Vnluxury

Những tên tuổi tiên phong bên lề những diễn ngôn của Kiến trúc Hiện đại | The First Bricks

Kiến trúc Hiện đại hiển hiện trong lịch sử kiến trúc với những lý thuyết, tuyên ngôn cho một giai đoạn thoát ly mạnh mẽ khỏi quá khứ. Tính thực dụng, giản lược, không tì vết, là diễn ngôn bao trùm cho một nền kiến thiết mới. Những “cỗ máy để ở”(1) được ra đời, hướng tới tính đại đồng trên toàn thế giới.

(1)Dựa trên nguyên tắc cốt lõi trong chủ nghĩa Công Năng của kiến trúc sư Le Corbusier: “House is a machine for living in.” (tạm dịch: Nhà là một cỗ máy để ở.)

Thế nhưng đâu đó, những mạch ngầm âm thầm chảy trôi tách khỏi dòng chính tạo nên những thù hình đa dạng của chủ nghĩa Hiện đại. Vượt ra ngoài những luận thuyết, kiến trúc dần dà hướng tới những câu hỏi về trải nghiệm công trình ra sao, hay trước khi sốt sắng về việc xây dựng, các công trình tác động lên cảm xúc, hay cách chúng đem tới buồn vui và trở thành nơi chốn cho con người như thế nào. Có thể nói, nếu Le Corbusier, Mies van der Rohe là tượng đài, là cha đẻ của lý thuyết, thì khắp các xứ sở khác nhau trên thế giới, nhiều nhân vật cặm cụi thực hành với phong cách riêng biệt cũng là những người tiên phong, ảnh hưởng sâu sắc đến các trào lưu đương đại.

Alvar Aalto (Hugo Alvar Henrik Aalto) (1898 – 1976)

Alvar Aalto thực hành kiến trúc Hiện đại mang đặc trưng Bắc Âu: hình khối khúc chiết, mặt bằng duy lý, nhưng kế thừa việc sử dụng những vật liệu như gạch, gỗ. Các không gian tràn ngập ánh sáng tự nhiên, thứ ánh sáng gián tiếp dịu nhẹ của vùng cận cực.

Alvar Aalto kien truc su hien dai

Chân dung kiến trúc sư Alvar Aalto. Ảnh: Tư liệu

Không áp dụng một cách cứng nhắc những mảng miếng lớn, thô, xám màu của bê tông trần, Alvar Aalto tăng độ sáng nền và tìm cách trung hoà lại bằng các chi tiết kiến trúc cùng đồ nội thất bằng gỗ thông sáng màu. Phong cách của ông bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Hiện đại, song không vì thế mà đoạn tuyệt với truyền thống vùng Scandinavia.

Di sản mà Alvar Aalto để lại ảnh hưởng đến phong cách thiết kế của nhiều kiến trúc sư về sau, dù khác trào lưu, như Sverre Fehn – kiến trúc sư Hậu Hiện Đại, Jørn Utzon – kiến trúc sư theo trường phái biểu hiện, người thiết kế nhà hát opera Sydney.

louis carre biet thu alva aalto cong trinh kien truc hien dai

Nhà Louis Carré (1959) tại Pháp. Ảnh: Gareth Gardner

studio van phong alva aalto

Studio Aalto (1954) tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Archaic studio

biet thu mairea alvar aalto hien dai

Biệt thự Mairea (1939) tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Centoventi

Konstantin Melnikov (1890 – 1974)

Sau những biến động lớn đầu thế kỉ 20, nước Nga có nền kiến trúc dường như đặc biệt, thậm chí là tách biệt, so với phần còn lại của thế giới phương Tây. Trong thập niên 20 của thế kỷ trước, khi nền chính trị mới được hình thành, kiến trúc Nga sản sinh ra một thế hệ cấp tiến. Mặc cho những điều kiện về kỹ thuật còn hạn chế, nhiều công trình mang tính thể nghiệm ra đời.

Konstantin Melnikov kien truc su

Kiến trúc sư Konstantin Melnikov. Ảnh: Tư liệu

Konstantin Melnikov là một trong những người tiên phong trong công cuộc này. Ngôi nhà của ông tại Moskva là một trong những thể nghiệm mang lại kết quả hoàn chỉnh nhất. Công trình là tập hợp của hai khối trụ, kết hợp với mặt đứng đặc trưng bằng các lỗ cửa hình lục lăng. Không gian đặc biệt nhất trong nhà là phòng làm việc và vẽ tranh, với diện tường cong và ô cửa bao quanh, đặc biệt nhạy cảm với chuyển động của ánh sáng trong ngày.

Thập niên 20 – 30 là thời kỳ mà lý thuyết của chủ nghĩa Hiện Đại đang được xây dựng tại Pháp, Đức. Song song với đó, ở Nga, những tìm tòi vẫn được chuyển hoá thành hình. Hình khối kỷ hà, các yếu tố lý tính trong bố trí công năng – những nền tảng của chủ nghĩa Hiện đại – hiển hiện ở đây dưới một hình hài riêng.

kien truc hien dai nga Konstantin Melnikov

Nhà Melnikov (1929) tại Moskva, Nga. Ảnh: Denis Esakov

noi that Melnikov nha Konstantin Melnikov

Nhà Melnikov (1929) tại Moskva, Nga. Ảnh: Denis Esakov

Oscar Niemeyer (1907 – 2012) và Paolo Mendes da Rocha (1928 – 2021)

Chủ nghĩa Hiện đại ở Mỹ Latinh đặc trưng bởi vật liệu bê tông chiếm tỉ trọng lớn, thép kính được sử dụng chừng mực, do điều kiện đặc thù của khí hậu nhiệt đới và bối cảnh kinh tế của xã hội Nam Mỹ thập niên 50-60.

Oscar Niemeyer kien truc su brazil

Kiến trúc sư Oscar Niemeyer. Ảnh: Tư liệu

Quảng cáo
kien truc su Paolo Mendes da Rocha

Kiến trúc sư Paolo Mendes da Rocha. Ảnh: Tư liệu

Đặc điểm chung của những không gian này là một khoảng bóng râm lớn ngay phía trước ranh giới trong – ngoài của công trình, điều kiện tiên quyết về tiện nghi nhiệt, đồng thời trở thành tiêu chuẩn thẩm mỹ của Tropical Modernism. Đây là điểm mới của các kiến trúc sư vùng nhiệt đới khi áp dụng ngôn ngữ Hiện Đại.

Sự khéo léo mà Oscar Niemeyer đưa ngôi nhà đối thoại với khối đá thiên thạch, để luôn cảm nhận được sự hiện diện của bối cảnh sẵn có khi di chuyển trong không gian, hay chi tiết cửa sổ hẫng mà Paolo Mendes da Rocha thiết kế là những tìm tòi quý giá, phù hợp với kỹ thuật địa phương song tôn vinh được tinh thần của không gian. Không cần tiện nghi tối tân vẫn thể hiện được cốt cách, ngôi nhà thực sự là nơi nương náu(2).

(2)Dựa trên câu nói của kiến trúc sư Luis Barragan: “My house is my refuge, an emotional piece of architecture, not a cold piece of convenience.” (tạm dịch: Nhà là nơi tôi nương náu, thứ kiến trúc thấm đượm cảm xúc thay vì vây quanh tiện nghi lạnh lẽo.)

Trong bối cảnh trầm mặc, Oscar hay Paolo đưa vào những tính cách riêng cho ngôi nhà. Phải chăng đó mới đúng là Hiện đại: không phải nằm ở cách xây dựng hàng loạt nhanh gọn, mà phải mang tính cá nhân của con người thời đại mới?

Oscar Niemeyer biet thu canoas kien truc hien dai nhiet doi

Nhà Canoas, (1954) tại Rio de Janeiro, Brasil, do Oscar Niemeyer thiết kế. Ảnh: Famurph

Paulo Mendes da Rocha nha kien truc hien dai brutalism

Nhà Butantã (1964) tại São Paulo, Brazil, do Paulo Mendes da Rocha thiết kế. Ảnh: Christian Schaulin

Amancio Pancho Guedes (1925 – 2015)

Sinh ra ở Bồ Đào Nha, Pancho Guedes chủ yếu thực hành ở Mozambique (Đông Phi). Công trình của Pancho là sinh thể có linh hồn riêng, một sự hòa quyện hợp lý giữa những thành tố xây dựng hiện đại (ta có thể nhận thấy tường, mái) và các chi tiết kiến trúc đậm chất điêu khắc, phảng phất đường cong trên cơ thể động vật.

Amancio Pancho Guedes kien truc su

Kiến trúc sư Amancio Pancho Guedes. Ảnh: Tư liệu

Ông nhìn nhận kiến trúc qua con mắt của một người theo thuyết vật linh, khắc họa rõ nét chủ nghĩa Lập thể, Dada và Siêu thực – những trào lưu thịnh hành của thế giới Hiện Đại – trên nền tảng nghệ thuật châu Phi.

kien truc hien dai Amancio Pancho Guedes

Nhà hình ba con hươu cao cổ (1960) tại Maputo, Mozambique. Ảnh: Delagoabayworld

kien truc hien dai matos ribeiro Amancio Pancho Guedes

Nhà Matos Ribeiro (1952) tại Maputo, Mozambique. Ảnh: Archidatum

Tạm kết

Theo diễn tiến của kiến trúc đương đại, chủ nghĩa Hiện đại vẫn tiếp nối tới ngày nay, ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách hành nghề của nhiều kiến trúc sư. Bên cạnh đó, giá trị địa phương và truyền thống là mối quan tâm không thể thiếu, đó là vấn đề đặt ra từ những người tiên phong bên lề diễn ngôn Hiện Đại bao trùm.

Để tạm kết, người viết xin lược dịch một đoạn trong cuộc phỏng vấn Chipperfield của El Croquis (No. 222 David Chipperfield 2015 – 2023), là một chân dung kiến trúc sư đương thời tiêu biểu, khẳng định giá trị chủ nghĩa Hiện Đại khi hòa quyện vào bối cảnh.

Kiến trúc của David Chipperfield có mối liên giao nào giữa cách tân và truyền thống?

Tôi và anh đang cùng nói về một nền tảng, cùng được truyền cảm hứng từ những cá nhân Rafael Moneo, Alvaro Siza (hai kiến trúc sư đương đại có sức ảnh hưởng lớn, đều được vinh danh Pritzker. Kiến trúc của họ theo chủ nghĩa Hiện đại, mang nét suy tưởng riêng). Chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Hiện đại, song không vì thế mà đoạn tuyệt với quá khứ. Tôi nghĩ rằng vấn đề của chủ nghĩa Hiện đại là cố gắng cấp tiến và không lệ thuộc vào những gì trước đó, cố gắng tạo lập một ngôn ngữ phổ quát. Thật may khi có những nhân vật như Moneo và Siza, chất Hiện đại của họ gắn kết với địa điểm, thời gian và vật liệu. Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới được thúc đẩy bởi sự cách tân và đổi mới. Thị trường tiêu dùng luôn đưa ra những phiên bản mới của mọi thứ, và kiến trúc cũng đang diễn biến theo một tốc độ khác. Đây là một thách thức, như anh có thể quan sát thấy ở một số kiến trúc sư cấp tiến. Dù không phản đối cái mới, nhưng chúng tôi tôn trọng lịch sử và địa điểm. Tôi cho rằng đây là nền tảng chung của chúng ta.

“The First Bricks” là hành trình khám phá những nhân vật tiên phong đã đặt nền móng cho các trào lưu đổi mới trong thiết kế và nghệ thuật. Qua series này, ELLE Decoration sẽ đưa bạn đến với những câu chuyện đầy cảm hứng về những cá nhân đã dám mơ và dám làm khác, đặt những “viên gạch đầu tiên” cho sự phát triển của ngành.

Thực hiện: Nguyễn H. Quân


Xem thêm

Dấu ấn của nữ quyền trong thiết kế kiến trúc cảnh quan

Những người phụ nữ tiên phong trong định hình kiến trúc bằng ngôn từ

Radical Design: Cuộc cách mạng sáng tạo vượt thời gian

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm