Các bức phù điêu tại tượng khắc đá Đại Túc, Trung Quốc sống động
Độc đáo các bức phù điêu tại tượng khắc đá Đại Túc, Trung Quốc
Tượng khắc đá Đại Túc là một loạt các tác phẩm điêu khắc tôn giáo nằm ở huyện Đại Túc thành phố Trùng Khánh. Tượng bắt đầu được khắc vào cuối nhà Đường, trải qua 5 triều đại, cực thịnh nhất vào đời Lưỡng Tống. Tượng khắc đá Đại Túc chủ yếu tập trung trên núi Bảo Đỉnh và vách núi Bắc Sơn, với quy mô lớn và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, hình thức cũng vô cùng phong phú.
Đây là kho tàng nghệ thuật hang đá của Trung Quốc với hơn 5 vạn pho tượng được chạm khắc bằng đá, phân bố ở hơn 40 địa điểm thuộc huyện Đại Túc, trong đó chủ yếu là các pho tượng của đạo Phật, sau đó là Đạo giáo và Nho giáo, và tượng một số ít nhân vật lịch sử.
Tượng khắc đá Đại Túc được bắt đầu khắc vào năm thứ 6 Thuần Hy (1179) và được xem là một trong những vùng đất linh thiêng của Phật giáo. Khu vực trung tâm là vịnh Đại Phật. Phía Đông có vịnh Tiểu Phật, tháp nghiêng, núi Long Đầu, núi Thù Thủy, dốc Hoàng Giác. Phía Nam có Cao Quan Âm. Phía Tây có núi Quảng Đại, dốc Tùng Lâm, vách Phật tổ. Phía Bắc có Long Đàm, Phật đối mặt.
Tất cả gồm 13 cảnh quan trong đó Vịnh Đại Phật là thắng cảnh lớn nhất, có giá trị nghệ thuật cao nhất và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất trong quần thể tượng khắc này. Vịnh Đại Phật là một vách núi cong hình vó ngựa, dài khoảng 500m, rộng 15-30m với hơn 1 vạn pho tượng lớn nhỏ và tấm bia ghi lại lịch sử hình thành tạc tượng trên núi Bảo Đỉnh và cả lịch sử hình thành Phật giáo.
Các pho tượng ở đây đều được chạm khắc trên vách núi với diện tích chạm khắc 3600m². Nghệ thuật chạm khắc ở đây rất tinh xảo, đề tài phản ánh trong các bức phù điêu rất phong phú, bố cục chặt chẽ, địa thế hoành tráng, cấu tứ nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc Phật giáo. Tượng khắc đá Đại Túc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.