Giữa thập niên 70 và 80, Nhà hát Quốc gia Prague đã trải qua một cuộc cách mạng với sự ra đời của Nová Scéna – điểm nhấn hiện đại giữa khối kiến trúc Tân Phục hưng truyền thống của nhà hát cũ. Nơi đây từng là sân khấu của Laterna Magika – nhà hát đa phương tiện đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Brussels Expo năm 1958, kết hợp nghệ thuật kịch cổ điển với hiệu ứng hình ảnh máy tính, tạo ra những trải nghiệm sáng tạo và mới mẻ.
Công trình này là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về phong cách brutalist tại Séc, trở thành biểu tượng của sức mạnh chính trị thời kỳ cộng sản, đồng thời gây tranh cãi vì thiết kế quá táo bạo. Trong những năm gần đây, Nová Scéna cũng đã trải qua những cải tiến để đáp ứng nhu cầu hiện đại, bao gồm nâng cấp hệ thống và không gian nội thất. Dự án cải tạo tiếp theo, dự kiến bắt đầu vào cuối mùa diễn 2024/2025, sẽ tôn trọng kiến trúc ban đầu trong khi nâng cao tiện nghi để phục vụ khán giả tốt hơn. Ảnh: Lucas Reitz
Được thiết kế bởi kiến trúc sư Karel Prager, Nová Scéna ra mắt năm 1983, trở thành điểm nhấn hiện đại giữa những kiến trúc tân cổ điển tại Prague. Ảnh: Lucas Reitz
Ý tưởng về Nová Scéna đã được nhen nhóm từ sau Thế chiến II, nhưng phải đến năm 1983, nó mới trở thành hiện thực dưới bàn tay của kiến trúc sư Karel Prager. Công trình này là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc quy mô lớn Nhà Hát Quốc Gia, bao gồm nhiều phát triển đáng chú ý và quan trọng. Chính quyền đã bắt đầu khởi động dự án tái thiết sau khi ba tòa nhà cổ điển bên cạnh nhà hát bị xuống cấp nghiêm trọng, buộc phải được phá bỏ. Một cuộc thi được tổ chức nhằm tìm ra bản quy hoạch kiến trúc cho khu vực, xây dựng một không gian phức hợp thí điểm cho Nhà hát Quốc gia có sức chứa từ 300 đến 400 người, cùng với các văn phòng, studio, khu lưu trữ, và các tiện ích như nhà hàng và quán cà phê.
Nhà hát là nơi biểu diễn của Laterna Magika, nhà hát đa phương tiện đầu tiên trên thế giới, nổi tiếng với việc kết hợp diễn xuất và hiệu ứng hình ảnh tạo nên trải nghiệm hoàn toàn mới cho khán giả. Ảnh: Narodni Divadlo
Ảnh: Narodni Divadlo
Trong những năm tiếp theo, rất nhiều cuộc thi đã được tổ chức, trong đó đợt quan trọng nhất vào năm 1962 đã thu hút 106 đề xuất. Tám đề xuất xuất sắc nhất được chọn cho giai đoạn tiếp theo vào năm 1965. Nhóm kiến trúc sư do Bohuslav Fuchs dẫn dắt đã giành chiến thắng ở cả hai vòng, nhưng dự án tạm hoãn vào năm 1972 khi Bohuslav qua đời. Trách nhiệm được chuyển giao cho Ủy ban Tái cấu trúc Thành phố và Cấu trúc Lịch sử (SÚRPMO) do Pavel Kupka lãnh đạo, bắt đầu một giai đoạn mới vào năm 1973, với tầm nhìn tạo ra một dự án kiến trúc đồng nhất cho Nhà Hát Quốc Gia và khu vực đô thị xung quanh.
Khi quá trình xây dựng tiến triển, không gian của tòa nhà cũ tại Nhà Hát Quốc Gia cần được sử dụng. Do đó, cấu trúc bê tông cốt thép ban đầu đã bị phá bỏ vào năm 1977, chỉ sau bốn mươi năm được dựng xây. Quyết định này đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng một bước ngoặt lớn xảy ra vào năm 1980 khi nhà thiết kế sân khấu Josef Svoboda đề xuất sử dụng cấu trúc nhà hát mới cho dự án Laterna Magika của ông. Để đáp ứng điều này, một cuộc thi kiến trúc mới đã được tổ chức và dự án thực hiện bởi kiến trúc sư Karel Prager và Zdeněk Kuna cùng hợp tác với Svoboda đã được chọn. Một điều kiện quan trọng là dự án phải hoàn thành đúng thời hạn, trong khi vẫn đảm bảo tiến độ xây dựng đang diễn ra.
Cuộc thi được đánh giá bởi Ủy ban quy hoạch, và nhóm Kuna-Svoboda đã được lựa chọn vào ngày 6 tháng 10 năm 1980, với hạn chót khai trương là ngày 18 tháng 11 năm 1983. Thách thức lớn lao này được giao cho Karel Prager, người quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ. Cuối cùng, vào ngày 20 tháng 11 năm 1983, Nová Scéna chính thức mở cửa đón tiếp những khán giả đầu tiên.
Ba tòa nhà của Nová Scéna cùng với Nhà hát Quốc gia tạo nên một piazzetta khép kín, được đặt tên là “Quảng trường Václav Havel” vào năm 2016 để tôn vinh vị tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc. Ảnh: Hicarquitectura
Điểm thu hút chính là tòa nhà lớn của Nová Scéna, nằm ngay trên phố Národní. Ảnh: Hicarquitectura
Tòa nhà được thiết kế hài hòa với không gian xung quanh theo phong cách Tân Phục hưng. Công trình có hai phần chính: phần gần tòa nhà baroque đặc trưng bởi vẻ hiện đại lấp lánh, được bao phủ bởi lớp kính ốp kiểm soát ánh sáng mượt mà. Phần còn lại nổi lên trên những cột trụ vững chắc, với lối đi mở ra quảng trường của nhà hát. Từ tầng một trở lên, thiết kế của tòa nhà trở nên độc đáo với những hình dạng méo mó, các cạnh được cắt xéo và những ô gạch kính đúc hơn bốn ngàn viên do Stanislav Libenský thiết kế. Mang những hình dạng khác nhau, nhưng khi chúng được kết hợp lại tạo nên một diện mạo kiến trúc kịch tính, khiến toàn bộ công trình trở thành một tác phẩm điêu khắc đương đại.
Nová Scéna được bao phủ bởi hơn 4.000 mảnh kính đúc tay do nghệ sĩ Stanislav Libenský thiết kế, biến tòa nhà thành một tác phẩm điêu khắc ấn tượng giữa trung tâm Prague. Ảnh: Lucas Reitz
Mặc dù sở hữu mặt tiền ấn tượng, tòa nhà nhanh chóng gặp phải nhiều vấn đề nội bộ. Sự gấp rút trong việc hoàn thành các chi tiết thiết kế và sắp xếp nội thất đã dẫn đến nhiều khó khăn. Việc thay đổi sắp đặt sân khấu mất nhiều thời gian và nguồn lực, khiến ý tưởng về một sân khấu có thể thay đổi trở nên khó khăn. Âm thanh kém trong hội trường chính cũng là một vấn đề đáng lo ngại, trong khi hệ thống công cộng như thang máy, điều hoà không khí,… cũng gặp tình trạng hoặt động kém, Dù vậy, qua thời gian, một số điều chỉnh kỹ thuật đã được thực hiện để cải thiện những khuyết điểm này.
Sự hiện diện của Nová Scéna phản ánh cuộc đối thoại giữa truyền thống và hiện đại trong kiến trúc Séc, đồng thời ghi dấu sự phát triển của nền văn hóa Prague. Ảnh: Lucas Reitz
Trong suốt mười tám năm, dấu ấn nghệ thuật của Nová Scéna luôn gắn liền với chương trình Laterna Magika. Đến tháng 1 năm 2010, tòa nhà được chuyển giao lại cho Nhà hát Quốc gia. Đóng vai trò như một trung tâm văn hóa quan trọng đến tận ngày nay, nơi đây vẫn là một địa điểm sôi động, thường tổ chức các buổi biểu diễn, lễ hội, triển lãm và sự kiện giáo dục. Nổi bật trong kiến trúc brutalist tại Cộng hòa Séc, nhà hát có thiết kế đặc sắc này là một trong những công trình gây tranh cãi nhất Prague. Kiến trúc sư Karel Prager (1923-2001), người đứng sau nhiều công trình nổi tiếng khác ở Prague, chẳng hạn như trụ sở ngân hàng Komerční tại Smíchov, cũng đã gây ra nhiều cuộc tranh luận về phong cách của mình.
Thực hiện: Vân Thảo | Theo: Archdaily
Xem thêm:
La Seine Musicale: Nhà hát mang tính biểu tượng
Nhà hát Grand Linxia: Sân khấu đương đại mang cảm hứng nhà thờ hồi giáo
David Rockwell – Người xây nhà hát của cuộc sống