“Mường ” – tên gọi được định danh cho một xã hội thu nhỏ, xứ Mường (đất Hòa Bình) được biết đến với những Mường lớn như Bi – Vang – Thàng – Động, ở góc độ cá nhân, họa sĩ Vũ Đức Hiếu cũng có một “Mường ” của riêng mình, ấy là Hiếu Mường – cái tên gắn bó với anh từ những ngày đầu vỡ đất tạo nên Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (2007) trên đất Hòa Bình. Một Hiếu Mường với những lăn lộn nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa ở cả vật thể lẫn phi vật thể nơi xứ Mường, thế rồi vận vào đời thêm môn chơi mới, ấy là gốm, tính đến nay đã tròn 10 năm (kể từ 2014).
Ở góc độ lịch sử, người Mường không có nghề gốm, khi quyết định chơi với gốm, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chỉ lấy đó làm phương tiện, ngôn ngữ, để chuyển tải thẩm thấu qua bao năm gắn bó xứ Mường. Một dòng gốm quen quen – lạ lạ ra đời. Quen ở chất liệu đất nung, lạ ở kỹ pháp tạo hình, cách thể hiện tiệm cận với ngôn ngữ điêu khắc đương đại hơn là nghệ thuật làm gốm theo lối cổ. Vũ Đức Hiếu dễ dàng đem chất “Mường” ấy đi chơi xa hơn, vượt khỏi ranh giới xứ Mường theo những thăng hoa cùng gốm.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu trình làng loạt tác phẩm đồ sộ, ghi dấu mốc 10 năm gắn bó với gốm.
Một tạo hình mềm mại ở đường nét, vững chãi ở hình khối, đòi hỏi kỹ thuật thể hiện mang độ khó cao.
Hiếu Mường làm gốm, lấy luôn nguyên vật liệu từ địa phương, dùng những loại đất, đá, xương, tro, than, củi… cùng nhiều thể nghiệm thực tế tại lò gốm trong không gian Bảo tàng, để trình làng những tác phẩm gốm mang ngôn ngữ biểu hiện đặc biệt. Anh em trong nghề đã đưa ra nhiều nhận định tương đồng, ấy là gốm của Vũ Đức Hiếu rất… “Mường”. Tinh thần gốm của Hiếu là thứ sẵn có trong tâm thức người tác tạo, chỉ với phối trộn của chất đất, của kỹ thuật tạo hình, cùng niềm đam mê, tác phẩm cứ thế thành hình, nhân bản, sinh sôi.
Chi tiết trang trí trên gốm, không đặc tả rõ nét, chỉ gợi hình về thứ… chẳng là gì cả.
Sự hòa trộn chất đất khác nhau, tạo hiệu ứng bề mặt gốm khá thú vị.
Hỏi chuyện nghề, tác giả đưa ra lý giải: “Tôi đưa gốm thoát khỏi giới hạn của công năng sử dụng. Gốm đại diện cho vẻ đẹp bản địa, nhưng cũng không biểu hiện rõ nét, tả thực, mà chỉ gợi hình để chợt nhớ ra có thể đã gặp đâu đó trong đời sống. Nói gọn hơn, gốm của tôi có hình, nhưng chẳng tả cụ thể là hình gì, tùy cảm nhận, vốn sống và trải nghiệm từng người, sẽ thấy được cái họ muốn thấy”.
Nét Mường trong gốm của Vũ Đức Hiếu ẩn hiện thật tự nhiên, chân phương, gần gũi.
Sự thô mộc của gốm đất nung, cũng là giới hạn, định kiến mà bao dòng gốm cổ qua hàng thế kỷ, vẫn không tự giải phóng, đưa mình lên cảnh giới khác của nghề gốm. Hiếu Mường làm được phần việc nhọc nhằn ấy, những xù xì, nhám nhúa của chất đất, lại là chi tiết đắt giá tạo cảm giác gần gũi, thân quen. Vừa kịp quen, gợi hình tạo điểm nhấn cho gốm được người nghệ sĩ sử dụng đầy mạo hiểm, đáng kể chính là những chân trụ tí hon làm nhiệm vụ chịu lực, gây bao thắc mắc, đồng thời tạo cảm giác chuyển động linh hoạt chông chênh cùng gốm.
Tạo hình trên gốm của Vũ Đức Hiếu gợi về cái gì đó tuỳ cảm nhận mỗi người.
Cốt đất mộc tôn lên đường nét đậm ngôn ngữ điêu khắc, đẹp một vẻ giản đơn, thanh thoát.
Gốm của Hiếu Mường, không có chỗ cho sự lặp lại, mỗi hiện vật, như chuyển tải cả một miền văn hóa được khéo léo đan cài, ẩn hiện trước hình hài cụ thể của gốm. Nếu Mường là một xã hội thu nhỏ, nhìn lại những tác phẩm gốm của họa sĩ Vũ Đức Hiếu, đủ đại diện cho một “Mường ”, đó chính là “Mường gốm”, với ngôn ngữ, phong cách, cá tính đã thực sự định hình nên bản sắc riêng đậm chất nghệ sĩ, hiện đại và không thể nhầm lẫn. Giới hạn gốm đất nung bị phá vỡ, tạo nên không gian mới, ở đó gốm mộc đều có thẩm mỹ cao, giá trị vượt trội.
Gốm đất nung của Vũ Đức Hiếu đem lại một cảm nghiệm mới cả về chất liệu lẫn tạo hình, chất quen mà hình lạ.
Thực hiện: Nguyễn Đình
Xem thêm
Nghiêng theo Sắc – Ý – Hình của gốm
Hành trình đất nung và dấu ấn bản địa
Dấu ấn văn hóa trong kiến trúc đền thờ