Phòng thí nghiệm nghiên cứu 5G/6G Viettel-HUST bao gồm một hệ thống mạng viễn thông 5G Stand-alone (kiến trúc mạng 5G sử dụng đầy đủ các công nghệ lõi, không phụ thuộc 4G) hoàn chỉnh do Viettel nghiên cứu phát triển từ mạng lõi (xử lý dữ liệu) đến vô tuyến (kết nối với thiết bị đầu cuối).
Các nhóm nghiên cứu HUST sẽ sử dụng phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu các công nghệ lõi của kết nối không dây thế hệ mới như beamforming (định hướng tín hiệu vô tuyến, giúp cải thiện hiệu suất truyền dẫn với thiết bị đầu cuối), network slicing (phân chia mạng, chia mạng vật lý thành các mạng riêng biệt để đáp ứng các nhu cầu khác nhau), uRRLC (kết nối siêu chính xác ở độ trễ siêu thấp, truyền tải dữ liệu gần như không có lỗi ở độ trễ mili giây).
Đây là các công nghệ phục vụ các ứng dụng của 5G như công nghiệp tự động hoá, điều khiển tự động, xe tự lái, phẫu thuật y tế từ xa.
Tại sự kiện, Viettel còn trao 09 Học bổng cao học phát triển tài năng nghiên cứu (Viettel Research Excellence Scholarship - VES). Đây là chương trình học bổng dành cho các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên Viettel phối hợp triển khai. Năm 2023, Tập đoàn đã trao 08 suất học bổng cho các học viên Thạc sỹ Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Các khoản tài trợ thể hiện cam kết của Viettel trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa viện trường và doanh nghiệp để tạo động lực phát triển khoa học công nghệ. Đến nay, Viettel và Đại học Bách Khoa Hà Nội đã hợp tác nghiên cứu và công bố 25 báo cáo khoa học.
PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Đại học Bách Khoa Hà Nội và Viettel đã có những hợp tác bền bỉ, đem lại nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua. Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của phòng thí nghiệm cũng như quan hệ hợp tác nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu với Viettel để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu có ý nghĩa lớn, đóng góp vào các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng với sự phát triển đất nước”.
Thượng tá Cao Anh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định “Viettel nhận thức rất rõ về việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Là một Tập đoàn công nghệ, chúng tôi hiểu rằng cần phải mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu chuyên sâu, để từ những nghiên cứu đó tạo thành những sản phẩm đóng góp cho xã hội”.
Mạnh HùngPhòng thí nghiệm sử dụng toàn bộ hệ thống mạng viễn thông 5G Stand-alone do Viettel nghiên cứu phát triển từ lớp lõi đến lớp truy cập vô tuyến: 01 hệ thống mạng lõi 5G Core SA và phụ kiện, dung lượng tối đa 1000 thuê bao đáp ứng chuẩn 5G 3GPP Release 17 hỗ trợ các dịch vụ eMBB; 01 thiết bị truyền dẫn Site Router 100Gbps và phụ kiện; 02 trạm thu phát sóng 5G gNodeB 4T4R 4x10W @2600Mhz: 512UE attach; 1.7GbpsDL/150Mbps UL đáp ứng theo chuẩn 5G 3GPP Release 16 hỗ trợ các dịch vụ eMBB.