Khảm mosaic là một hình thức trang trí được thực hiện bằng cách ghép nhiều mảnh vật liệu nhỏ thành những bức tranh, hình minh hoạ đa dạng chủ đề. Loại hình nghệ thuật này có lịch sử phát triển lâu đời, nở rộ nhất vào thời kỳ Kitô giáo với độ tinh xảo cao và cầu kì, được ứng dụng trong trang trí kiến trúc. Qua nhiều thế kỷ, tuy không còn được ưa chuộng như các thời kỳ trước, nhưng nét đẹp đặc trưng của tranh khảm vẫn luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thiết kế nội thất và được ứng dụng trong không gian hiện đại.
Bức tranh khảm “The good Shepherd” trong lăng mộ Galla Placidia, Ravenna (Ý). Ảnh: Tư liệu
Những dấu tích đầu tiên của tranh khảm được tìm thấy tại một ngôi đền ở vùng Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ 3 TCN với các bức tranh và hoạ tiết đơn giản được ghép từ nhiều mảnh đá. Các tác phẩm mosaic cổ đại thường sử dụng những vật liệu dễ tìm như đá, vỏ sò hoặc ngà voi. Tranh khảm dần được lan rộng đến các nước châu Âu và trở nên phổ biến nhất vào thời kỳ La Mã và Hy Lạp cổ đại. Các kiến trúc sư trang trí công trình bằng những bức tranh với kích thước lớn với độ chi tiết và tinh xảo ngày càng cao. Tại mỗi quốc gia khác nhau, mosaic được sử dụng với nhiều mục đích và chế tác với đa dạng phong cách, vật liệu và màu sắc, biến nó thành một trào lưu nghệ thuật nổi bật của thời kỳ cổ đại.
Tranh khảm miêu tả chúa Kitô Pantocrator trong vương cung thánh đường Hagia Sophia với cách sắp xếp các loại đá với nhiều màu sắc khác nhau để tạo nên chiều sâu và các khối cơ mặt sinh động. Ảnh: Tư liệu
Tại Hy Lạp và La Mã cổ đại, nghệ thuật mosaic phát triển và nở rộ với các kỹ thuật khảm mới giúp mở rộng, làm đa dạng phong cách thực hiện để cho ra những tác phẩm đồ sộ độc đáo. Người La Mã thường dùng tranh khảm để trang trí trên tường của các biệt thự hoặc công trình công cộng theo các chủ đề về thần thoại, khung cảnh sinh hoạt, nông nghiệp, câu cá hoặc săn bắt cùng chó săn…
Bức tranh khảm nhân mã dũng mãnh được tìm thấy tại biệt thự Hadrian của hoàng Đế La Mã gần Tivoli, Ý. Tranh vẽ là sự sắp đặt các phiến đá tạo không gian và chiều sâu giúp khung cảnh trở nên sống động và kịch tính. Ảnh: Tư liệu
Khung cảnh miêu tả việc vận chuyển các chiến lợi phẩm thu được sau một chuyến đi săn thành công. Đây là một trong các bức tranh khảm khổng lồ tại biệt thự Villa Romana del Casale, được xem là kho tàng tranh khảm khổng lồ của thế giới và được UNESCO bảo vệ như một Di sản của thế giới. Ảnh: Tư liệu
Với sự phát triển mạnh mẽ của Kitô giáo, tranh khảm được ứng dụng nhiều vào trang trí kiến trúc và nội thất của các công trình tín ngưỡng. Các bức tranh khảm khổng lồ được sử dụng để tô điểm trần và sàn nhà tại các vương cung thánh đường và nhà thờ. Đề tài khai thác mang đậm tính tôn giáo với các khung cảnh và nhân vật được minh hoạ từ Kinh thánh. Ngoài ra, các vật liệu dùng để khảm có giá trị cao, bao gồm vàng và đá quý nhằm thể hiện lòng thành kính với đức tin và tạo dựng niềm tin cho các tín đồ.
