Nguồn gốc loài cá đột biến quý hiếm
Cá tầm bạch tạng rất hiếm thấy trong tự nhiên, tỷ lệ xuất hiện này chỉ chiếm phần rất nhỏ. Nguyên nhân cá tầm bị mắc chứng bạch tạng là do rối loạn di truyền ức chế Melanin.
Mặc dù vậy, những con cá đột biến này được cho chứa nguồn dinh dưỡng tự nhiên quý giá, đặc biệt là trứng của chúng. Tuy nhiên, quá trình nuôi cá đòi hỏi rất nghiêm ngặt và nhiều kỹ thuật.
Sự khan hiếm nguồn cung đã khiến cá tầm bạch tạng và trứng của chúng trở thành món ăn cao cấp, mà chỉ một số ít người mới có khả năng chi trả.
Trong số đó, quý hiếm nhất là cá tầm bạch tạng Beluga Iran, chỉ được tìm thấy ở vùng biển Caspi và biển Đen. Những con cá tầm này thường từ 60-100 tuổi, vì tuổi tác cũng lớn nên trứng của chúng cũng thơm và mềm hơn.
Xếp hạng thứ hai cá tầm bạch tạng Sterlet được đánh bắt ở Bỉ. Chúng cũng có màu trắng, bề ngoài tương tự loài kia. Nhưng vị của trứng thì có xu hướng thiên về vị kem và đậm đà hơn.
Thịt và sụn cá tầm bạch tạng đặc biệt giàu DHA, chứa nhiều dưỡng chất như canxi, photpho, protein, selen, sắt, magiê và các loại vitamin B12, B6, B2, B44, C, A, và D.
Giá trị của trứng cá tầm bạch tạng
Trứng cá tầm là loại trứng chưa thụ tinh, thường được thu hoạch vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Chúng thường có nhiều màu sắc, và chất lượng cũng khác nhau, nên tạo ra sự chênh lệch đáng kể về giá.
Được biết, trứng cá có các khoáng chất acginin và histidin cùng nhiều loại axit amin như omega-3, lysine, isoleucine, methionine..., làm giảm nguy cơ trầm cảm, ngăn ngừa các bệnh về tim. Ngoài ra, Arginine, hợp chất trong trứng cá có tác dụng tăng lưu thông máu.
Trứng cá tầm bạch tạng Beluga của Iran từng được kỷ lục Guinness thế giới công nhận là thực phẩm đắt nhất thế giới với giá trị xấp xỉ 34.500 USD/kg (tương đương 782 triệu đồng/kg)
Sở dĩ có mức giá đắt đỏ này là vì trứng cá tầm bạch tạng thường yêu cầu từ 8-10 năm để có thể thu hoạch. Trong khi đó, những con cá càng lớn tuổi thì trứng sẽ càng ngon.
Chẳng hạn một con cá tầm bạch tạng 16 năm tuổi, với phần trứng nặng 600g sẽ có giá trị khoảng 9.750 USD, gấp 3 lần trứng cá tầm đen.
Sau khi thu hoạch, trứng cá sẽ được khử nước, từ 5kg trứng cá, trải qua quá trình khử nước sẽ cho ra 1kg thành phẩm.
Năm 2018, một cặp cha con người Áo đã đưa loại trứng cá tầm Strottarga Bianco lên một "tầng cao mới", bằng cách dát vàng 22 cara bên trên. Đây là loại vàng lá ăn được, nên không gây hại cho sức khỏe.
Điều này đã đẩy giá món trứng cá tầm bạch tạng nước Áo lên đến trên 100.000 USD/kg. (tương đương 2,2 tỷ đồng/kg).
Mặc dù được coi là thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới, nhưng chính nhu cầu đối với trứng cá tầm bạch tạng đã đẩy hầu hết các cá thể của loài cá này đến bờ vực tuyệt chủng.
Trong khi đó, việc nuôi cá tầm ở các trang trại cũng trở nên đặc biệt khó khăn vì chỉ bắt đầu có tiềm năng sinh lời khi cá đã có trứng. Ngoài ra, các trang trại này còn đối mặt với nạn đánh cắp thường xuyên, do giá trị của trứng cá quá lớn.