Trong danh sách những nghệ sĩ và nhà thiết kế hiện thực hóa Wabi-sabi – triết lý Nhật Bản về vẻ đẹp của sự không hoàn hảo – không thể không nhắc đến Axel Vervoordt, một huyền thoại sống của làng thiết kế nội thất thế giới. Với tư tưởng tối giản và vượt thời gian, Axel đã đạt được một mục tiêu hiếm có trong bất kỳ ngành nào: phát minh ra một phong cách. Suốt hơn sáu thập kỷ, ông đã xây dựng một đế chế thiết kế nội thất mang dấu ấn cá nhân, được săn đón bởi danh sách sách dài những khách hàng, từ các nhà tài phiệt, ngôi sao Hollywood đến những nghệ sĩ nổi tiếng. Ngoài là một nhà thiết kế, Axel cũng là người bảo trợ nghệ thuật, một chuyên gia giám tuyển cổ vật, tác giả của một số cuốn sách bán chạy và người sở hữu bộ sưu tập bất động sản đáng kinh ngạc.
Chân dung nhà thiết kế Axel Vervoordt. Ảnh: The TwentyFour Six.
Câu chuyện về một phong cách
Sinh ngày 29 tháng 6 năm 1947 tại Antwerp, Axel Vervoordt lớn lên trong một gia đình có nền tảng học thức và tình yêu nghệ thuật sâu sắc. Sự nhạy bén trong kinh doanh của ông đã được thể hiện từ khi mới là một thiếu niên. Năm 14 tuổi, Axel bắt đầu mua bán những món đồ cổ mà ông tìm thấy khi ở cùng gia đình tại Anh trong kỳ nghỉ học. Đôi mắt nhạy bén của ông trong việc nhận ra “những viên kim cương thô” – chủ yếu từ đồ bạc, tranh cổ, đồ nội thất Trung Quốc, được thừa hưởng một phần từ mẹ, một người phụ nữ tinh tế và luôn truyền cảm hứng về nghệ thuật trong việc cải tạo những bất động sản cho nghệ sĩ thuê mướn. Ở tuổi 21, Axel đã đưa ra một quyết định táo bạo làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình: mua lại và phục hồi toàn bộ dãy nhà thế kỷ 16 trên một con hẻm thời trung cổ ở Antwerp có tên là Vlaeykensgang. Bất chấp những thách thức tài chính và quy mô của dự án, tình yêu dành cho kiến trúc lịch sử đã giúp ông hạ quyết tâm sở hữu nhiều bất động sản, biến nó thành một biểu tượng của sự dung hoà giữa quá khứ và hiện đại. Đây cũng chính là bệ phóng cho sự nghiệp lừng lẫy của Axel, nơi ông bắt đầu phục vụ một nhóm khách hàng tinh hoa, từ việc phục chế đến thiết kế nội thất.
Khoảng 16 tuổi, ông đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của chiếc rương sắt thế kỷ 16 và quyết định mua lại. Ảnh: Axel Vervoordt.
Dãy nhà thời trung cổ tại hẻm Vlaeykensgang chỉ được bán toàn bộ, khiến Axel hạ quyết tâm mua cả con phố dù ban đầu chỉ định sở hữu hai căn. Ảnh: Axel Vervoordt.
Năm 1969, ông sáng lập công ty mang tên mình tại Antwerp – một trung tâm nghệ thuật và thiết kế danh tiếng. Họ đã đạt được điều gần như không thể: phát minh ra một phong cách mới. Công ty nhanh chóng trở thành biểu tượng toàn cầu nhờ những thiết kế độc đáo kết hợp giữa lịch sử và đương đại, phương Đông và phương Tây, cùng những triết lý vượt thời gian. Axel có một sự say mê nhất định đối với cổ vật thời Trung cổ, Phục hưng và Baroque. Sau này, nhờ những chuyến công tác khắp Thái Lan, Campuchia và Nhật Bản, ông đã thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Châu Á và Viễn Đông, thêm vào sự ngưỡng mộ đối với các triết lý và nghệ thuật phương Đông. Khách hàng ban đầu bị thu hút bởi những món đồ cổ mà Axel tuyển chọn, nhưng càng về sau, họ dần đắm chìm trong toàn bộ triết lý sống mà ông kiến tạo – một sự kết hợp giữa nghệ thuật, thiết kế và ý niệm hạnh phúc vượt ngoài khuôn khổ thông thường.
