đã chứng minh sự tiến bộ trong khâu thiết kế và trang trí của thương hiệu. Phần họa tiết mặt số dập nổi được phát triển thay thế cho các mặt số có phần trang nhã hơn trước đây. Được nghiên cứu và hoàn thiện bởi nhóm thiết kế của Audemars Piguet cùng nghệ nhân guilloché người Thụy Sĩ Yann von Kaenel, họa tiết trang trí này giúp tăng cường khả năng hiển thị cũng như khuếch đại hiệu ứng ánh sáng cho chiếc đồng hồ.
Được chạm khắc thủ công tỉ mỉ, phần khuôn dùng để trang trí cho mặt số có hoạ tiết vòng tròn đồng tâm giống như những gợn sóng trên mặt nước. Những vòng tròn này được tô điểm bằng hàng trăm lỗ nhỏ cho ánh sáng xuyên qua. Sau đó, mặt số được chuyển màu bằng quy trình mạ PVD hoặc mạ điện để bảo toàn và làm nổi bật các đường viền xuất hiện trong quá trình hoàn thiện. Vô số những chi tiết lớn nhỏ kết hợp với nhau tạo nên một mặt số tinh xảo.
Tập trung vào sự thoải mái và thuận tiện, bảy phiên bản mới có vạch chỉ giờ bằng vàng hồng 18 carat được kéo dài, làm phẳng, mài nhẵn và đánh bóng, sau đó phủ một lớp phát quang để dễ xem thời gian hơn trong điều kiện thiếu ánh sáng. Bên cạnh đó, kiểu chữ ở thang giây, hình dạng của nút crown và phần khóa đã được điều chỉnh đôi chút, nhằm mang đến phong cách hiện đại và mới mẻ hơn.
Đa dạng về kích thước
Trong số các chiếc Code 11.59 By Audemars Piguet mới có 2 mẫu với kích thước 38mm dành riêng cho những nhà sưu tầm với cổ tay thon gọn.
Mẫu đầu tiên có tông màu xanh nhạt
Hai phiên bản này có bộ vỏ bằng vàng hồng 18 carat đi cùng mặt số có sắc xanh lam đậm và nhạt hoàn toàn đối lập, tạo nên sự tương phản trang nhã với nhau và với chính chiếc đồng hồ. Mẫu đầu tiên có tông màu xanh nhạt phủ khắp mặt số từ ô ngày, viền bezel trong cho đến cả phần dây đeo, mang lại một thiết kế hài hòa về tổng thể. Chiếc còn lại có tông màu “Bleu Nuit, Nuage 50” biểu tượng được giới thiệu trên thiết kế Royal Oak đầu tiên (Model 5402). Màu xanh đậm của mặt số và dây đeo càng trở nên nổi bật nhờ vào các chi tiết màu vàng hồng trên bộ vỏ và các cọc số cũng như kim chỉ giờ.
Bộ vỏ của cả hai đều có bề mặt được hoàn thiện tỉ mỉ và tinh tế tương tự trên các bộ chuyển động của Audemars Piguet, với các bề mặt được đánh bóng và hoàn thiện sa tanh xen kẽ, làm nổi bật lớp kiến trúc đa diện của chúng. Ngoài ra, phần dây đeo bằng da cá sấu có họa tiết hình vuông lớn phù hợp với màu của mặt số. Chủ nhân cũng có thể chọn dây đeo bằng cao su với màu sắc tương tự nếu yêu thích phong cách trẻ trung năng động.
Cơ chế selfwinding và selfwindinh chronograph
Năm phiên bản còn lại có kích thước 41mm, bao gồm 2 mẫu tự lên cót và 3 mẫu Chronograph tự lên cót.
Sự hòa hợp giữa ánh sáng và bóng tối
Sắc xanh lá cây đầy mê hoặc tô điểm cho mặt số của 2 mẫu đầu tiên trong danh sách, tương phản tinh tế với các chi tiết bằng vàng hồng trên bộ vỏ. Riêng với mẫu Chronograph, các mặt số phụ ở vị trí 3 và 9 giờ có màu xanh lá bên trong và vàng ở vùng rìa ngoài, trong khi bộ đếm ở vị trí 6 giờ chỉ có màu xanh lá.
Màu “Bleu Nuit, Nuage 50”
Màu “Bleu Nuit, Nuage 50” xuất hiện trên hai mẫu 41mm tiếp theo. Hầu hết các tạo tác Code 11.59 by Audemars Piguet đều có mặt số cùng tông với dây đeo để đồng bộ về mặt thiết kế. Các mặt số phụ ở vị trí 9 và 3 giờ có màu xanh lam cùng phần khung màu xám, trong khi bộ đếm ở vị trí 6 giờ có màu xám giống với viền bezel bên trong.
