Người mẹ Dao đưa con 4 tuổi đi phượt khắp đất nước
Việt Nam là một trong những đất nước nổi tiếng sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người. Với lợi thế từ địa hình đến khí hậu, mảnh đất hình chữ S được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan vừa hùng vĩ vừa nên thơ như con đường đèo uốn lượn, đẹp đến nao lòng của vùng Tây Bắc hay những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn của vùng Tây Nguyên... Bên cạnh thiên nhiên, mảnh đất hình chữ S còn hấp dẫn bởi lịch sử phong phú, các di tích giàu giá trị văn hóa, cuộc sống của người dân địa phương.
Chị Cảnh và người bạn đồng hành đặc biệt - con trai 4 tuổi tên Giàng.
Là người yêu tự do, thích chinh phục những cung đường, thử thách mới, chị Dương Thị Kim Cảnh (người dân tộc Dao, quê Thái Nguyên) đã có hơn 10 năm kinh nghiệm đi phượt, khám phá hết 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Thời gian gần đây, nữ phượt thủ người đồng bào dân tộc thiểu số truyền cảm hứng, đam mê và tình yêu đất nước Việt Nam vào cậu con trai tên Giàng, năm nay tròn 4 tuổi nhưng đã gần 3 năm cùng mẹ rong ruổi trên những cung đường từ Bắc vào Nam để ngắm nhìn vẻ đẹp của quê hương, đất nước mình.
Để có những hành trình cùng người bạn đồng hành đặc biệt, chị Cảnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ tài chính đến đồ đạc, thuốc men và đặc biệt là sức khỏe. Giàng được rèn luyện, trải qua gió sương từ nhỏ nên sức khỏe của cậu khá tốt. “Con được trải nghiệm thời tiết nhiều vùng miền, tăng khả năng chịu đựng giúp con có sức khỏe và sự thích nghi tốt mọi loại hình thời tiết ngay khi còn nhỏ. Mỗi chuyến đi con trai vẫn khỏe mạnh và niềm yêu thích, vui vẻ hiển thị lên khuôn mặt. Gặp người lạ, con cũng dạn dĩ tiếp xúc, trò chuyện. Vì vậy, tôi mạnh dạn đi tiếp”, chị nói.
Giàng theo mẹ đi phượt từ khi mới 18 tháng tuổi.
Theo lời chị Cảnh, càng đi càng thấy đất nước mình quá đẹp. Hai mẹ con đã có những ngày rong ruổi khắp cung đường uốn lượn một bên là rừng núi, cao nguyên đá một bên là vực thẳm hiểm trở của vùng Đông Bắc, Tây Bắc; Xuyên Việt; Check-in ở 4 Cực của Việt Nam…
Trong chuyến đi Đông Bắc, mẹ con chị Cảnh đã chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi (2.402m, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang). Hay với cung đường Tây Bắc, chị cùng con trai đi qua Điện Biên, Lai Châu... Đặc biệt, chị vô cùng ấn tượng khi đi qua Sơn La với những rừng mận bạt ngàn, mỗi mùa lại mang đến một vẻ đẹp riêng níu chân người lữ khách.
Trên chiếc xe máy Wave màu xanh ngọc, hai mẹ con cùng băng qua những cung đường đáng nhớ, đi qua Điện Biên, đến điểm cực Tây A Pa Chải - nơi một con gà gáy cả ba nước đều nghe.
Chị Cảnh muốn con được trải nghiệm thời tiết nhiều vùng miền, tăng khả năng chịu đựng giúp con có sức khỏe và thích nghi tốt mọi loại hình thời tiết.
Đặc biệt, cung đường tuần tra biên giới nối từ cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh) dài 80km để lại cho chị Cảnh cùng con trai rất nhiều ấn tượng. Chị Cảnh kể rằng bản thân đã đi qua con đường này rất nhiều lần và không khỏi xuýt xoa bởi vẻ đẹp nơi đây. Bình Liêu hoang sơ nhưng đẹp như một thảo nguyên thu nhỏ, được bao phủ bởi núi non hùng vĩ, thác nước thơ mộng, bồng bềnh mây trôi.
Giàng vô cùng hào hứng với mối chuyến đi.
Tuy nhiên, cũng chính ở đây khiến chị gặp tình huống "dở khóc dở cười". Tháng 5/2022, khi đang cùng con trai đi trên cung đường, chị Cảnh gặp rất nhiều chốt kiểm tra của bộ đội biên phòng và được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, chứng minh là hai mẹ con ruột: "Vì đây là vùng biên giới nên các chú bộ đội rất cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng để hạn chế nạn bắt cóc trẻ em bán qua biên giới. Tôi được yêu cầu kiểm tra 4 lần. Tuy nhiên, thời điểm đó con trai chỉ mới 23 tháng tuổi, nói bập bẹ tiếng Dao. Tôi chỉ mang căn cước công dân của mình và quên giấy khai sinh của con ở nhà. Để chứng minh là hai mẹ con ruột, tôi mở điện thoại cho các chú bộ đội xem hình ảnh hai mẹ con từ khi con nhỏ đến lớn, đưa cuống vé máy bay mà hai mẹ con vừa đi chơi Đà Lạt và Nha Trang về để các chú kiểm tra”.
Bên cạnh khám phá cảnh đẹp của thiên nhiên, chị Cảnh còn đưa con đến thăm những vùng có người dân tộc Dao sinh sống. Quê hương của chị Cảnh hiện nay kinh tế khá phát triển, đời sống người dân được nâng cao nhưng còn nhiều nơi trên đất nước này, đời sống của bà con người Dao vẫn còn vất vả, khó khăn. Chính vì thế, chị muốn con được hòa vào cuộc sống của người dân, biết thêm về đồng bào mình ở khắp mọi miền Tổ quốc để tự biết cố gắng, vươn lên trong cuộc sống sau này.
Mới 4 tuổi nhưng Giàng đã khám phá hết các tỉnh thành của Việt Nam.
Nữ phượt thủ 8X tiết lộ chị có niềm đam mê với lịch sử, vô cùng tự hào về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chị Cảnh đưa con đến thăm nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước như bãi cọc Cao Quỳ (Hải Phòng) – nơi gắn liền với trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên – Mông của nhân dân ta. Chị cũng đưa con đến tham quan đền Đô (Bắc Ninh) – ngôi đền của các bậc Đế vương, nơi thờ 8 vị vua thời Lý.
Xuôi về miền Trung, chị Cảnh cùng cậu con trai 4 tuổi đến thăm quê Bác Hồ ở Nghệ An hay Nghĩa trang Trường Sơn, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, thành cổ Quảng Trị, sân bay Tà Cơn, khu chứng tích Sơn Mỹ... Đi đến đâu, chị đều kể cho con trai nghe về những câu chuyện lịch sử gắn liền với di tích đó cho con được hiểu và tự hào về lịch sử nước nhà.
Nụ cười, sự hào hứng của Giàng khiến mẹ thêm vững tay lái, mạnh dạn để đi tiếp.
Hằn sâu trong ký ức của chị chính là con đường Trường Sơn huyền thoại với sự nghiệp kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Chị đã có cơ hội đi qua rừng Trường Sơn nhánh Tây như dải lụa xuyên hết núi rừng Lệ Thủy (Quảng Bình), vượt đèo Sa Mù vào với Khe Sanh, Quảng Trị. Mặc dù đây là cung đường vô cùng ấn tượng, đẹp với những rừng nguyên sinh có hệ thống động, thực vật đa dạng nhưng không phải ai cũng dám đi. Theo lời chị Cảnh, cung đường này vô cùng vắng vẻ, dân cư thưa thớt, thậm chí vài chục km không có nhà dân, không điện, không sóng điện thoại.
Đến với mảnh đất Tây Nguyên, chạy qua những con đường hai bên là rừng cao su, cà phê bạt ngàn.... Hai mẹ con chị Cảnh trải nghiệm hái cà phê ở Đắk Lắk, sống với người đồng bào dân tộc thiểu số như Ê đê, M'Nông, Dao...
Bên cạnh đó, chị cũng đưa con đến cửa khẩu Bờ Y, ngã ba biên giới ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là những điểm đến vô cùng thiêng liêng của đất nước ta, thể hiện tình đoàn kết, đồng lòng của Việt Nam cùng các nước anh em.
Đi đến đâu, chị Cảnh cũng kể cho con nghe về những câu chuyện văn hóa, lịch sử gắn liền với địa điểm đó.
Một điểm đến khiến chị không thể quên chính là quê hương của anh hùng Núp. Đây là biểu tượng cho sự dũng cảm, kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn của các dân tộc Tây Nguyên: "Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã vô cùng ấn tượng với câu chuyện anh hùng Núp và ước mơ được đến thăm quê hương của người anh hùng này. Chuyến đi vừa rồi, tôi đã đưa con trai đến nhà tưởng niệm anh hùng Núp, làng kháng chiến Stơr, Kbang, Gia Lai. Điều vô cùng thú vị là khi ông bà ngoại gọi điện hỏi thăm, Giàng kể rằng đang ở nhà tưởng niệm anh hùng Núp khiến ông bà vô cùng bất ngờ bởi cháu còn nhỏ đã có nhiều trải nghiệm thú vị”, chị Cảnh nói.
Mỗi lần được đi chơi, Giàng đều rất vui vẻ.
Chị cũng có niềm yêu thích đặc biệt với vùng sông nước miền Tây nên đã cùng con trai đi phà qua những con sông như Tiền Giang, Hậu Giang... đến thăm rừng U Minh, hòa mình vào rừng đước mênh mông mà trước đây chỉ được thấy trên phim ảnh như "Đất rừng Phương Nam".
Chị Cảnh chia sẻ đang chuẩn bị giấy tờ cho con trai để cùng đi du lịch một số nước ngoài.