Vnluxury

Dấu ấn kiến trúc và văn hóa trong những ngôi chùa Việt Nam

Cũng giống hầu hết các quốc gia châu Á, tại Việt Nam, chùa chiền là không gian tu hành, sinh hoạt và thực hành các nghi lễ của của các nhà sư, tăng, ni và Phật tử. Một số ngôi chùa mang yếu tố di sản hay có lối kiến trúc và trang trí ấn tượng đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước quan tâm và yêu thích văn hóa tâm linh và lịch sử. Hiện nay, trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 18.491 ngôi chùa, ngoài thờ Phật còn thờ thần (điển hình là thờ các vị thiền sư: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Trần Nhân Tông và Lý Thần Tông), thờ tam giáo (Phật – Lão – Khổng), thờ Trúc Lâm Tam tổ…

Trong bài viết này, hãy cùng ELLE Decoration đến thăm một số ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam.

1. Chùa Thầy (Hà Nội)

Nằm dưới chân núi Thầy thuộc địa phận xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội), chùa Thầy là ngôi chùa cổ gần 1.000 năm tuổi mang nét kiến trúc cổ kính. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh khi núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích. Phía trước chùa là sân rộng nhìn ra hồ Long Trì với hồ có thủy đình ở chính giữa, được ví như viên ngọc ở miệng rồng, thường được dùng để tổ chức các buổi múa rối nước vào dịp lễ hội.

chua thay ha noi di tich lich su

Ảnh: TL

Phần chính của chùa Thầy được xây dựng theo lối kiến trúc tiền Phật hậu Thánh. Chùa gồm ba tòa song song với nhau, gồm Hạ, Trung và Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Đặc biệt kiến trúc chùa chỉ có 36 lỗ đục các tấm gỗ được xếp chồng lên nhau cực kỳ vững chắc. Bên trong chùa còn giữ được nhiều pho tượng cổ quý giá, cũng như đồ dùng bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo.

tuong phat dien tho chua thay di tich lich su

Ảnh: Tư liệu

2. Chùa Một Cột (Hà Nội)

Chùa Một Cột có tên ban đầu là Liên Hoa Đài với kiến trúc độc đáo: một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất. Đây là công trình nổi tiếng nhất nằm trong quần thể kiến trúc Chùa Diên Hựu, được xây vào thời vua Lý Thái Tông mùa đông năm 1049 và hoàn thiện vào năm 1105 thời vua Lý Nhân Tông. Sau nhiều lần tu sửa và bị quân Pháp phá hủy năm 1954, Chùa Một Cột được dựng lại một năm sau đó bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng theo kiến trúc để lại từ thời Nguyễn. Công trình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, được chọn là một trong những biểu tượng của Hà Nội, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

chua mot cot di san kien truc van hoa

Ảnh: Quý Nguyễn

3. Chùa Thiên Mụ (Huế)

Chùa cổ Thiên Mụ (hay còn gọi là chùa Linh Mụ) nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây. Công trình được xây dựng vào năm 1601, đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Dưới thời chúa Quốc – Nguyễn Phúc Chu, chùa được xây dựng lại quy mô hơn nhờ sự phát triển của Phật giáo. Năm 1714, chùa được đại trùng tu với hàng chục công trình lớn như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền… Nổi bật trong số đó có Tháp Phước Duyên, được khởi xây năm 1844, là biểu tượng của chùa Thiên Mụ với cấu trúc 7 tầng hình bát giác. Do gặp nhiều thiên tai, quần thể đã bị hư hại và được trùng tu nhiều lần, nhưng một vài trong số đó đã không còn tồn tại hoặc quy mô nhỏ hơn so với ban đầu.

thien mu pagoda hue du lich di san

Ảnh: Tư liệu

thap phuoc duyen thien mu pagoda hue

Ảnh: Chốn Thiêng

4. Chùa Linh Phước (Đà Lạt)

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 8km, chùa Linh Phước được xây dựng năm 1949 được biết đến với lối trang trí ấn tượng và cầu kì. Công trình được xây dựng trong khoảng 1 năm, sau đó được trùng tu, bổ sung thêm nhiều công trình nhỏ bên trong và trở thành ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục quốc gia. Điểm nổi bật ở đây đến từ các mảng chạm sành sứ đa sắc và những tạo hình linh vật tinh xảo được trải lên hầu hết mọi nơi.