Nội thất tinh tế của Axel mang hơi thở của sự điềm tĩnh Đông phương. Ông đã biến một doanh trại quân đội thế kỷ 17 gần Bruges, Bỉ thành một ngôi nhà tối giản. Ảnh: Laziz Hamani.
Những chiếc ghế sofa và ghế ăn đơn giản nhưng tinh tế được thiết kế bởi Axel, phủ bằng vải lanh đơn sắc, mang dấu ấn mộc mạc vào toàn bộ căn phòng. Ảnh: Laziz Hamani.
Phòng ăn trong một dinh thự ở Antwerp, với một bức tranh tĩnh vật của họa sĩ Flemish và Hà Lan thời kỳ hoàng kim Clara Peeters. Ảnh: Mous Lamrabat.
Gác xép trong các tòa nhà tại ‘s-Gravenwezel. Trên bàn đá phiến là Signal, một tác phẩm điêu khắc bằng sắt của Takis (1958). Ảnh: Mous Lamrabat.
Ngày nay, trong các dự án của mình, Axel Vervoordt lan tỏa triết lý Wabi-sabi – rằng mọi tiêu chuẩn về cái đẹp thực sự là không hoàn hảo, không trọn vẹn và không ổn định – tựa như bản chất phù du của chính cuộc sống. Ông nhận ra tầm quan trọng từ vẻ đẹp của sự bất toàn khi nó toát lên nét khiêm nhường, kín đáo, gần gũi với đất mẹ nhưng cũng mang đến một hồn thể vẹn toàn. Quan điểm này được phản ánh trong tình yêu của ông dành cho những nội thất mộc mạc như đá, gỗ, và vải tự nhiên, đôi khi thoạt nhìn thô kệch, chẳng hạn như chiếc bàn thô của người chăn cừu hoặc bát trà raku. Với Axel, cách duy nhất để sáng tạo là giữ cho tâm trí luôn cởi mở. Điều này có nghĩa là chúng ta cần nhận thức mọi thứ bằng một đôi mắt tỉnh thức và trái tim nhạy cảm. Không có gì thật sự xấu xí nếu ngắm nhìn đủ kỹ. Ông có thể ngẫu hứng kết hợp đồ nội thất mộc mạc với không gian phong cách baroque hoặc tác phẩm điêu khắc cổ với tranh hiện đại. Với một số người, sự kết hợp trong chất liệu và phong cách của ông có vẻ trái ngược nhau, nhưng Axel tin rằng chân mỹ có thể ẩn chứa trong vẻ nghịch lý và sự mơ hồ. Tư tưởng độc đáo này đã trở thành một phong cách nội thất đặc trưng, được săn đón và truyền cảm hứng rộng rãi.
Axel tìm thấy một viên đá thú vị khi đi dạo ở công viên gần nhà. Viên đá được tạo hình bởi thiên nhiên và điêu khắc theo thời gian, là sự kết hợp độc đáo của nhiều triết lý: wabi-sabi, vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, và Artempo, nghệ thuật được tạo ra theo thời gian. Ảnh: The TwentyFour Six.
Triển lãm Artempo: Where Time Becomes Art, được Axel tổ chức và giám tuyển tại Palazzo Fortuny, 2007. Ảnh: Jean-Pierre Gabriel.
Những dấu mốc trên con đường trở thành huyền thoại
Có lẽ dự án thiết kế nổi tiếng và gây tranh cãi nhất của Axel Vervoordt là khi ông giúp cặp đôi Kim Kardashian và ông trùm nhạc hip-hop Kanye West thiết kế nơi cư trú tối giản ở Los Angeles vào năm 2020. Ngôi nhà được ví như một “tu viện hiện đại”, gợi lên cảm giác tĩnh lặng và thuần khiết với bảng màu trung tính, không gian rộng lớn vắng bóng hoàn toàn các yếu tố trang trí thông thường. Vẻ tối giản cực đoan này đã tạo ra một nghịch lý thú vị: nơi trú ẩn yên bình này lại là tổ ấm của cặp đôi nổi tiếng với lối sống xa hoa. Trong khi một số người ca ngợi thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật tiên phong, thì số khác lại phê phán rằng nó lạnh lẽo và thiếu tính thực tiễn, đặc biệt đối với một gia đình có con nhỏ. Dù gây tranh cãi, ngôi nhà đã khẳng định sự táo bạo và tầm ảnh hưởng của Axel Vervoordt trong việc phá vỡ khuôn khổ thiết kế truyền thống.
Ngôi nhà được thiết kế với bảng màu trung tính, các bề mặt sạch trơn, và không gian trống rộng lớn, tạo cảm giác gần như trừu tượng. Ảnh: Jackie Nickerson.
Nơi ở của ông tại một khu điền trang tư nhân tại Bỉ trông hệt như một tòa lâu đài, cũng được nhiều người ngưỡng mộ như hiện thân của thẩm mỹ Axel Vervoordt, bằng chứng về sự nhạy cảm vượt thời gian. Axel tự coi mình là người chăm sóc hạnh phúc cho lâu đài thế kỷ 12 này, cẩn thận trùng tu với lòng tôn trọng tuyệt đối bối cảnh lịch sử. Thật dễ hiểu tại sao nơi này lại thu hút nhiều khách hàng cũ của Axel tìm đến để dành một hoặc hai ngày lang thang và chiêm ngưỡng bộ sưu tập nghệ thuật và đồ cổ đồ sộ của ông. Theo một cách nào đó, lâu đài này chính là ví dụ hoàn hảo về cách ông lấy cái cũ và biến nó trở nên phù hợp với nhu cầu đương đại. Không gian trong thiết kế của ông vượt ra ngoài nơi trú ẩn, thậm chí vượt ra ngoài sự thể hiện bản thân để trở thành nơi kết nối bản thân với thiên nhiên, văn hóa và lịch sử. Thay vì phô trương một cách thừa mứa, mỗi yếu tố nội thất đều có ý nghĩa và mục đích rõ ràng, tập trung hướng đến sự thoải mái và an yên trong tâm hồn.
Năm 1984, Vervoordt đã mua lại lâu đài trung cổ Kasteel van ‘s-Gravenwezel và chuyển gia đình mình đến đó. Khu dinh thự được bao quanh bởi những bãi cỏ và vườn cây ăn quả rộng lớn. Ảnh: Mariluz Vidal.
Sảnh vào của lâu đài, được trang trí ấn tượng bởi bức tranh chân dung chú ngựa Raio mà Axel thường cưỡi, được vẽ bởi nghệ sĩ người Bỉ Michaël Borremans. Ảnh: Laziz Hamani.
Vervoordt trong phòng ăn, với tủ góc được sơn bởi nhà thiết kế người Huguenot Daniel Marot và đồ sứ Ming được cứu từ một vụ đắm tàu. Ảnh: Mous Lamrabat.
Axel Vervoordt tại căn phòng yêu thích Old Orangery, bên chiếc bàn được ông thiết kế từ một mảnh gỗ cũ. Bức tranh treo phía trên ghế sofa là tác phẩm của nghệ sĩ thuộc phong trào Gutai Nhật Bản, Norio Imai. Ảnh: Mous Lamrabat.
Với danh sách khách hàng dài và đa dạng như sự nghiệp của mình, không lấy làm ngạc nhiên khi Axel Vervoordt là một trong những nhà thiết kế được săn đón nhiều nhất trong giới tinh hoa, bao gồm hoàng gia, tài phiệt, và nghệ sĩ, như Bill Gates, Ellen DeGeneres, Kanye West và Kim Kardashian, Sting, Calvin Klein, Robert De Niro… Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là những thành tựu ấn tượng ấy chưa bao giờ là mục tiêu trọng tâm của ông. Suốt hơn nửa thế kỷ sự nghiệp, điều ông thực sự theo đuổi là hạnh phúc, cho bản thân và cho những người ông phục vụ qua các không gian sống mà ông kiến tạo. Câu châm ngôn yêu thích của ông, “Être heureux en rendant heureux” (tạm dịch: Hãy hạnh phúc trong khi tạo ra hạnh phúc) – chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp, phản ánh triết lý sống hòa quyện với nghệ thuật và nhân văn của một nhà thiết kế vĩ đại.
Thực hiện: Hagomani
Xem thêm:
Andrea Mancuso – Xóa nhòa ranh giới điêu khắc & thiết kế
Joseph Rykwert: Người viết lại trang sử kiến trúc
Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright và những công trình kinh điển