Tháp Bà Ponagar di sản văn hóa Chăm Pa lớn nhất vùng Nam Trung Bộ
Cạnh cửa sông Cái thơ mộng, sừng sững trên đỉnh đồi nhỏ là quần thể kiến trúc Chăm Pa huyền bí - Tháp Bà Ponagar. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, di sản văn hóa này vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc và tinh thần, ẩn chứa những câu chuyện lịch sử và văn hóa độc đáo của người Chăm Pa cổ.
Tháp Bà Ponagar nằm trên một ngọn đồi nhỏ cạnh dòng sông Cái.
Lần đầu đặt chân đến Tháp Bà Ponagar, du khách sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp kiến trúc độc đáo và ấn tượng. Những ngọn tháp sừng sững, uy nghi được xây dựng bằng đá ong nung với kỹ thuật điêu khắc tinh xảo, thể hiện tài năng và óc sáng tạo của người Chăm Pa. Từng chi tiết trang trí, hoa văn trên tháp đều mang ý nghĩa biểu tượng cho các vị thần linh, phản ánh đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người Chăm xưa.
Đức Minh (29 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Bao giờ đến Nha Trang, ngoài các hoạt động tắm biển, mình đều ghé tham quan Tháp Bà Ponagar. Bao nhiêu lần rồi vẫn không thấy chán, chiêm ngưỡng kiến trúc, hòa trong tiếng kèn, điệu múa của các vũ nữ Chăm để thêm yêu mến văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm Pa".
Khu tiền đình (Mandapa) là điểm dừng đầu tiên khi vào tham quan Tháp Bà Ponagar.
Độc đáo kiến trúc Chăm Pa
Được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 đến hết thế kỷ thứ 13, khi đạo Hindu đang ở thời kỳ hưng thịnh tại Chăm Pa, Tháp Bà Ponagar là quần thể di tích Chăm Pa còn nguyên vẹn nhất tại Việt Nam, bao gồm 4 ngôi tháp được xây dựng trên một ngọn đồi cao hướng ra sông Cái. Nơi đây thờ phụng nữ thần Thiên Y Ana Po Nagar, vị nữ thần Mẹ xứ sở được người Chăm Pa tôn kính.
Kết cấu tòa tháp được xây dựng khá vững chãi dù đã trải qua rất nhiều sự bào mòn của thời gian.
Quần thể tháp bao gồm 3 tầng, mỗi tầng mang một nét đặc trưng riêng biệt. Tầng dưới cùng là nơi du khách có thể tìm thấy dấu tích của cổng tháp và những bậc thang đá dẫn lên tầng giữa - Mandapa, nơi khách hành hương nghỉ chân và chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên nữ thần.
Điểm nhấn ấn tượng nhất của Tháp Bà Ponagar chính là ngọn tháp sừng sững cao 23 mét nằm ở tầng cao nhất. Tháp được xây dựng bằng gạch nung khít mạch hoàn hảo, không sử dụng bất kỳ chất kết dính nào, thể hiện kỹ thuật xây dựng độc đáo của người Chăm. Lòng tháp rỗng thông từ dưới lên trên, cửa tháp hướng về phía Đông, mang ý nghĩa đón chào ánh bình minh đầu tiên của ngày mới.
Mỗi công trình chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật của văn hóa Champa.
Bên ngoài thân tháp được trang trí bởi nhiều gờ, trụ, hoa văn hình vòm tháp tinh xảo, cùng với các tượng và phù điêu bằng đất nung miêu tả hình ảnh các tiên nữ, linh thú như nai, ngỗng vàng, sư tử và đặc biệt là tượng thần Ponagar và thần Tenexa.
Nổi bật giữa quần thể tháp là Tháp Bà Ponagar với bốn tầng, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo. Bên trong tháp là tượng nữ thần Ponagar cao 2,6 m, tạc bằng đá hoa cương màu đen, uy nghi tọa lạc trên bệ đá hình đài sen, tựa vào phiến đá lớn hình lá bồ đề. "Tượng nữ thần được đánh giá là kiệt tác điêu khắc Chăm Pa, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi, thể hiện kỹ năng điêu khắc điêu luyện của người Chăm", hướng dẫn viên tại đây cho biết.
Ngoài Tháp Bà Ponagar, du khách cũng có thể khám phá các tháp khác trong quần thể như tháp Giữa (dinh Ông), tháp Đông (dinh Cố), tháp Tây Bắc (dinh Cô, dinh Cậu), mỗi tháp đều thờ phụng những vị thần khác nhau trong tín ngưỡng Chăm Pa.
Nét văn hóa Chăm giữa lòng phố thị
Ngoài giá trị lịch sử và văn hóa, Tháp Bà Ponagar còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là Lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội diễn ra vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự.
Đến thăm Tháp Bà Ponagar, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, tâm linh, du khách còn có dịp thưởng thức những vũ điệu Champa say đắm lòng người.
Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân công lao của nữ thần Thiên Y Ana Po Nagar, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Du khách đến với lễ hội sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt, sôi động với các nghi thức truyền thống như: lễ thay y Thánh Mẫu, lễ cầu quốc thái dân an, thả hoa đăng trên dòng sông Cái, múa Chăm, múa dâng cúng Mẫu, biểu diễn tuồng, múa bóng…
Giữa nhịp sống sôi động của thành phố Nha Trang hiện đại, Tháp Bà Ponagar như một ốc đảo bình yên, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm Pa. Tham quan Tháp Bà Ponagar không chỉ là một trải nghiệm du lịch thú vị mà còn là cơ hội để du khách tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người nơi đây.
Từng đường nét chạm khắc tinh xảo trên đá sa thạch mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa rực rỡ một thời.