Tại sao mì ramen làm thực khách khắp thế giới say mê đến thế?

Mì ramen không chỉ là một món ăn mà còn là một biểu tượng của sự đa dạng và sáng tạo trong ẩm thực Nhật Bản. Với hương vị đặc trưng, ramen thu hút và làm say mê người thưởng thức trên khắp thế giới.
Mì ramen Nhật Bản

Hai loại ramen nổi tiếng nhất phải kể đến là ramen của Kyushu và ramen của Hokkaido - Ảnh: Tsunagujapan

Mì Ramen là một món nước đặc trưng tại xứ sở hoa anh đào

Ramen là một trong những món ăn truyền thống vô cùng nổi tiếng của Nhật Bản, được nấu từ xương heo, xương gà hoặc cá, ăn kèm với các món như thịt lợn thái mỏng, rong biển sấy khô, măng chua, chả cá và hành lá.

Cho đến nay, vẫn không có ghi chép rõ ràng về nguồn gốc của món ăn này. Theo New York Times, ramen xuất hiện tại Nhật Bản vào năm 1910, ban đầu được nấu bởi các đầu bếp người Trung Quốc.

Họ sử dụng sợi mì với nước dùng mặn. Sợi mì mà các đầu bếp người Trung Quốc nấu sợi xoăn có màu vàng tươi và dẻo hơn so với mì Nhật Bản thời đó nên được người dân rất yêu thích.

Họ gọi đây là sợi mì ramen, đọc chệch theo cách phát âm của từ "lamian" (mì kéo) trong tiếng Trung Quốc.

Cho đến năm 1958, Nissin Foods sản xuất phiên bản ramen ăn liền đầu tiên với hương vị gà, có tên là Chickin Ramen.

Từ đó, ramen đã trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày với người dân Nhật Bản và dần theo thời gian được yêu thích trên khắp thế giới.

Mì ramen Nhật Bản

Nguyên liệu chính của một tô mì ramen gồm sợi mì ramen, nước dùng, và đồ ăn kèm. Nhưng đằng sau mỗi thành phần chính ấy lại là rất nhiều những nguyên liệu khác - Ảnh: iStock

Để thưởng thức hương vị tuyệt vời của ramen, cần phải biết cách nấu và bài trí món này đúng cách. Ramen được nấu chín vừa phải và ăn nhanh khi còn nóng. Nước dùng ramen có hai loại chính là kotteri (đậm đà) hoặc assari/paitan (nhạt), tùy thuộc vào độ đục và độ đặc của nước dùng.

Sợi mì ramen được làm từ bột mì, nước, muối và nước tro tàu. Nước tro tàu là một nguyên liệu không thể thiếu khi làm mì ramen vì nó giúp tăng độ dẻo dai, tạo màu vàng cũng như hương vị đặc trưng cho sợi mì.

Mì ramen Nhật Bản

Theo thời gian, từ một loại mì ramen truyền thống, người Nhật Bản đã sáng tạo, biến tấu ra hàng chục loại ramen khác nhau. Mỗi loại lại có hương vị và sức hấp dẫn riêng - Ảnh: LINDSAY D. MATTISON

Hình dạng và độ dài của sợi mì ramen tùy vào biến thể theo từng địa phương của món ăn này.

Quảng cáo

Nước xúp của ramen thường được hầm từ xương heo, xương gà hoặc xương bò, và cá, kết hợp với các nguyên liệu khác như: nấm hương, tảo, vụn một số loài cá biển, hành tây và nhiều gia vị.

Để tăng thêm hương vị cho món mì, ramen sẽ được thêm vào một số loại đồ ăn kèm như thịt heo, rau củ, trứng luộc, chả cá.

Thịt heo gồm 3 loại chính đó là: thịt xá xíu, thịt viên được hầm với nước tương và rượu, thịt xông khói.

Rau củ tươi gồm có hành lá, tỏi băm, giá đỗ, ngô, đậu, cà rốt và bắp cải...

Rau củ khô gồm có: nấm kim châm, mộc nhĩ, rong biển, gừng đỏ, tảo bẹ…

Mì ramen Nhật Bản

Tại Nhật Bản, ramen không chỉ là một món ăn mà còn là một biểu tượng văn hóa và sự sáng tạo - Ảnh: Shutterstock

Có thể nói, tô mì ramen không chỉ tạo bởi nhiều nguyên liệu mà ngay cả cách để tạo ra một món ăn kèm cũng phức tạp và kỳ công.

Chẳng hạn như những miếng trứng luộc trong mì Ramen - có tên gọi là Ajitsuke Tamago. Trứng sẽ được luộc lòng đào, sau đó được tẩm ướp với rượu ngọt, nước tương trong vài tiếng. Sau đó cắt đôi đều nhau và đặt trong tô mì.

Chả cá cũng thường được làm từ các loại cá có thịt màu trắng. Cá được lọc thịt, băm nhuyễn, cuộn lại, tạo hình theo ý muốn rồi đem đi hấp chín.

Mì ramen Nhật Bản

Ramen được nấu chín vừa phải và ăn nhanh khi còn nóng - Ảnh: Tasteatlas

Người Nhật Bản đã tạo ra hàng chục biến thể ramen khác nhau. Mỗi loại lại mang đặc trưng văn hóa từng địa phương.

Trong đó, hai loại ramen nổi tiếng nhất phải kể đến là ramen của Kyushu, được làm từ nước dùng xương heo gọi là tonkotsu, và ramen của Hokkaido, được làm bằng gia vị truyền thống gọi là miso đỏ.

Mỗi loại ramen có hương vị đặc biệt riêng và thu hút sự yêu thích của đông đảo người thưởng thức.

Mì ramen có rất nhiều biến thể. Đồ ăn kèm cũng phong phú tùy theo khẩu vị, có thể ăn kèm trứng ngâm tương, thịt xá xíu, ba rọi hoặc đậu phụ, rau giá…

Điểm khác biệt của shoyu ramen so với các loại khác là nước dùng có màu nâu nhạt và mùi hương đặc trưng.

Biến tấu công thức ramen Kyushu truyền thống

Nguyên liệu cho món này gồm: 1 quả trứng luộc; 1 muỗng canh tương shoyu (nước tương); 1 muỗng canh rượu sake; 1 muỗng cà phê đường; 300ml nước nóng; 1 muỗng canh nước tương; 1 muỗng cà phê bột luộc gà; 1 củ gừng nạo sợi; 1 muỗng cà phê mỡ lợn băm nhỏ; hành lá, thái mỏng; 130g mì ramen.

Cách chế biến:

Làm trứng ngâm tương: Cho muỗng canh shoyu (nước tương), rượu sake, đường vào nồi đun nhỏ lửa, khuấy liên tục cho đến khi hòa quyện và đường tan.

Sau đó, khi hỗn hợp sôi nhỏ, bỏ thêm trứng luộc chín vào và khuấy đều khoảng 4 phút để nhuộm màu cho trứng và trứng ngấm vị.

Khi hoàn tất, cắt đôi quả trứng theo chiều dọc.

Nấu nước xúp: Cho tất cả nguyên liệu nấu xúp, bao gồm: một muỗng canh nước tương, một muỗng cà phê hạt nêm vị gà, gừng nạo, mỡ lợn băm nhỏ, hành lá vào nồi. Sau đó thêm nước đun sôi và khuấy đều.

Luộc chín mì ramen. Lưu ý chỉ luộc mì vừa chín tới để giữ sợi mì dai và mềm.

Thưởng thức: Mì ramen luộc chín vớt ra để ráo nước. Sau đó cho vào một tô lớn, chan nước xúp vừa nấu ngập mì. Cuối cùng là xếp lên trên những món ăn kèm gồm trứng, hành lá.

Theo tuoitre.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm