Vnluxury

Rolex mua lại Bucherer: Bảo vệ thị trường hay tham vọng xâm chiếm ngành bán lẻ?

Rolex mua lại Bucherer: Bảo vệ thị trường hay tham vọng xâm chiếm ngành bán lẻ?
Hai thương hiệu trứ danh trong giới đồng hồ vừa qua đã về chung một nhà – một nước đi tham vọng hay nhằm bảo vệ thị trường khỏi biến động?

Rolex – thương hiệu đồng hồ kinh điển của thế giới với duy nhất một cửa hiệu thuộc sở hữu tại trụ sở hãng tại Geneva, lần đầu tiên mua lại một nhà bán lẻ đồng hồ và trang sức cao cấp danh tiếng, Bucherer. Rolex từng tuyên bố sẽ ủy quyền mua bán cho bên thứ ba qua những ký kết trực tiếp và chuyên tâm chế tác đồng hồ. Đó là lý do động thái mới nhất của Rolex khiến giới đồng hồ bàn tán sôi nổi. Theo The Wall Street Journal, cổ phiếu của Đồng hồ Thụy Sĩ niêm yết tại London đã giảm 21% sau thông báo này. Vậy nước đi bất ngờ của Rolex nhằm mục đích gì và có đe dọa tới sự an toàn của các nhà bán lẻ đồng hồ khắp thế giới?

Bucherer – Nhà bán lẻ xứng tầm

Rolex mua lại Bucherer: Bảo vệ thị trường hay tham vọng xâm chiếm ngành bán lẻ?
Rolex – thương hiệu đồng hồ kinh điển của thế giới với duy nhất một cửa hiệu thuộc sở hữu tại trụ sở hãng tại Geneva

Được thành lập vào năm 1888, Bucherer là một doanh nghiệp gia đình chuyên buôn bán đồng hồ cao cấp cùng đá quý với hơn 100 cửa hàng trải khắp châu Âu và Mỹ. Động thái mua lại của Rolex được giải đáp trong một thông cáo báo chí là nhằm “duy trì sự thành công của Bucherer cũng như bảo tồn mối quan hệ hợp tác giữa hai công ty trong hơn chín thập kỷ qua”, và “là giải pháp tốt nhất không chỉ cho các thương hiệu của Rolex mà còn cho tất cả thương hiệu đồng hồ và trang sức, cùng nhân viên thuộc tập đoàn Bucherer ” – trước thực trạng nhà bán lẻ không có người nối dõi. Dường như, Bucherer cũng đã tính toán nước đi khi sinh nhật lần thứ 87 của nhà điều hành cận kề. Gần đây, thương hiệu đã tái mở cửa hàng Time Dome tại Las Vegas, đánh dấu quyền sở hữu hai cửa hàng đồng hồ và trang sức lớn nhất Bắc Mỹ. Thương hiệu được củng cố, giá trị bán đi càng hấp dẫn. Thế nhưng, khả năng tài chính của Rolex có phải lý do duy nhất Bucherer quyết định giao phó cơ ngơi của mình cho tập đoàn?

Số liệu tài chính không phổ biến vì Rolex không lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, với mạng lưới hơn 100 cửa hàng trên toàn thế giới với một nửa số đó phân phối Rolex, còn lại là Tudor – công ty anh em của tập đoàn, dễ thấy lợi ích mà ông lớn đồng hồ gặt hái được từ mối quan hệ với Bucherer không hề nhỏ.

Động thái bảo vệ sự ổn định của thị trường đồng hồ Rolex…

Dễ thấy được những lợi ích cho cả Rolex và Bucherer cùng nhân viên, mạng lưới cửa hàng và các thương hiệu thuộc nhà bán lẻ. Nói cách khác, đây chính là động thái bảo vệ sự an toàn, ổn định của thị trường đồng hồ Rolex.

Quảng cáo

Từ giờ trở đi, Rolex có thể phân phối độc quyền những mẫu đồng hồ “hot” nhất qua chuỗi cửa hàng Bucherer. Điều này có xúc phạm các đối tác bán lẻ hiện tại của nhãn hàng không? Theo tuyên bố trực tiếp từ Rolex, mối quan hệ này sẽ không bị ảnh hưởng. Với lợi nhuận lớn dành cho cửa hàng ủy quyền, niềm tin đôi bên đã gây dựng bấy lâu, danh tiếng của Rolex cùng hành động một cách “trách nhiệm” trong nỗ lực duy trì sự thành công của đối tác Bucherer trên thị trường, các nhà bán lẻ có lý do để không chê trách bước đi của Rolex lúc này. Trong thời gian tới, chú ý sẽ dồn vào những chính sách từ thương hiệu nhằm đảm bảo sự công tâm và không phát sinh mâu thuẫn với mạng lưới đông đảo đối tác bán lẻ.

Rolex mua lại Bucherer: Bảo vệ thị trường hay tham vọng xâm chiếm ngành bán lẻ?
Rolex mua lại Bucherer nhưng vẫn để công ty độc lập với tên hiện tại

Ngoài ra, Rolex cũng cho biết Bucherer sẽ vẫn hoạt động như một công ty độc lập với tên hiện tại. Động lực bảo hộ của Rolex dường như càng rõ ràng qua quyết định này. Bucherer là đối tác lâu năm với số lượng cửa hàng lớn rộng khắp. Thay vì để các thương hiệu khác can thiệp và có thể mang lại nhiều hậu quả khó lường, như không đảm bảo trải nghiệm mua hàng mà Bucherer từng làm, Rolex tốt hơn nên thâu tóm mạng lưới cửa hàng đồ sộ đó và gia tăng sự kiểm soát của mình với toàn chuỗi cung ứng. Nhiều luật lệ tồn tại để duy trì tính công bằng và ổn định của giao dịch đồng hồ Rolex, trong khi Bucherer cũng phân phối chủ yếu Rolex và thương hiệu anh em Tudor. Vậy nên, dễ hiểu khi đôi bên lựa chọn lẫn nhau cho thương vụ này.

… hay tham vọng mở rộng?

Sau khi sáp nhập một đối tác bán lẻ lớn, Rolex giảm được sự phụ thuộc vào các nhà phân phối bên ngoài. Đồng thời, động thái mua lại gã khổng lồ ngành bán lẻ góp phần khẳng định sức mạnh và mở rộng danh mục sản phẩm của Rolex với các thương hiệu đồng hồ cùng trang sức xa xỉ thuộc Bucherer.

Cũng có ý kiến cho rằng dù Rolex có tuyên bố để Buchere hoạt động động lập, không có lý do gì nhà chế tác đồng hồ hàng đầu không tăng cường đẩy sản phẩm của mình tới mạng lưới của Bucherer trên thế giới trong tương lai; và rằng sớm muộn Rolex cũng sẽ sáp nhập bộ máy, thay tên và người điều hành… của Buchere. Tài khoản Britt Pearce trên nền tảng chia sẻ video trực tuyến Gan Jing World còn dự đoán một số điểm bán Bouchere có thể sẽ trở thành cửa hàng flagship của Rolex.

Giới đồng hồ chờ đón điều gì kế tiếp?

Rolex mua lại Bucherer: Bảo vệ thị trường hay tham vọng xâm chiếm ngành bán lẻ?
 Xu hướng tăng quyền kiểm soát chuỗi cung ứng của các thương hiệu

Trong thời gian tới, mọi động thái tiếp theo của Rolex đều sẽ được giới đồng hồ đón chờ bởi có lẽ ai cũng cần tính những bước tiếp theo cho mình. Nhà bán hàng xa xỉ cần thận trọng nếu thương vụ này báo hiệu xu hướng tăng quyền kiểm soát chuỗi cung ứng của các thương hiệu. Đồng thời, đây cũng có thể là khởi đầu cho nỗ lực củng cố thị trường đồng hồ “phân mảnh” với sự đa dạng gia tăng của phương thức giao dịch.

Nguồn luxuo.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm