Lúc còn nhỏ, kiến trúc sư Đình Duy có thói quen vẽ lại các bản vẽ xây dựng từ quyển vở ô li của cha mình – một người thầy dạy Toán luôn có những bản vẽ hình học bằng phấn màu rất đẹp. Trong nhà luôn có chậu hoa nhỏ được cha của Duy cắm từ những cây cỏ, vật linh tinh nhặt được trong vườn. Ông cũng là người giải một bài toán ngắn gọn, viết truyện ngắn, buộc dây giày sao cho đẹp, nặn một con vật, một cái bếp lò từ cục đất sét xin nhà hàng xóm… Tất cả những bài học đó tuần tự diễn ra trong yên lặng không một lời chỉ dạy.
Kiến trúc sư Trần Vũ Đình Duy
Khoảng không thoáng đãng tại một chi nhánh của Gốm Saigon.
Có lẽ việc sống “bình thường” với những điều đó là điểm khởi đầu cho cảm hứng về cái Đẹp – bằng thói quen quan sát mọi thứ xung quanh mình một cách chậm rãi, tò mò về thế giới bên ngoài. Sách báo, điện ảnh và âm nhạc là lĩnh vực mà anh luôn dành thời gian tuyệt đối như cách để nuôi dưỡng cảm xúc mỗi ngày. Duy cho rằng một người làm nghệ thuật có đủ sự nhạy cảm để khám phá bản thân cũng như cách anh ta quan sát thế giới xung quanh. Dù là phong cách cá nhân trong đời sống hay cách họ nhìn thế giới, thậm chí là sự mâu thuẫn nội tại trong bản thân họ thì điều đó cũng nằm trọn vẹn trong chính họ. Những nét khắc cá tính đó thể hiện một cách tự nhiên qua phong cách sáng tác hay tác phẩm của người đó.
Thử thách của một công trình rất thường xuyên nằm ở kinh phí thực hiện ra nó. Với KTS Đình Duy, đôi khi chính sự thông thái trong giải pháp hiệu quả đem đến vẻ đẹp cho công trình.
Ảnh: Gốm Saigon
Duy không chủ đích hướng theo một trào lưu hay phong cách nghệ thuật đóng khuôn cố định, anh chịu ảnh hưởng tính logic của chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc, tính vô thường của wabi sabi, tính “tằn tiện” của chủ nghĩa tối giản, sự nhạy cảm trong con người và văn hóa phương Đông, hay cách giải quyết vấn đề giản dị và thực tế trong các dự án xã hội. Cái Đẹp, theo anh, đôi khi là biểu hiện của sự ích kỷ cá nhân khi người tạo ra nó chịu sự ảnh hưởng từ những điều mà anh ta quan tâm và tin tưởng thông qua lăng kính của chính người đó.
Hầu hết các không gian của Gốm Saigon mà Duy thiết kế đều không dùng đến máy lạnh nhưng vẫn đảm bảo được sự thông thoáng, dễ chịu.
Tôn trọng tuyệt đối mối liên hệ giữa thiên nhiên – khung cảnh – con người trong mỗi không gian.
KTS Đình Duy đặc biệt yêu thích các công trình cải tạo và xem trọng cảm giác đầu tiên anh có khi đến nghiên cứu hiện trạng của một dự án. Đối với anh, yếu tố không khí, cảm xúc sẵn có của hiện trạng chính là chất liệu cơ bản cho sáng tác của mình.
Ảnh: Gốm Saigon
Nếu có thể chọn lựa, anh muốn không gian của mình có tranh của Mark Rothko, Giorgio Morandi, điêu khắc của Constantin Brâncuși ở bên trong và Christo Vladimirov ở bên ngoài. Duy thích ngôn ngữ trừu tượng và trật tự trong các tác phẩm của họ. Yếu tố tạo nên cảm xúc của một không gian, theo Duy chính là bản năng sống và bầu không khí. Động vật tự nhiên như con chó, con mèo… luôn thả lỏng để tìm nơi chúng cảm thấy dễ chịu. Còn người ta thì lại có giận hờn, thất vọng, vui, buồn, đố kỵ, hoan hỉ, sự quan tâm, lòng trắc ẩn… nên mới bao quanh mình một bầu không khí nhiều cung bậc. Cảm xúc của không gian chính vì thế mà phụ thuộc rất nhiều vào cách mỗi người nhìn vào bên trong của mình.
Đình Duy
Kiến trúc sư
Thiết kế kiến trúc, thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan, thiết kế nội thất, thiết kế vật dụng… Đâu cũng là lĩnh vực Đình Duy quan tâm và yêu thích. Anh cơ bản là yêu cuộc sống xung quanh, thích những điều thú vị, thích khám phá bản thân và những cung bậc cảm xúc tạo nên tính “người” trong mỗi chúng ta. Duy xem trọng thiên nhiên và cuộc sống con người gần như tương đương nhau, nếu như thiên nhiên là bản thiết kế vĩ đại thì cuộc sống con người cũng phức tạp và diệu kỳ đến lạ lùng. Đó là lý do anh thường bắt đầu công việc thiết kế từ “bối cảnh”.
Bài: PinkQ | Hình ảnh: An Bảo & Gốm Saigon
Xem thêm
Nhà thiết kế Mathilde Trần Thanh Trúc: Sự liền lạc là tố chất đặc thù của phong cách
Nhà thiết kế Nguyễn Ngọc Duy: Tôi sống với ý thức về cái đẹp mỗi ngày
Nhà thiết kế Mathilde Trần Thanh Trúc: Sự liền lạc là tố chất đặc thù của phong cách