Vnluxury

Cầu gỗ là biểu tượng bạc tỷ của một thành phố ở Việt Nam: "Dát" 7 tấn đồng, diện tích hơn 2.400m2

Cầu gỗ này thuộc dự án có vốn đầu tư lên tới 6 triệu USD.

Cây cầu gỗ độc nhất vô nhị của xứ Huế

Nằm ở phía nam của dòng sông Hương thơ mộng, ngay tại trung tâm thành phố Huế có một cây cầu được coi là "biểu tượng bạc tỷ" của đất cố đô. Đó là cây cầu gỗ lim thuộc dự án thí điểm của dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm" do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ không hoàn lại với vốn đầu tư là 6 triệu USD. Cây cầu chính thức được thi công vào cuối tháng 12/2017 và hoàn thành vào tháng 11/2018. Nhưng đến 2019 thì mới được chính thức đưa vào hoạt động.

Cây cầu gỗ liêm tại Huế
Cây cầu gỗ lim được coi là "biểu tượng bạc tỷ" của đất cố đô. (Ảnh: Savaco)

Cầu gỗ lim nằm giữa hai cây cầu nổi tiếng của Huế là: Cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân. Cây cầu xuất phát từ giữa phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu gần cầu Trường Tiền, qua cầu Phú Xuân và kết thúc ở công viên Lý Tự Trọng. Hai bên cầu, một bên là công viên với nhiều cây xanh, hoa thơm cỏ lạ, một bên là dòng sông Hương nổi tiếng, khiến cây cầu trở thành một địa điểm check in lý tưởng, một không gian mới thú vị của thành phố.

Theo báo Thanh niên, cầu gỗ lim có chiều dài 400m, rộng 4m kéo dài từ chân cầu Trường Tiền cho đến cầu Phú Xuân.

Thông tin thông tin Ban Quản lý Dự án (BQLDA) KOICA cung cấp cho VTC News, tổng kinh phí thực hiện dự án là 52,9 tỷ đồng, chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Cầu được kết cấu từ bê tông cốt thép, sau đó được lát gỗ lim nhập khẩu Nam Phi trên mặt cầu. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim là 2.438m2. Dự toán tổng chi phí gỗ lim lát sàn cho cầu đi bộ là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý (ngâm hóa chất, sấy...) và gia công, lắp dựng.

Cây cầu gỗ liêm tại Huế
Cầu gỗ lim có chiều dài 400m, rộng 4m kéo dài từ chân cầu Trường Tiền cho đến cầu Phú Xuân. (Ảnh: Visit Huế)
Quảng cáo

Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế thông tin thêm, cầu đi bộ bằng gỗ lim ở Huế được lát bởi 16.000 thanh gỗ, xác suất gỗ bị loại bỏ thay thế là 5% nên sẽ có các gỗ bị hư hỏng.

Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ thuộc nhóm tứ thiết đinh, lim, sến, táu. Người Việt quan niệm, gỗ lim quý, cứng, chắc, nặng, bền, không bị mối mọt, thường dùng trong kiến trúc (làm cột, kèo, xà và các bộ phận cấu trúc trong các công trình xây cất theo lối cổ), xây dựng công trình thủy lợi, cầu cống, đóng tàu thuyền, làm ván sàn, tà vẹt, đóng đồ trang trí trong gia đình. Gỗ không bị cong vênh, nứt nẻ, biến dạng do thời tiết nên rất được ưa chuộng trong làm cửa, lát sàn nhà, lát cầu thang, đồ gia dụng. Đặc biệt gỗ lim có những đường vân xoắn rất đẹp mắt.

Không những có vị trí đẹp mà thiết kế đơn sơ, mộc mạc cũng chính là điểm ấn tượng lớn nhất của cầu gỗ lim ở Huế. Hệ thống lan can của cây cầu được làm từ 4.100 thanh đồng với tông màu vàng kim, tổng cân nặng lên đến 7 tấn. Chúng đều được nhập khẩu hoàn toàn từ Hàn Quốc.

Cây cầu gỗ liêm tại Huế
Không những có vị trí đẹp mà thiết kế đơn sơ, mộc mạc cũng chính là điểm ấn tượng lớn nhất của cầu gỗ lim ở Huế. (Ảnh: Du lịch Huế)

Theo trang Khoa học & Đời sống, trên cầu cũng được bố trí những hàng ghế ngồi cho du khách có thể dừng chân hóng mát, nghỉ ngơi ngắm cảnh sông Hương. Ngoài ra, cây cầu cũng được trang trí bằng những bồn hoa để không gian thêm phần đẹp mắt.

Cầu còn được lắp đặt hệ thống điện và đèn chiếu sáng chống nước nên dù có bị ngập sâu trong nước 4 m thì cây cầu vẫn sẽ đảm bảo hoạt động bình thường.

Việc lựa chọn gỗ lim vừa cứng, bền, đẹp lại thân thiện với môi trường cùng với dãy lan can bằng đồng đã tạo nên sự độc đáo cho cây cầu.

Ngày nay, cùng với Đại Nội, chùa Thiên Mụ, cầu gỗ lim Huế đã trở thành một địa chỉ tham quan thú vị, hấp dẫn bên bờ sông Hương và đang dần trở thành biểu tượng "bạc tỷ" nổi bật của vùng đất cố đô thơ mộng này.

Nguồn cafef.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm