Từ lâu, những Wunderkammer, hay “Cabinet of Wonders”, đã trở thành biểu tượng của trí tuệ và khát khao khám phá vô tận trong thời kỳ Phục Hưng. Triển lãm cùng tên tại Palazzo Grimani, Venice có thể giúp khách tham quan trải nghiệm cảm giác sống trong thế giới của các nhà sưu tập thế kỷ 17. Đây là thời kỳ mà trí tuệ và sự tò mò đã làm nên những bộ sưu tập mang tính biểu tượng, lưu giữ giá trị văn hóa, khoa học và nghệ thuật vượt thời gian.
Nơi lưu giữ kho báu tri thức
Triển lãm “Cabinet of Wonders” kéo dài từ 15/12/2024 đến 11/5/2025 trưng bày các hiện vật khoa học đời sống dưới dạng sắp đặt nghệ thuật. Sự kiện tái hiện hình ảnh một Wunderkammer (Tạm dịch: Chiếc tủ kỳ quan) từ thế kỷ 17, với phần lớn hiện vật mượn từ Bộ sưu tập George Loudon. Giám tuyển TS. Thierry Morel đã tinh chỉnh các phòng trưng bày, bố trí hiện vật sao cho không gian gợi lên cảm giác như bước vào ngôi nhà của một nhà sưu tập.
Các hiện vật được trưng bày tại tầng Piano Nobile của cung điện, bao gồm các phòng Sala di Psiche, Camerino di Apollo, Camerino di Callisto, nhà nguyện cùng tiền sảnh, phòng ăn và phòng tân cổ điển. Bên cạnh các hiện vật khoa học đời sống từ Bộ sưu tập George Loudon, triển lãm còn có những cổ vật hiếm như tranh vẽ, tượng đồng, đồ cổ và các kiệt tác nghệ thuật trang trí. Những tác phẩm này được mượn từ các tổ chức danh tiếng như Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng MAK ở Vienna, Galleria Giorgio Franchetti alla Ca’ d’Oro và Scuola Grande di San Rocco tại Venice.
Ảnh: Matteo De Fina
Sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học
Thierry Morel đã hợp tác với nhà thiết kế sân khấu Flemming Fallesen để dàn dựng không gian triển lãm. Khi bước vào phòng đầu tiên Sala di Psiche, khách tham quan sẽ tìm thấy các vật phẩm của thời kỳ Phục Hưng như tranh vẽ, thảm, tượng điêu khắc, đồ mỹ nghệ và nội thất. Căn phòng này như một lời giới thiệu về lịch sử của Palazzo Grimani, đồng thời gợi ý về độ tuổi của các bộ sưu tập trong suốt triển lãm.
Phòng Camerino di Callisto được sắp đặt như một phòng nghiên cứu của học giả thời Phục Hưng; Camerino di Apollo được trang trí bằng các bản in nghệ thuật của nghệ sĩ Pháp Erik Desmazières. Sau đó, khách tham quan sẽ bước vào Sala del Doge, nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã thuộc sở hữu của Giovanni Grimani, vừa được đưa trở lại cung điện sau 400 năm.
Phần cuối của triển lãm trưng bày hơn 250 hiện vật từ Bộ sưu tập George Loudon, tập trung vào chủ đề giải phẫu, thực vật học và các sinh vật sống. Nhiều hiện vật được trưng bày mà không có lớp kính bảo vệ bởi giám tuyển Thierry Morel muốn tạo điều kiện để khách tham quan có thể chiêm ngưỡng chúng một cách gần gũi và trọn vẹn nhất.
Mô hình giải phẫu hộp sọ. Ảnh: designboom
Mô hình giải phẫu người từ giữa đến cuối thế kỷ 19, bằng gỗ và sơn, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, London. Ảnh: Matteo De Fina
Tám mô hình nấm từ cuối thế kỷ 19, thuộc Bộ sưu tập George Loudon của Pháp. Ảnh: Rosamond Purcell
20 mô hình thực vật bằng giấy bồi từ năm 1866–1927, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, Đức. Ảnh: Matteo de Fina
Khám phá thế giới của các nhà sưu tầm xưa
Nguyên tắc chính của triển lãm là tái hiện bầu không khí của cung điện Palazzo Grimani vào thế kỷ 17. Ba căn phòng đầu tiên được bài trí với vải nhung đỏ để gợi nhớ đến thời kỳ Phục Hưng, kết hợp cùng ánh sáng ấm áp làm nổi bật các hiện vật và sắc vàng trong kiến trúc cung điện.
Khi bước sang các căn phòng khác, bầu không khí thay đổi hoàn toàn với bộ sưu tập George Loudon. Có một nhà nguyện được thiết kế giống như hầm mộ, trưng bày các mô hình giải phẫu cơ thể người. Phòng kế tiếp có sàn phủ rơm, ở giữa là những loại quả thối rữa, hoa và nấm nhân tạo, tất cả đều phục vụ cho nghiên cứu khoa học.
Mô hình giải phẫu thân người bằng thạch cao, từ giữa thế kỷ 19, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, London. Ảnh: Matteo De Fina
Mô hình giải phẫu đầu người chia thành từng phần do Casciani and Sons làm cuối thế kỷ 19, bằng thạch cao, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, London. Ảnh: Matteo De Fina
Phòng trưng bày các hiện vật về thực vật học. Ảnh: Matteo De Fina
Mô hình lan quân tử (Orchis militaris) khoảng năm 1880, bằng giấy bồi, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, London. Ảnh: Matteo De Fina
Mô hình quả lựu do Francesco Garnier Valletti làm bằng sáp và phẩm màu, được cho là hoàn thành vào cuối thế kỷ 19, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, London. Ảnh: Matteo De Fina
Các mô hình nấm. Ảnh: designboom
Phòng cuối cùng mang đến trải nghiệm sống động về đời sống biển và đất liền. Sự sống dưới đại dương được khắc họa qua công nghệ trình chiếu mô phỏng chuyển động của nước. Đời sống trên cạn thể hiện bằng các hộp kính chứa những mô hình động vật, được đặt trên một mặt gương. Phía sau phòng này, có một góc nhỏ dành riêng cho những tinh thể pha lê được trưng bày trong các hộp kính trong suốt.
Phòng trưng bày các vật phẩm liên quan đến đời sống biển và trên cạn. Ảnh: Matteo De Fina
Mô hình sứa lửa (Portuguese man o’ war) bằng thủy tinh, do Leopold và Rudolf Blaschka chế tác từ giữa đến cuối thế kỷ 19, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, London. Ảnh: Matteo De Fina
Giỏ hoa Venus (một loại bọt biển thủy tinh thuộc họ Euplectellidae) bằng thạch cao, được tạo ra vào cuối thế kỷ 19, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, London. Ảnh: Matteo De Fina
Mô hình giải phẫu gà tây hoang dã do Dr. Louis T.J. Auzoux làm bằng giấy bồi, năm 1885, thuộc Bộ sưu tập George Loudon, London. Ảnh: Matteo De Fina
Tinh thể pha lê được trưng bày trong lớp kính trong suốt. Ảnh: designboom
Mỗi căn phòng đều được thiết kế để phù hợp với các hiện vật và có sự kết nối với trần nhà. Chẳng hạn, phòng thực vật được trang trí với bức tranh trần về thiên nhiên, phù hợp với chủ đề của căn phòng. Những bức tranh trần này được vẽ từ hàng trăm năm trước, là minh chứng cho giá trị nghệ thuật vượt thời gian.
Khi hiện vật tự kể chuyện
Một điều đặc biệt khác trong triển lãm là không có các bảng văn bản hay mô tả trực quan nào trên tường hoặc bên cạnh các hiện vật được trưng bày. Thay vào đó, thông tin được cung cấp qua mã QR trong các sổ tay hướng dẫn. Thierry Morel giải thích: “Tôi muốn khách tham quan chú ý vào các hiện vật thay vì đọc chữ, bởi sự tò mò nên được khơi dậy từ chính các hiện vật đó.”
Từ góc độ thiết kế, ông nhận thấy việc thêm văn bản vào không gian triển lãm có thể gây choáng ngợp, làm lu mờ giá trị của các bộ sưu tập và giảm đi sự kết nối trực tiếp với nghệ thuật. Khi quá chú trọng vào việc đọc, khách tham quan dễ bị cuốn vào các dòng chữ thay vì thực sự nhìn ngắm các tác phẩm. Điều này có thể khiến người xem cảm thấy bản thân họ phải là một chuyên gia hay nhà phê bình nghệ thuật mới có thể hiểu được chúng. Mục tiêu của ông là giúp khách tham quan tự mình khám phá và cảm nhận các hiện vật trong triển lãm thay vì tập trung vào các văn bản chứa đầy thông tin.
Lời mời gọi khám phá di sản trí tuệ
“Cabinet of Wonders” là một lời tôn vinh nghệ thuật sưu tầm, với hy vọng thông điệp này sẽ truyền cảm hứng cho khách tham quan khi họ đi dạo quanh triển lãm tại Palazzo Grimani. Khi được hỏi về sự khác biệt giữa việc sưu tầm trong thời kỳ Phục Hưng và hiện đại, Thierry Morel nhận định rằng các nhà sưu tầm thời xưa thường có sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học của các hiện vật. Ông nói: “Tôi nghĩ ngày nay nhiều người sưu tầm chỉ vì sở thích hoặc đầu tư, thay vì mục đích học thuật. Loại hình sưu tầm mà tôi quan tâm – như được thể hiện trong triển lãm này và trong cách mà George Loudon thực hiện – là sưu tầm bằng trí tuệ, với tinh thần giáo dục, lòng tò mò, và sự chú trọng vào tay nghề thủ công. Đó là một nỗ lực nên mang ý nghĩa và giá trị tinh thần cho chính người sưu tầm.”
Thực hiện: Bảo Trân | Theo: designboom
Xem thêm:
Triển lãm hoa và tranh mùa Giáng Sinh
Triển lãm “Nguồn Sống” – Đi về phía mặt trời
Triển lãm Design Miami.Paris: Trưng bày thiết kế thế kỷ 20 & đương đại