Du lịch Trung Quốc: 58 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (phần 6)
Du lịch Trung Quốc: 58 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (phần 6)
Một trong những đặc điểm nổi tiếng của du lịch Trung Quốc thu hút du khách trên thế giới phải kể đến là số lượng Di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm cả Di sản thiên nhiên và Di sản văn hóa. Trung Quốc hiện tại còn đang là quốc gia có số lượng Di sản đứng đầu thế giới với 58 di sản. Cùng điểm qua 58 Di sản thế giới tại Trung Quốc ngay sau đây.
43. Tây Hồ
Tây Hồ là một hồ nước ngọt nổi tiếng nằm về phía tây thành phố Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang. Diện tích của khu vực hồ khoảng 6,3 km², trong đó phần diện tích chứa nước khoảng 5,66 km². Hồ được chia ra 3 phần bởi ba con đê ngăn là đê Tô, đê Bạch, và đê Dương Công.
Trong hồ có 1 ngọn núi thấp gọi là Cô Sơn chiếm diện tích khoảng 200.000 m² và 3 đảo là Hồ Tâm Đình, Tiểu Doanh Châu, Nguyễn Công Đôn. Cảnh quan văn hóa Tây Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2011 và được UNESCO miêu tả là có “ảnh hưởng tới việc thiết kế vườn ở phần còn lại của Trung Quốc cũng như ở Nhật Bản và Triều Tiên trong nhiều thế kỷ.”
44. Di tích Thượng Đô
Thượng Đô ngày nay là một di tích nằm tại thị trấn Thượng Đô, Chính Lam, Nội Mông. Thượng Đô từng là thủ đô dưới chế độ cai trị của hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt thời nhà Nguyên ở Trung Quốc, trước khi dời đô về Trung Đô. Sau đó nó trở thành thủ đô mùa hè, nằm ở Chính Lam, Nội Mông.
Bố trí của thành phố gần như là hình vuông với cạnh khoảng 2.200 mét. Nó bao gồm khu ngoại thành và một khu nội thành nằm ở phía đông nam. Khu nội thành cũng được bố trí như một hình vuông với cạnh là 1.400 mét, là nơi có cung điện của hoàng đế, nơi Hốt Tất Liệt cư trú vào mùa hè.
Ngày nay, Thượng Đô chỉ còn là một tàn tích được bao quanh bởi một gò phủ đầy cỏ trước đây là bức tường thành phố. Từ năm 2002, những nỗ lực để phục hồi di tích này đã được thực hiện. Tháng 6 năm 2012, Thượng Đô đã trở thành Di sản văn hóa thế giới của UNESCO.
45. Trừng Giang Thị
Trừng Giang là một thành phố cấp huyện thuộc tỉnh Vân Nam. Thành phố này có diện tích 773 km², dân số năm 2000 là 150.000 người. Trừng Giang nổi tiếng với những hóa thạch kỷ Cambri, giữa 525 và 520 triệu năm trước, được coi là một trong những khu vực hóa thạch quan trọng nhất tìm thấy trong thế kỷ 20.
Không chỉ ẩn chứa một mức độ tinh tế của các hóa thạch, chúng cũng bao gồm một phạm vi đa dạng về động thực vật, và có ý nghĩa to lớn trong nỗ lực để tìm hiểu về sự tiến hóa của sự sống trên Trái Đất. Trừng Giang thị đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2012.
46. Tân Cương Thiên Sơn
Thiên Sơn còn được gọi là “Tengri Tagh”, là một hệ thống các dãy núi nằm ở khu vực Trung Á, về phía bắc và phía tây của sa mạc Taklamakan trong khu vực biên giới của Kazakhstan, Kyrgyzstan và khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc. Đỉnh cao nhất của Thiên Sơn là Jengish Chokusu cao 7.439m, trong khi điểm thấp nhất là hố sụt Turpan sâu 154m.
Năm 2013, tại hội nghị thường niên của Ủy ban Di sản thế giới, phần phía đông của dãy Thiên Sơn thuộc Tân Cương, Trung Quốc đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với tên gọi “Tân Cương Thiên Sơn”. Tây Thiên Sơn thuộc các quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, sau đó cũng đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới vào năm 2016.