Màu “Bleu Nuit, Nuage 50”
Sử dụng yếu tố tương phản, mẫu thứ 5 kết hợp các chi tiết vỏ bằng vàng hồng 18 carat với phần vỏ giữa và nút crown bằng ceramic đen hình bát giác. Sự hòa hợp giữa ánh sáng và bóng tối tiếp tục lan tỏa trên mặt số màu đen, được bao quanh bởi viền bezel bên trong mà trên đó, các vạch và kim chỉ giờ, logo của Audemars Piguet đều nổi bật với tông màu vàng. Tương tự các mẫu trên, phần dây đeo và bộ đếm ở vị trí 6 giờ đều có màu đen.
“Những phiên bản mới này tuân theo lộ trình phát triển khác nhau mà Audemars Piguet đã đặt cho bộ sưu tập vào năm 2023. Ngoài phong cách trang trí đặc trưng đã xuất hiện trên một số mẫu 41mm, chúng tôi cũng đã bổ sung thêm kích thước 38mm với màu sắc nguyên bản, giúp Code 11.59 By Audemars Piguet có thể được xuất hiện trên mọi loại cổ tay từ nhỏ đến lớn, thể hiện tính linh hoạt cũng như tinh thần đương đại của bộ sưu tập.”
Sofia Candeias
Giám đốc sản phẩm, Audemars Piguet
Những bộ chuyển động thế hệ mới nhất
Hai mẫu tự lên cót 38mm được trang bị Calibre 5900 đã từng xuất hiện trên một số chiếc Royal Oak 37mm vào năm 2022 với độ dày 3,9mm, tần số 4Hz và khả năng dự trữ năng lượng trong 60 giờ.
Các mẫu 41mm được vận hành bởi Calibre 4302 hiển thị giờ, phút, giây và ngày hoặc Calibre 4401 tích hợp chức năng flyback Chronograph tự lên cót. Cả hai bộ máy đều được trang bị cơ chế được cấp bằng sáng chế nhằm mang lại sự ổn định và chính xác khi điều chỉnh đồng hồ. Calibre 4401 còn được trang bị hệ thống bánh răng thẳng đứng giúp cho kim giờ lướt đi mượt mà khi tính năng chronograph được kích hoạt hoặc dừng lại. Cơ chế đặt lại của Audemars Piguet cũng được cấp bằng sáng chế, đảm bảo rằng mỗi kim đếm đều sẽ trở về vị trí ban đầu.
Mặt sau của chiếc đồng hồ có lớp kính sapphire trong suốt làm lộ rotor bằng vàng hồng 22 carat được dành riêng cho bộ sưu tập, cũng như các kỹ nghệ trang trí Haute Horlogerie tô điểm cho các chi tiết của bộ máy chẳng hạn như đánh bóng, hoàn thiện sa tanh dọc, Côtes de Genève, tạo vân tròn và vát cạnh.
Hành trình 5 năm không ngừng nâng cấp và thay đổi
Ra mắt vào năm 2019, BST CODE 11.59 By Audemars Piguet đã trình làng cùng lúc 13 phiên bản khác nhau cùng 3 bộ máy mới, từ mẫu Selfwinding cho đến Selfwinding Chronograph, chưa tính đến những Minute Repeater Supersonnerie, Tourbillon và Perpetual Calendar. Sự phong phú về chất liệu và công năng đã minh họa cho tính linh hoạt của BST này từ những ngày đầu vừa ra mắt, đồng thời đặt nền móng cho các tiêu chuẩn thẩm mỹ bao gồm: phần giữa vỏ hình bát giác được tích hợp giữa mặt sau và viền bezel cực mỏng; lớp kính sapphire cong đôi mang lại trải nghiệm thị giác độc đáo; phần tai đồng hồ được cách điệu, với phần trên được hàn vào khung bezel, trong khi phần dưới nằm đối xứng hoàn hảo ở mặt sau đồng hồ; họa tiết trên mặt số đa dạng, từ kỹ nghệ sơn mài tinh xảo cho đến mặt số bằng đá aventurine và các cọc số Ả Rập; và cuối cùng là logo của thương hiệu được tạo ra bởi quá trình tăng trưởng điện. Được chế tác bằng vàng trắng hoặc vàng hồng, bộ vỏ của BST là một trong những thiết kế phức tạp nhất Audemars Piguet đã từng sản xuất.
Kể từ khi ra mắt, Code 11.59 By Audemars Piguet luôn tập trung phát triển những tính năng có thể kết hợp hài hòa với kích thước bộ vỏ. Trong những năm qua, các bộ máy phức tạp mới đã được bổ sung, bao gồm Grande Sonnerie Carillon Supersonnerie (2020) và Flying Tourbillon Chronograph (2021). Vào tháng 12 năm 2022, thương hiệu đã mang trở lại cơ chế Starwheel biểu tượng và đầy tinh tế. Sự trở lại của tính năng Wandering Hours đánh dấu cột mốc lớn của BST vào tháng 2 năm 2023 khi giới thiệu chiếc Ultra-Complication Universelle RD#4 – tạo tác phức tạp nhất thương hiệu từng sản xuất.
Sự phong phú về chất liệu và công năng đã minh họa cho tính linh hoạt của BST
Code 11.59 by Audemars Piguet Ultra-Complication Universelle RD#4
Được vận hành bởi Calibre 1000, với 40 tính năng mà trong đó có 23 tính năng phức tạp, bộ chuyển động này không chỉ vượt qua các ranh giới về công thái học mà còn mở ra những con đường mới, không chỉ dành riêng cho Audemars Piguet mà còn cho ngành chế tác đồng hồ trên toàn thế giới.
Vào năm 2020, lần đầu tiên BST có thiết kế hai tông màu bằng vàng trắng với phần giữa vỏ bằng vàng hồng, góp phần củng cố sự tương phản giữa kiến trúc phức tạp của chiếc đồng hồ và nét thẩm mỹ đương đại của nó. Sau đó, mẫu Selfwinding Chronograph đã mở đường cho những mẫu đầu tiên có phần giữa vỏ bằng ceramic, chẳng hạn như phiên bản CODE 11.59 Flying Tourbillon Openworked ra mắt vào năm 2022, kết hợp bộ vỏ bằng vàng trắng 18 carat với chất liệu ceramic màu xanh.
Code 11.59 by Audemars Piguet ra mắt với chất liệu thép không gỉ
Sự phát triển này đã đẩy độ phức tạp lên cao hơn nữa, vì việc hoàn thiện chất liệu ceramic và căn chỉnh các bề mặt góc cạnh đòi hỏi tay nghề khéo léo và tỉ mỉ. Vào năm 2023, BST đã chào đón các mẫu Chronograph Selfwinding và Selfwinding 41mm đầu tiên bằng thép không gỉ. Sự xuất hiện của chất liệu mới, thể thao hơn này đã mở ra những hướng đi mới cho Code 11.59 by Audemars Piguet.
Không chỉ thay đổi chất liệu bộ vỏ mà mặt số cũng có những nâng cấp nhất định. Vào năm 2020, mặt số của mẫu đồng hồ này trở nên sống động với màu sắc mới cùng với lớp hoàn thiện ánh nắng và hiệu ứng khói, mang lại chiều sâu và vẻ huyền bí cho chiếc đồng hồ. Sự sáng tạo tiếp tục được phát huy trong bộ ba Code 11.59 by Audemars Piguet Grande Sonnerie Carillon Supersonnerie với mặt số được tráng men thông qua sự hợp tác với nghệ sĩ tráng men người Thụy Sĩ Anita Porchet. Vào năm 2022, BST càng trở nên phong phú hơn với các phiên bản tự lên cót có đính kim cương trên mặt số và viền bezel. Bên cạnh kim cương, các loại đá tự nhiên cũng được sử dụng, điển hình là Code 11.59 by Audemars Piguet Flying Tourbillon có mặt số được đính đá Onyx đen. Cuối cùng, vào năm 2023, BST đã chào đón những phiên bản đầu tiên bằng đá Aventurine tráng men màu xanh lá cây, cũng như mặt số bằng sapphire đầu tiên.
Vào năm 2023, BST đã trải qua một quá trình phát triển về mặt thẩm mỹ đi kèm với việc ra mắt những mẫu bằng thép không gỉ đầu tiên. Nhân dịp này, một thiết kế mặt số mới đã được ra mắt với họa tiết dập nổi mới, vạch chỉ giờ thay thế cho các chữ số Ả Rập trước đó và nút crown cũng được thay đổi. Nửa cuối năm 2023, các mẫu 38mm xuất hiện mang đến nhiều sự lựa chọn hơn. Những cải tiến khác nhau này đã góp phần biến Code 11.59 by Audemars Piguet thành một BST có chiều sâu và phong phú không kém gì những Royal Oak hay Royal Oak Offshore.
Giờ đây, với sự xuất hiện của 7 phiên bản 38 và 41mm mới bằng vàng hồng này, Code 11.59 by Audemars Piguet sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để chiếm lấy cảm tình của giới mộ điệu.