Chiến lược đầu tư vào các thương hiệu nước hoa Trung Quốc của L'Oréal
L'Oréal tiếp tục mở rộng tại thị trường Trung Quốc. Sau Documents vào năm 2022 và công ty công nghệ sinh học làm đẹp Shinehigh Innovation tháng 9 năm 2023, gã khổng lồ Pháp tuyên bố tiếp tục đầu tư vào hãng nước hoa cao cấp To Summer của Trung Quốc. Được tiết lộ trong cuộc họp báo cáo tài chính cuối năm 2023, thỏa thuận đã ký kết thành công thông qua Shanghai Meicifang Investment, quỹ L'Oréal được thành lập vào tháng 5 năm 2022 nhằm hỗ trợ các thương hiệu sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao tại thị trường tỷ dân.
L'Oréal đầu tư vào To Summer
To Summer được thành lập tại Bắc Kinh vào năm 2018 bởi Shen Li, cựu biên tập viên thời trang và Huipu Liu, một chuyên gia thương mại điện tử. Lấy cảm hứng từ nền nghệ thuật và văn hóa phong phú của Trung Quốc, thương hiệu nước hoa sang trọng này khẳng định vị thế với những dòng nước hoa tiếng tăm như Triple Tea và Cedarwood. Ngoài các sản phẩm cốt lõi, thương hiệu còn bổ sung thêm nến, sữa dưỡng thể, dầu gội và sáp thơm, được bán tại 11 cửa hàng trên khắp lục địa. Mặt khác, sở hữu thế mạnh về danh tiếng và mạng lưới phân phối rộng khắp, L'Oréal dễ dàng thâm nhập thị trường nước hoa màu mỡ của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kép dự kiến hàng năm là 13,4% từ năm 2023 đến năm 2027, với tổng doanh thu trị giá 22 tỷ nhân dân tệ (3,05 tỷ USD) (theo Mintel)
Tại sao nên đầu tư vào các thương hiệu địa phương?
Ít cạnh tranh hơn so với lĩnh vực chăm sóc da, thị trường nước hoa Trung Quốc đặc biệt hấp dẫn, mặc dù còn nhiều thách thức. Theo Cyril Chapuy, chủ tịch L'Oréal Luxe nhận định "tỉ lệ thâm nhập nước hoa ở Trung Quốc vẫn chỉ bằng một nửa so với phương Tây, vì vậy chúng tôi vẫn còn rất nhiều cơ hội phía trước". Chỉ 10 năm trước, “thế hệ trẻ không thường xuyên sử dụng nước hoa, bây giờ họ đã làm”. Do đó, đối với L'Oréal, đầu tư vào To Summer và Documents là một động thái khôn ngoan và có chiến lược.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hai thương hiệu địa phương cho phép công ty Pháp hiểu rõ hơn về sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó tùy chỉnh các sản phẩm của mình để đáp ứng đúng nhu cầu. Dựa vào các nhà sản xuất địa phương cũng có lợi hơn về mặt tốc độ tiếp cận thị trường. Trong khi chu kỳ phát triển của một thương hiệu quốc tế thường mất một, thậm chí hai năm để ra mắt thì các thương hiệu "tại gia" chỉ tốn hai tháng để phát triển cũng như nắm bắt xu hướng. Hơn nữa, To Summer và Documents chủ trương sử dụng các thành phần gần gũi với văn hóa Trung Quốc, chẳng hạn như mực, gỗ và hương trầm, điều này sẽ không gây tình trạng "tranh chấp" hay lấn át các nhãn hiệu nước hoa khác trong L'Oreal, như Flowerbomb của Viktor & Rolf và Black Opium của YSL.
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn trên Good Morning Business, Nicolas Hieronimus, CEO của L'Oréal, nhấn mạnh tập đoàn đang hoạt động khá tốt ở Trung Quốc, tăng trưởng khoảng 5% và gần 8% về doanh số sản phẩm, với thị phần lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 32%, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng xa xỉ.
Chắc chắn trong thời gian tới, L'Oréal sẽ cần phải tập trung nguồn lực để giữ chân khách hàng Trung Quốc - những "thượng đế" rất thích sự thay đổi và trải nghiệm sản phẩm mới. Tình hình càng trở nên khốc liệt hơn khi nhiều tập đoàn nước ngoài đã bắt đầu xâm nhập vào miếng bánh béo bở này. Estée Lauder Companies công bố đầu tư vào Melt Season, thương hiệu do Ni Lishi thành lập vào năm 2021; Quỹ Đổi mới Sắc đẹp Shiseido đầu tư vào Trautec, công ty Trung Quốc chuyên về collagen; trong khi năm ngoái, L Catterton, công ty cổ phần tư nhân được LVMH hậu thuẫn, đã "chọn mặt gửi vàng" cho Hi!papa, một thương hiệu sản phẩm chăm sóc da dành cho trẻ em tại Trung Quốc.