chua linh phuoc ve chai da lat

Ảnh: Tư liệu

Quảng cáo

Bên trong chánh điện được đặt các bức phù điêu khảm sành nhằm tái hiện lịch sử và các điển tích trong Kinh Phật. Khoảng sân được dựng một tạo tác hình rồng dài 49m được làm bằng 12.000 vỏ chai bia ấn tượng và nhờ đó, chùa còn có tên gọi là Chùa Ve Chai. Ngoài ra, bên trong khuôn viên là các công trình nổi bật như Đại Hồng Chung, tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đồ sộ…

5. Chùa Bửu Long (Sài Gòn)

Nổi bật giữa không gian xanh mát của khu Quận 9 (nay là Thủ Đức) là ngôi chùa độc đáo mang đậm phong cách xứ chùa Vàng. Chùa Bửu Long (hay Thiền viện Tổ Đình Bửu Long) do cư sĩ Võ Hà Thuật thành lập vào năm 1942 và sau đó được trùng tu, sửa chữa trong các năm 2007 và 2011. Điểm làm nên sức hút của ngôi chùa này đến từ diện mạo được kết hợp hài hoà của kiến trúc chùa Thái Lan, Ấn Độ và thời nhà Nguyễn. Tổng thể công trình là sự kết hợp của các mảng tường trắng, chấm phá cùng với ngôi bảo tháp Gotama Cetiya và các mái ngói vút cao màu vàng đồng hút mắt.

chua buu long sai gon quan 9 thai lan

Các chạm khắc theo phong cách trang trí Thái Lan độc đáo, nổi bật cùng mái vòm với ánh vàng đồng. Ảnh: Tư liệu

6. Chùa Ngọc Hoàng (Sài Gòn)

Nằm tại Quận 1 nhộn nhịp, Chùa Ngọc Hoàng (còn gọi là chùa Phước Hải) hiện lên với nước sơn màu hồng nổi bật. Công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bởi một người Quảng Đông tên Lưu Minh, mang đậm nét kiến trúc của các đền chùa Trung Hoa với các chạm khắc tinh xảo cùng nhiều họa tiết trang trí bắt mắt.

chua ngoc hoang quang dong sai gon

Mặt tiền ấn tượng với mảng tường đỏ hồng kết hợp cùng kiểu lợp ngói âm dương, trang trí thêm bằng muôn vàn tượng gốm màu. Ảnh: Bùi Thị Đào Nguyên.

Bên trong khuôn viên đặt các tượng Hộ Pháp, Thiên Tướng, Thiên Binh cùng nhiều các bức tượng bằng gỗ được chế tác với chi tiết tinh xảo, góp phần gia tăng vẻ uy nghiêm cho không gian chùa. Hằng năm, tại đây tổ chức lễ Vía Trời (hay Vía Ngọc Hoàng) vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch, thu hút số lượng lớn người tham gia trên cả nước. Nơi đây còn được truyền tai nhau về sự linh thiêng, thu hút nhiều người muốn cầu tình duyên hoặc các gia đình hiếm muộn đến cầu con.

den tho ngoc hoang ton giao vietnam

Ước tính có khoảng hơn 300 bức tượng thờ được chạm khắc tinh xảo bằng gỗ và được lấy cảm hứng chủ yếu từ các tư liệu, điển tích của người Trung Quốc. Ảnh: tư liệu

7. Hội quán Nghĩa An (Sài Gòn)

Tách biệt với nhịp sống sôi động của Quận 5 là không gian linh thiêng và rực rỡ sắc màu của Hội quán Nghĩa An (hay Chùa Ông) với gần 300 tuổi đời. Đây là nơi thờ phụng vị thần Quan Vũ – một vị tướng tài đức vẹn toàn thời Tam Quốc, và cũng là chốn hội họp, chiêm bái của người Tiều tại Sài Gòn. Hội quán được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 và được trùng tu nhiều lần qua các năm. Kiến trúc hình chữ khẩu với các khối nhà khép kín vuông góc là phong cách thiết kế đặc trưng của người Hoa. Từng khối cột, mái nhà, gian sàn đều được trang trí chi tiết các tạo hình linh vật, nghệ thuật thư pháp, sành sứ, chạm gỗ, chạm đá,… Chính bởi giá trị văn hoá đặc sắc tồn đọng trong phong cách kiến trúc và kỹ thuật trang trí công phu mà Hội quán Nghĩa An đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

chua ong quan 5 saigon

Ảnh: Tư liệu

chua ong hoi quan nghia an nguoi hoa saigon

Mái nhà ấn tượng được trang trí bằng các hình rồng, phượng, tướng quân, cá nhiều màu sắc. Ảnh: Quận 5 xin chào

Thực hiện: Quychibeo


Xem thêm

Ngũ Phụng Lâu uy nghi trên bản đồ Á Đông

Hành trình đất nung và dấu ấn bản địa

Câu chuyện trùng tu của các công trình di sản

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm