Bánh Wagashi ẩm thực truyền thống của xứ Phù Tang
Wagashi là tên gọi chung cho các món ngọt truyền thống, chế biến từ thực vật như gạo, hạt, ngũ cốc của đất nước Mặt Trời mọc. Loại bánh này hình thành từ khoảng hai thiên niên kỷ trước, dùng trong bữa ăn hằng ngày tại Nhật khi đó. Wagashi có thể mang vẻ đẹp cổ điển của phong, hoa, tuyết, nguyệt, nhưng cũng có thể đầy chất hiện đại với hình dạng những nhân vật manga, hoạt hình nổi tiếng…
Bánh wagashi là gì? Món “bánh hoa” mang nhiều ý nghĩa với người Nhật
Wagashi có nghĩa là “bánh hoa”. Mỗi chiếc bánh thường được trang trí giống một bông hoa, lá hoặc loại quả nào đó.
Bánh xuất hiện ở Nhật từ rất sớm, vào thời Yayoi (300 TCN – 300), với mục đích ban đầu là món ăn dùng để tế thần. Nhưng phải đến thời của Edo (1603-1867), wagashi mới được phát triển thành món ăn nghệ thuật đỉnh cao.
Từ đó, nghề làm wagashi trở nên phổ biến khắp nước Nhật. Các cửa hiệu làm bánh mọc lên khắp Kyoto cho đến các khu vực lân cận. Và mục đích sử dụng bánh cũng đa dạng hơn. Chúng xuất hiện như một món tráng miệng kích thích vị giác sau buổi tiệc trà thanh đạm hay góp mặt vào bữa ăn của quý tộc như sự khẳng định đẳng cấp và được dùng như quà biếu trong các dịp trọng đại…
Tới thời của Minh Trị (1868-1912), chính sách ngoại giao mở cửa đã giới thiệu món bánh đặc biệt này đến với các nước phương Tây. Kể từ đó, wagashi luôn được thế giới nhìn nhận như một trong những đại diện tiêu biểu và đặc trưng cho ẩm thực Nhật Bản. Theo các ghi chép lịch sử, các wagashi làm bằng bột gạo, mật ong, đậu đỏ, khoai lang, hạt dẻ… là món tráng miệng được ưa chuộng trong hoàng tộc hoặc các gia đình giàu có thời xưa.
Wagashi tượng trưng cho sự cao sang, quý phái và đẳng cấp. Mỗi mùa trong năm tương ứng với một loại wagashi riêng biệt như manju (bánh bao), yokan (bánh thạch), nerikiri, kashiwa mochi (bánh nếp), sakuramochi (bánh nếp hoa anh đào), monaka (bánh rán), rakugan, kuri mushi yokan.
Khi đến Nhật Bản và thưởng thức các loại bánh Wagashi thì du khách nước ngoài không chỉ cảm nhận được vị ngon của bánh mà còn rất khâm phục bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ. Bởi để “điêu khắc” ra được những chiếc bánh Wagashi xinh xắn và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhặt thế này thì người thợ đôi khi phải có quá trình rèn luyện 3 – 5 năm, hoặc thậm chí 10 năm mới nhuần nhuyễn được. Đó là lý do vì sao nhiều người không xem Wagashi là một món bánh tráng miệng mà xem đây như một đỉnh cao nghệ thuật ẩm thực của Nhật Bản bởi linh hồn và tinh hoa của đất nước mặt trời mọc dường như đều được gói gọn trong những chiếc bánh bé xíu, nhưng cực kỳ tinh tế này.
Người Nhật dùng wagashi với trà. Wagashi góp mặt trong các buổi trà đạo từ thế kỷ XVI. Vị ngọt thanh của bánh sẽ cân bằng vị chát nhưng không làm mất đi tinh chất thơm ngon của trà xanh.