Bức tranh minh họa thánh Thánh Pudentiana tại nhà thờ Santa Pudenziana với các chi tiết tinh xảo và lấp lánh bởi các phiến vàng nhấn nhá tạo nên sự lộng lẫy cho tổng thể bức khảm. Ảnh: Tư liệu
Ở Ý, đảo Sicily và thành phố Venice dưới sức ảnh hưởng của nghệ thuật phương Đông, trở thành nơi đẩy mạnh các tạo tác của nghệ thuật mosaic. Phong cách khảm của các nghệ nhân tại đây mang các đặc điểm và hơi hướng của nghệ thuật Tây Âu và Hồi Giáo. Tiêu biểu nhất là các bức khảm mạ vàng tinh xảo phủ lên hầu hết nội thất bên trong nhà thờ Thánh Basilica. Các bức khảm lâu đời nhất được thực hiện bởi một nghệ nhân Hy Lạp vào cuối thế kỷ 11 và phần lớn các bức còn lại được hoàn thiện bởi dân địa phương từ thế kỷ 12 đến 13. Đa phần nội dung của tranh dựa vào các cảnh trong tác phẩm “Cottone Genesis”, một bản thảo viết tay với các hình minh hoạ chi tiết của Sách Sáng Thế.
Mái vòm bên trong nhà thờ Basilica với hàng loạt các bức khảm cùng sắc vàng lộng lẫy, tạo nên một không gian uy nghi, đồ sộ. Ảnh: Tư liệu
Bức khảm miêu tả khung cảnh Cuộc khổ nạn trong vườn Gethsemane, một trong những phân cảnh miêu tả cuộc đời của chúa Giêsu. Ảnh: Tư liệu
Tranh khảm dần mất đi sức hút qua thời kỳ Phục Hưng, nhưng các tác động mạnh mẽ của nó trong trang trí kiến trúc ở các thời kỳ trước đã trở thành những nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ hiện đại ứng dụng vào các thiết kế, chẳng hạn như kiến trúc sư người Tây Ban Nha nổi tiếng Antoni Gaudi đã thực hiện các chế tác tranh khảm tại Parc Güell, hệ thống công viên công cộng nổi tiếng ở Barcelona. Các bức khảm muôn màu trên bức tường với đa dạng vật liệu, hoa văn và màu sắc tạo nên điểm nhấn thú vị cho không gian ngoài trời, thu hút sự tò mò của các du khách nước ngoài.
Các tường chắn được phủ lên các bức khảm đầy sắc màu và hoạ tiết. Ảnh: Casa Batlló
Tượng khảm kỳ giông nổi tiếng tại công viên với đa dạng màu sắc khác nhau cùng tạo hình vui nhộn. Ảnh: Tư liệu
Với cách làm không quá khó, tranh khảm có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai mong muốn trải nghiệm loại hình nghệ thuật thú vị này. Do đó, tranh khảm dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây với sự xuất hiện các làn sóng những xu hướng DIY hay Y2K. Vật liệu để làm nên các bức tranh khảm cũng được mở rộng với đa dạng các sự lựa chọn hơn, từ đá, gốm sứ, vỏ sò, mảnh thuỷ tinh đục, hạt cườm, mảnh gương… đến các vật liệu tái chế như nắp chai, nắp lon nước… với nhiều màu sắc và hoa văn sặc sỡ. Ngoài ra, người ta còn sử dụng kĩ thuật này để trang trí đồ dùng trong nhà như bàn, đèn để bàn, thảm lót,… giúp không gian sống trở nên sinh động và có điểm nhấn.
Tạo các bề mặt lối đi cho sân vườn, giúp tăng sự sinh động hơn cho không gian ngoài trời. Ảnh: Midwest Living
Trang trí đèn với các mảnh kính với đa dạng màu sắc và hình dạng. Ảnh: Vickie’s gift
Thực hiện: Quychibeo
Xem thêm
Tranh kính, những sắc màu huyền diệu
Gạch lát Majolica – Tinh hoa gốm sứ Tây Âu
Tầng lớp tinh hoa văn hoá ‘khảm’ trên những mảng gạch Mosaic tuyệt đẹp của Morocco