Khi ca khúc Golden leo lên vị trí No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Global 200 và Global Excl. U.S., một nhóm nhạc ảo đã làm được chuyện không phải nhóm nhạc người thật nào cũng làm được. HUNTR/X, từ phim hoạt hình Kpop Demon Hunter, đã tạo được một kỳ tích về mặt bảng xếp hạng.
Thành tích này còn có thể được xem như sự khởi đầu cho một chương hoàn toàn mới của K-pop, nơi giọng hát, nhân vật và thế giới ảo hợp nhất để định nghĩa lại vị thế toàn cầu của âm nhạc Hàn Quốc.
HUNTR/X: Biên giới mới của K-pop không còn bị giới hạn trong thế giới hiện thực

Được tạo ra trong bộ phim hoạt hình KPop Demon Hunters, một dự án hành động giả tưởng đến từ Netflix Animation, HUNTR/X là những nữ siêu anh hùng dưới lớp vỏ thần tượng âm nhạc.
Ban ngày là nhóm nữ idol, ban đêm là thợ săn ác quỷ, HUNTR/X có ba thành viên: G.L.O., Seoul Blade, và Nova. Những cái tên này, tuy ảo, nhưng lại được thổi hồn bởi ba nghệ sĩ thật là EJAE, Rei Ami, và Audrey Nuna. Họ đều là những giọng ca gốc Hàn đang hoạt động tại Mỹ, đại diện cho thế hệ Hàn kiều hướng về cố hương và tiếp tục lan tỏa làn sóng văn hóa Hallyu.
Ca khúc chủ đề Golden, do EJAE và Mark Sonnenblick đồng sáng tác, nhanh chóng khẳng định sức hút toàn cầu ngay từ những ngày đầu phát hành. Với giai điệu điện tử pha R&B, cùng cách xử lý giọng hát đầy nội lực của EJAE, bài hát đã tạo nên một bầu không khí u tối, dữ dội nhưng đầy mê hoặc, hiếm gặp trong các sản phẩm K-pop phổ thông. Nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify nhanh chóng ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng: Golden đạt No.2 toàn cầu, rồi vươn lên No.1 tại Mỹ trong tuần đầu tháng 7/2025.
Ngoài ca khúc chủ đề, các bản nhạc phim (OST) cũng đạt No.2 trên bảng xếp hạng Billboard 200, cao nhất kể từ Spider-Man: Across the Spider-Verse (2023).
Lý giải cho sự bùng nổ của HUNTR/X

Không giống các mô hình nhóm nhạc ảo trong quá khứ, đi vào lối mòn mô phỏng thần tượng âm nhạc thật (K/DA, hay aespa thời kỳ đầu), HUNTR/X được xây dựng độc lập.
Trên thực tế HUNTR/X không phải thần tượng ảo hoàn toàn đầu tiên. SM từng tạo ra Naevis, nữ idol K-pop ảo được debut từ năm 2024, kết nối vào vũ trụ ảo lớn lao của tập đoàn giải trí này. Ngành công nghệ âm nhạc Nhật Bản cũng có hàng loạt các idol trong vũ trụ Vocaloid, trong số đó nổi bật nhất là Hatsune Miku, Kagamine Rin/Len… Tuy nhiên chưa có thần tượng ảo nào lên top bảng xếp hạng âm nhạc toàn cầu như HUNTR/X. Với Hatsune Miku, có thể cho rằng do làng nhạc Nhật Bản không quá quan tâm đến việc bành trướng vượt lãnh thổ xứ sở mặt trời mọc, nên nhân vật ảo này không được quảng bá rộng rãi ở quốc tế. Nhưng Naevis của SM lại không được đón nhận một cách tương đồng.
Sự thành công của HUNTR/X đến từ sự kết hợp giữa âm nhạc, phim ảnh và chiến lược quảng bá toàn cầu. Nội dung siêu anh hùng – thứ chưa bao giờ ngừng hấp dẫn khán giả, nay được kết hợp với âm nhạc K-pop bắt tai và được ông lớn ngành streaming Netflix quảng bá toàn cầu, đã mang lại hiệu ứng bùng nổ.
Golden mở ra một sân chơi mới cho K-pop

Hiện tại, K-pop vẫn đang tiếp tục duy trì mô hình khắc nghiệt: Đào tạo các thực tập sinh từ khi còn nhỏ, makeover họ hoàn toàn từ kiểu tóc đến gương mặt, rồi debut họ khi thời cơ chín muồi.
Giới hạn của K-pop là gì? Người có giọng hát chưa chắc đã đẹp, có thể chinh phục khán giả về mặt visual – điển hình như show sống còn Girls On Fire của đài JTBC, nơi những giọng ca “khủng” vẫn không thể debut như một nhóm nhạc thực thụ bởi không đủ xinh đẹp và không thể tìm ra công ty đỡ đầu. Người có gương mặt đẹp chưa chắc đã hát hay, nhảy giỏi. Và người có đầy đủ tài năng chưa chắc đã có đủ phẩm hạnh – bằng chứng là thành viên Moon Taeil của nhóm NCT, người đã đi tù do quấy rối, xâm hại tình dục.
Nhưng với sự thành công của HUNTR/X, K-pop có thể đã tìm ra một giải pháp mới là thần tượng âm nhạc ảo. Những nhân vật này muốn xinh đẹp, muốn rực rỡ bao nhiêu thì có bấy nhiêu. Muốn theo bản sắc nào cũng được vì hình ảnh của họ có thể được tạo hình bằng công nghệ. Giọng ca của họ có thể được đảm nhiệm bởi người thật, hoặc được phù phép bằng công nghệ như Hatsune Miku. Và chắc chắn nhân phẩm của họ cũng sẽ luôn hoàn hảo.
Nương theo mô hình của Kpop Demon Hunter, các thần tượng ảo này có thể debut qua phim hoạt hình, sau đó nếu âm nhạc thành công thì sẽ có thể mở concert trên thế giới ảo, nhưng vẫn đi kèm merchandise bán thật ngoài đời.

Bên cạnh đó, thế giới thần tượng ảo còn mang lại cơ hội cho các giọng ca đam mê K-pop nhưng không hội tụ đầy đủ tố chất truyền thống của ngành công nghiệp khắt khe này.
EJAE, giọng ca kiêm người chắp bút cho ca khúc Golden, là ví dụ điển hình. Cô gái sinh năm 1991 này từng trải qua 10 năm được đào tạo tại SM Entertainment. Tuy nhiên, màn debut của cô cùng nhóm nhạc thất bại. SM từng có ý đồ để cô debut như thần tượng solo, nhưng cũng dẹp bỏ ý định này vì cho rằng cô đã quá lớn tuổi. Lúc này, EJAE chuyển hướng sang việc sáng tác và sản xuất nhạc toàn thời gian.
Có lẽ, cô chưa từng nghĩ mình sẽ có cơ hội debut như một ca sĩ, cho đến khi tham gia dự án Kpop Demon Hunter. Nhờ ca khúc Golden, EJAE trở thành ứng cử viên nặng ký cho Giải thưởng Oscar 2026 ở hạng mục “Ca khúc gốc xuất sắc nhất”. Nếu điều này xảy ra, EJAE sẽ trở thành người phụ nữ gốc Hàn đầu tiên nhận đề cử sau Karen O (Her, 2013).
Câu chuyện của EJAE và Kpop Demon Hunter hẳn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người và hứa hẹn có thể mở ra một thế giới mới trong làng nhạc K-pop trong tương lai.