Chung cư đó ở gần bến xe khách, xe chạy ra vào suốt ngày. Không gian triển lãm mở toang đón nắng và gió biển. Không có máy lạnh, không được che chắn kín mít để ổn định về nhiệt độ, không khí, không thơm cũng không mát. Người xem leo qua vài chục bậc cầu thang, đi qua một cánh cửa nhỏ để đi vào. Văn Ngọc rất quan trọng việc tạo ra cảm giác hoàn toàn khác cho người xem khi họ vào không gian của mình. Không được có chi tiết nào dư, thừa. Mọi thứ sắp đặt đều được tính toán, kể cả những viên gạch lăn lóc dưới sàn hay chiếc ghế nghỉ chân, hay một cấu trúc thiếc, bệ chắn như kè biển. Và cả người xem. Họ tương tác trong không gian đấy, và trở thành một phần của tác phẩm sắp đặt lớn. Không gian đó gợi tôi nhớ lại câu nói của KTS Adoft Loos (1870-1993): “Tôi đã giải phóng nhân loại khỏi những trang trí thừa thãi”.
Gọi ông là KTS cảnh quan, hay họa sĩ, hay nhà điêu khắc, hay người vui chơi với những chất liệu quen thuộc nhưng không dễ kết hợp nhuẫn nhuyễn? Văn Ngọc tìm kiếm những thứ có thể đã bị bỏ đi ở một xưởng đóng tàu, một làng chài, hay bờ biển. Ông mang chúng về, biến đổi số phận của chúng, đặt chúng trong một tâm thế khác, khiến người xem bất ngờ về sự kết hợp, rồi đặt câu hỏi tại sao và thế nghĩa là gì?
Không gian triển lãm Tường Biển.
“Nghệ thuật không cần giải thích” – Văn Ngọc thường nói như vậy. Ông muốn mọi người “cảm”. Triển lãm lần này, kéo dài từ 15/11 đến hết năm 2024, là tiếp nối chuỗi xúc cảm mà ông đã đeo đuổi từ đầu những năm 2000, đến nay đã gần 1/4 thế kỷ, về những tác động của thiên nhiên, đặc biệt là biển, tới đời sống của con người và ngược lại, những tác động của con người đa gây ra vô số tác hại cho thiên nhiên. Mối quan hệ có tính sống còn với sự tồn tại của nhân loại, nhưng con người, một cách nào đó, lại hay lạm dụng mối quan hệ đó, vì lòng tham, vì thiếu hiểu biết, hay cả sự ngạo mạn của mình.
Một cột mốc đánh dấu hành trình tâm thức về biển của Văn Ngọc là năm 2005. Cảm xúc trước những thiệt hại ghê gớm do cơn sóng thần châu Á tàn phá qua 14 quốc gia vào cuối năm 2004, ông trình làng tác phẩm sắp đặt Dư Chấn, gây chấn động giới mỹ thuật bởi sự khác biệt trong bối cảnh chung ở Việt Nam với khối lượng đồ sộ gồm 36 bức họa bằng chất liệu tổng hợp được lồng ghép vào nhau bằng nghệ thuật điêu khắc, xen lẫn hội họa và sắp đặt. Lần đầu tiên, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã mở ra một giải thưởng chưa từng có trước đó: Giải thưởng dành cho các tác phẩm sắp đặt và trao giải A cho Văn Ngọc.
Không gian triển lãm Tường Biển.
Từng góc không gian hay từng tác phẩm sắp đặt trong Tường Biển biến đổi theo thời gian thực trong ngày, không hề lặp lại. Không gian tự do tương tác với thời gian, chứ không bị thắt chặt lại như ngưng thở. Văn Ngọc đề cao tính tự do của người nghệ sĩ trên hành trình lao động nghệ thuật. Ông cũng không “rào” người xem bằng bất kỳ hướng dẫn nào. Người xem nhận thấy không gian quen thuộc của họ đã thay đổi ngay tại thời điểm họ bước vào Tường Biển. Những chuyển động của những vệt sáng, tối, hình ảnh phản chiếu vào ban ngày. Không gian của ánh sáng xanh vào ban đêm trở nên mềm mại hơn, biến thành một sân khấu khổng lồ, mà nói như nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh, thì đứng ở góc nào cũng có thể biểu diễn được.
Tường Biển là những nét cọ lớn, màu xám, trắng, đen, bê tông, gỗ, giấy dó, thép, thiếc, đinh, nét chì, gương, hay thậm chí cả những dấu dép… Một vài vệt màu xanh đậm, hồng nhạt thi thoảng xuất hiện trên những canvas với nhiều kích cỡ, hình thái được xếp đặt chặt chẽ, nhưng đủ tự do để tạo ra những luồng năng lượng dẫn dắt người xem lơ đãng bước đi qua những không gian là những khối kết cấu phân tách thành nhiều nơi chốn. Người xem thấy mình được phản chiếu từ tác phẩm, theo đúng nghĩa đen. Họ có thể cảm nhận sự giận dữ của thiên nhiên, nhưng họ cũng thấy mình trong những tàn khốc đó, để có thể tự hỏi: phải chăng ta chính là nguyên nhân của những hậu họa đó?
Chi tiết triển lãm Tường Biển.
Nhìn bên ngoài, cuộc sống ở thành phố ven biển hằng ngày của Văn Ngọc tương đối hiền hòa. Giữa vị muối mặn của gió biển, khí hậu dễ chịu với ánh nắng chan hòa, ông sáng tác ở xưởng của mình nằm bên cạnh không gian sinh hoạt gia đình. Tổng thể không gian này là tác phẩm sắp đặt lớn của ông, ông đặt tên là Nhà Tù Văn Ngọc. Hàng xóm thường thấy ông đội chiếc mũ lưỡi trai, mặc áo thun và quần dài đều tối màu, cắt ngắn, đầy vết sơn, vết dầu. Ông lúc nào cũng trong tâm thế sáng tác, làm việc. Cuộc sống hằng ngày của ông là hành trình lao động nghệ thuật. Ông làm tất cả, cần mẫn và chú tâm. Với Tường Biển, ông tự làm mọi việc, từ sáng tác, mà mỗi tác phẩm nặng tới 30-40kg, tới hướng dẫn những người thợ phụ trách kỹ thuật mặt bằng (thợ hồ, thợ điện, thợ nước, lái xe, lao công) xé bỏ những gì đã được đắp điếm cho thật đẹp đẽ ở không gian đấy đi, để trả lại cho không gian sự thô mộc nhất, để thể hiện cảm xúc của ông về cuộc sống một cách nguyên bản nhất.
Ở triển lãm lần thứ 23 này trong sự nghiệp 40 năm lao động nghệ thuật, Văn Ngọc vẫn thể hiện một con đường riêng, không dễ hiểu, dễ cảm với đại chúng. “Mình chỉ nghĩ là làm nghệ thuật phải chấp nhận điều đấy. Nhưng đối với mình nó là một sự sướng. Hạnh phúc và sướng luôn.”
Bài: Khổng Loan
Xem thêm
Bộ ảnh sắp đặt: Đồng vọng thời gian
Triển lãm ảnh “Nguồn Sống” – Đi về phía mặt trời
Kiến trúc sư Colin Fournier: Bậc thầy kiến tạo những không gian mang tính tương tác