Hai studio kiến trúc OMA và Andrea Tabocchini Architecture đã tiến hành cải tạo Phòng Trưng Bày Các Vị Vua tại Bảo tàng Ai Cập (Museo Egizio) ở Turin, Ý. Phòng trưng bày này chứa nhiều bức tượng đài lớn từ thành phố cổ Thebes của Ai Cập, nay thuộc Luxor. Dự án này đã thay thế thiết kế trước đó từ năm 2006 của nhà thiết kế sân khấu Dante Ferretti với không gian phòng trưng bày trông như một “hộp đen”, tạo cảm giác huyền bí. Mặc dù thiết kế này ban đầu chỉ được dự kiến sử dụng tạm thời, nhưng thực tế nó đã được duy trì suốt gần 20 năm trước khi được được tân trang.
Ảnh: Marco Cappelletti.
Thiết kế trước đây giống như một “hộp đen” với những tấm gương lớn, tường màu đất, và trần nhà có lưới che đèn. Ảnh: Museo Egizio.
Khác với thiết kế của Dante Ferretti, OMA muốn mang lại trải nghiệm khác biệt bằng cách tạo ra sự chuyển tiếp từ bóng tối ra ánh sáng. Để hiện thực hóa ý tưởng này, OMA đã thiết kế một lối đi tối, nơi du khách bắt đầu hành trình. Sau đó, họ sẽ bước vào hai sảnh lớn ngập tràn ánh sáng trưng bày các bức tượng cổ đại.
Lối vào tối dẫn đến không gian hiện đại ngập tràn ánh sáng.
Phòng triển lãm thứ nhất.
Phòng triển lãm thứ hai.
“Thiết kế mới này tái kết nối các bức tượng Ai Cập cổ đại với bối cảnh ban đầu của chúng ở Thebes, thay vì chỉ trưng bày chúng như những nhân vật chính trong một khung cảnh đương đại.” – nhóm thiết kế chia sẻ.
Dưới sự dẫn dắt của hai kiến trúc sư David Gianotten và Andreas Karavanas, OMA đã khôi phục lại cấu trúc ban đầu của không gian, vốn có niên đại từ thế kỷ 17. Bằng cách mở lại các cửa sổ tại Phòng Trưng Bày Các Vị Vua, OMA đã giúp những người đi đường trên con phố Via Principe Amedeo có thể nhìn thấy các bức tượng Ai Cập từ bên ngoài. Những bức tường trong phòng sau đó được ốp nhôm, tạo ra hiệu ứng huyền ảo cho không gian. Ngoài ra, chúng còn phản chiếu ánh sáng từ những cửa sổ trên cao và được sử dụng để hiển thị thông tin lịch sử của các bức tượng.
Những cửa sổ từng bị chắn giờ đã được mở ra để đón ánh sáng tự nhiên.
Phòng triển lãm đầu tiên tái hiện không gian bên ngoài của quần thể đền Karnak ở thành phố Thebes. Tâm điểm của phòng là hai tượng nhân sư đặt đối diện nhau, hai bên là các bức tượng đứng và ngồi của nữ thần Sekhmet. Bức tượng Pharaoh Seti II ban đầu được đặt trước nhà nguyện của nhà vua tại Đền Karnak nay được dời đến cuối sảnh của phòng trưng bày.
Hai bức tượng nhân sư đối diện nhau giống như trong các ngôi đền Ai Cập cổ đại.
Có một lối vòm nối liền giữa hai phòng triển lãm.
Phòng trưng bày thứ hai mô phỏng không gian bên trong đền thờ, nơi lưu giữ tượng của các vị vua và thần linh Ai Cập, được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Trong căn phòng này, có một bức tượng miêu tả Amenhotep II đang dâng rượu lên các vị vua khác. Ở trung tâm là bức tượng nổi tiếng của Vua Ramesses II. Khu trưng bày kết thúc với tượng thần Ptah và tượng thần Amun dưới dạng hiện thân động vật của ông – một con cừu đực.
Các bức tượng được đặt ở hai bên, như cách chúng được bố trí trong các đền thờ cổ.
Tượng thần Ptah.
Tượng thần Amun.
Điều đặc biệt là các bức tượng không còn được đặt trên bệ cao mà đã được hạ xuống gần sàn hơn, giống với cách chúng từng được bố trí trong các sân đền lớn của Ai Cập cổ xưa. Ở đó, dù các vị thần và pharaoh toát lên vẻ uy nghiêm và quyền lực, họ vẫn duy trì sự gần gũi với người dân, tạo nên cảm giác như đang mặt đối mặt. Thiết kế mới của phòng trưng bày cho phép khách tham quan chiêm ngưỡng những chi tiết trước đây khó có thể nhìn thấy, chẳng hạn như các chữ tượng hình được khắc trên ngai vàng của bức tượng Pharaoh Thutmose I, hoặc mặt sau của chiếc mũ đội đầu của Vua Horemheb. 21 bức tượng nữ thần Sekhmet cũng được sắp xếp lại để tái hiện bối cảnh khảo cổ, lấy cảm hứng từ đền thờ của Amenhotep III tại Thebes, nơi chúng được tìm thấy.
Trong phòng trưng bày mới tại Museo Egizio, OMA hạ thấp các bức tượng gần sát mặt đất.
Kiến trúc sư Gianotten cho biết: “Cơ hội thiết kế Phòng Trưng Bày Các Vị Vua đã thúc đẩy chúng tôi tìm ra cách kết hợp giữa trải nghiệm bảo tàng hiện đại và bối cảnh lịch sử của các hiện vật thông qua kiến trúc.” Ông cũng bày tỏ sự trân trọng khi được hợp tác với đội ngũ chuyên nghiệp và tận tâm của bảo tàng trong dự án, đồng thời kỳ vọng rằng du khách trong nước và quốc tế sẽ có những cách nhìn nhận mới về bộ sưu tập vô giá này.
Việc cải tạo Phòng Trưng Bày Các Vị Vua là một phần trong kế hoạch tu sửa toàn diện Bảo tàng Ai Cập do OMA thực hiện. Kế hoạch này còn bao gồm việc xây dựng một sân trong có mái che mới và một loạt các phòng công cộng được kết nối với nhau. Bên cạnh đó, OMA cũng đã thực hiện một số dự án đáng chú ý gần đây, nổi bật là cây cầu “phản biểu tượng” ở Pháp và cải tạo một tiệm bánh bỏ hoang thành không gian nghệ thuật tại Detroit, Mỹ.
Tượng Ai Cập màu đen ở Turin.
Ảnh: Marco Cappelletti.
Ảnh: Marco Cappelletti.
Ảnh: Marco Cappelletti.
Ảnh: Marco Cappelletti.
Ảnh: Marco Cappelletti.
Thực hiện: Bảo Trân | Theo: Dezeen
Xem thêm:
Khám phá thế giới tự nhiên qua những bảo tàng sinh học
Những bảo tàng lịch sử nổi tiếng trên thế giới: Cánh cửa mở ra quá khứ
Căn hộ New York: Bảo tàng Space Age