Du lịch Trung Quốc: 58 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (phần 5)
Du lịch Trung Quốc: 58 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (phần 5)
Một trong những đặc điểm nổi tiếng của du lịch Trung Quốc thu hút du khách trên thế giới phải kể đến là số lượng Di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm cả Di sản thiên nhiên và Di sản văn hóa. Trung Quốc hiện tại còn đang là quốc gia có số lượng Di sản đứng đầu thế giới với 58 di sản. Cùng điểm qua 58 Di sản thế giới tại Trung Quốc ngay sau đây.
35. Địa điểm khảo cổ Ân Khư
Địa điểm khảo cổ Ân Khư nằm tại phía bắc tỉnh Hà Nam, gần với ranh giới của tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây. Ân Khư đại diện cho thành phố cổ, kinh đô cuối cùng của nhà Thương tồn tại qua 8 thế hệ trong 255 năm với 12 đời Vua. Đây cũng là nguồn gốc của khám phá khảo cổ về giáp cốt và giáp cốt văn, từ đó xác định được chữ viết sớm nhất của Trung Quốc. Ân Khư hiện là một trong những địa điểm khảo cổ lâu đời và lớn bậc nhất của Trung Quốc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2006.
36. Karst Nam Trung Quốc
Karst Nam Trung Quốc nằm trải dài ở các tỉnh phía nam của Trung Quốc gồm Trùng Khánh, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam. Khu vực này nổi tiếng về Karst đá vôi, là danh lam thắng cảnh và khu vực đa dạng sinh học, bao gồm 7 cụm là Karst Lệ Ba, Thạch Lâm, Karst Vũ Long, Karst Thi Bỉnh, Karst Quế Lâm, Karst Kim Phật Sơn và Karst Hoàn Giang. Nơi đây đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2007 và được UNESCO mô tả là “vô song về sự đa dạng các tính năng cảnh quan núi đá vôi”.
37. Khai Bình Điêu Lâu
Khai Bình Điêu Lâu là các tháp bảo vệ nhiều tầng được xây dựng bằng bê tông cốt thép ở các thôn làng nằm chủ yếu tại huyện Khai Bình, Giang Môn, tỉnh Quảng Đông bao gồm 4 khu vực làng riêng biệt là Tam Môn Lý, Lâu Quần Thôn, Cẩm Giang Lý và cụm làng Mã Giáng Long.
Các tháp này vừa đảm nhiệm chức năng quan sát và canh phòng, vừa có thể được sử dụng làm nơi ở cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình giàu có. Hiện nay còn khoảng 1.800 điêu lâu tồn tại ở Khai Bình, các công trình này cùng tổ hợp làng mạc lân cận đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2007.
38. Phúc Kiến Thổ Lâu
Phúc Kiến Thổ Lâu là các nhà ở xây bằng đất nện của người Khách Gia ở vùng núi phía đông nam tỉnh Phúc Kiến. Một thổ lâu là một cấu trúc lớn bằng đất, có hình dạng phổ biến là tròn hoặc chữ nhật, với những bức tường có độ dày rất lớn cao từ ba đến năm tầng và bên trên cùng lợp ngói.
Hầu hết các thổ lâu này được xây dựng từ thế kỷ 12 đến 20. Một thổ lâu có sức chứa có thể lên tới 800 người. Bên trong là những sảnh, nhà kho, giếng và khu vực sinh hoạt, toàn bộ cấu trúc giống như một thành phố pháo đài nhỏ. Tổng cộng có 46 thổ lâu ở Phúc Kiến đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 7 năm 2008.
39. Tam Thanh Sơn
Tam Thanh Sơn là một ngọn núi Đạo giáo linh thiêng với cảnh quan nổi bật nằm về phía Bắc huyện Ngọc Sơn thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ngọn núi này là nơi ở của 2.300 loài thực vật, 400 loài động vật không xương sống và là một danh thắng quốc gia tại Trung Quốc.
Cái tên “Tam Thanh” được bắt nguồn từ Tam Thanh của Đạo giáo là Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thái Thanh Thái Thượng Lão Quân và Thượng Thanh Linh Bảo Đại Pháp Sư. Nơi đây đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2008.
40. Ngũ Đài Sơn
Ngũ Đài Sơn là một trong “tứ đại Phật giáo danh sơn” tại Trung Quốc. Nằm ở địa phận huyện Ngũ Đài, tỉnh Tây Sơn, nơi đây có nhiều chùa chiền, tự viện quan trọng bậc nhất Trung Quốc. Khu di sản văn hóa Ngũ Đài Sơn bao gồm 53 chùa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2009.
Ngũ Đài Sơn gắn liền với Văn Thù Bồ Tát. Ngũ Đài cũng có quan hệ lâu dài với Phật giáo Tây Tạng. Người ta tin rằng bồ tát Văn Thù thường hiển linh trên núi này dưới dạng của những người hành hương hay nhà sư bình thường hoặc hay xuất hiện dưới dạng các đám mây ngũ sắc bất thường.
41. Quần thể kiến trúc lịch sử “Thiên Địa Chi Trung” Đăng Phong
Đăng Phong nằm tại chân núi phía nam Tung Sơn, một trong những ngọn núi linh thiêng nhất Trung Quốc. Thành phố này cũng là một trong những nơi trung tâm tâm linh linh thiêng nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc với nhiều di tích văn hóa, đền chùa và tổ chức tôn giáo bao gồm: đền thờ Đạo giáo Tung Nhạc hay chùa Phật giáo Thiếu Lâm hay học viện Khổng giáo Tung Dương, đồng thời cũng là quê hương của võ thuật Thiếu Lâm nổi tiếng. Đăng Phong đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2009.
42. Trung Quốc Đan Hà
Trung Quốc Đan Hà hay địa mạo Đan Hà của Trung Quốc là tên gọi chung đề cập đến các kiểu cảnh quan độc nhất vô nhị là địa mạo Đan Hà nằm ở đông nam, tây nam và tây bắc Trung Quốc được hình thành từ sa thạch đỏ với đặc trưng là các vách núi thẳng đứng. Địa mạo Đan Hà được tạo thành từ lớp vỏ lục địa được nâng lên sau đó bị đứt gãy và xói mòn, làm lộ ra những vết gãy lớn của đá sa thạch đỏ xếp lớp.
Một đặc điểm rất đặc biệt của địa mạo Đan Hà là sự phát triển của các hang động với kích cỡ và hình dạng khác nhau với hang động nông và biệt lập, không giống như những hang động sâu và nối liền như ở karst đá vôi. Tháng 8 năm 2010, một số cảnh quan ở miền nam Trung Quốc được gọi chung là Trung Quốc Đan Hà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.