47. Ruộng bậc thang của người Hà Nhì tại Hồng Hà
Nằm ở châu tự trị Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, đây là khu vực có lịch sử lên tới 1.200 năm. Trong 1.300 năm qua, người Hà Nhì đã phát triển một hệ thống phức tạp các kênh để đưa nước từ đỉnh núi vào các ruộng bậc thang. Họ sống trong 82 ngôi làng nằm giữa núi rừng và ruộng bậc thang trông như một bức tranh đầy màu sắc.
Ruộng bậc thang là cảnh quan văn hóa vô cùng ngoạn mục tại các sườn núi dốc của Ai Lao Sơn cao chót vót và của vực sâu hiểm trở bên sông Hồng. Vùng trung tâm của ruộng bậc thang nằm ở Nguyên Dương. Khu vực này có 1.000.000 ha và khu vực được công nhận là Di sản văn hóa thế giới của UNESCO năm 2013 có diện tích 16.603 ha.
48. Con đường tơ lụa: mạng đường Trường An – hành lang Thiên Sơn
“Con đường tơ lụa: mạng đường Trường An – hành lang Thiên Sơn” gồm các mạng đường hành lang kéo dài khắp các tỉnh Hà Nam, Thiểm Tây, Cam Túc, Tân Cương của Trung Quốc; Zhambyl và Almaty của Kazakhstan; và Chuy tại Kyrgyzstan với tổng cộng bao gồm 33 địa điểm, khu khảo cổ, phế tích mới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2014.
Trong số 33 địa điểm thì có 22 địa điểm ở Trung Quốc, 8 địa điểm ở Kazakhstan và 3 địa điểm ở Kyrgyzstan. Thành phần của con đường tơ lụa là các thành phố thủ đô, cung điện, khu định cư, thương mại, đền thờ Phật giáo trong hang động, công trình tôn giáo, con đường cổ xưa, tháp đèn hiệu, dịch quán, hầm mộ, công sự và các phần của Vạn Lý Trường Thành.
Giá trị lớn nhất của con đường tơ lụa là trao đổi văn hóa và tôn giáo. Trong suốt hơn 1.500 năm chiều dài lịch sử, con đường tơ lụa vĩ đại là tuyến đường thông thương quan trọng nhất của nhân loại thời cổ đại. Nhờ có nó mà hai nền văn minh Đông, Tây đã được kết nối và phát triển rực rỡ, để lại rất nhiều thành tựu, công trình kiến trúc, di sản văn hóa cho chúng ta chiêm ngưỡng ngày hôm nay.
Tham khảo bài viết chi tiết: Du lịch Trung Quốc: Khám phá “Di sản thế giới” – con đường tơ lụa
49. Đại Vân Hà
Đại Vân Hà là một con kênh đào cổ đại có từ cuối thời kỳ Xuân Thu (722-481 TCN) và được xem là một trong những con kênh đào cổ đại nhất trên thế giới và được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2014. Đoạn kênh đào đầu tiên nằm gần Dương Châu, Giang Tô để dẫn nước của sông Dương Tử (Trường Giang) về phía bắc nối vào sông Hoài.
Tổng chiều dài của hệ thống kênh đào này vào thời kỳ đó là khoảng 2.500 km. Toàn bộ kênh đào này đã được hoàng đế Minh Thành Tổ cho cải tạo vào khoảng những năm 1411 tới 1415. Trong khoảng 400 năm kế tiếp, nó đã được duy trì khá tốt như là huyết mạch chính để vận chuyển lương thực từ lưu vực sông Dương Tử tới Bắc Kinh.
50. Các di chỉ Thổ Ty
Các di chỉ Thổ Ty là vùng đất của một hệ thống chính trị cổ đại, cai trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thông qua bởi các hoàng đế Trung Quốc ở khu vực Tây Nam và Nam Hoa Trung. Đứng đầu mỗi Thổ Ty là một nhà lãnh đạo bộ tộc được phong quan chức bởi hoàng gia Trung Quốc cổ đại. Hệ thống này đã được sử dụng trong 1000 năm. Các di chỉ Thổ Ty bao gồm nhiều các địa điểm Thổ Ty cổ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2015.