Ngũ Phụng Lâu, hay Ngũ Phượng Lâu là một biểu tượng kiến trúc độc đáo được xây dựng dưới triều Nguyễn – một triều đại Việt Nam kéo dài gần 150 năm, nổi bật với vị thế uy nghi và quy mô đồ sộ trên cổng Ngọ Môn, Hoàng thành Huế. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Ngũ Phụng Lâu thực chất là tên gọi được sử dụng phổ biến trong các công trình phong kiến Á Đông.
Ngũ Phụng Lâu tại Hoàng thành Huế. Ảnh: Tư liệu
Các công trình Ngũ Phụng Lâu nổi tiếng
Trên thế giới, có tổng cộng ba công trình mang tên Ngũ Phụng Lâu. Cổ xưa nhất là Ngũ Phụng Lâu tại cổng chính Ngọ Môn của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, được xây dựng vào đầu thế kỷ 15 (khoảng năm 1420), dưới thời nhà Minh. Sau đó một thế kỷ, Ngũ Phụng Lâu tại quần thể cổng thành Ứng Thiên Môn, Lạc Dương, Trung Quốc, cũng được ra đời dưới sự trị vì của nhà Minh. Cuối cùng, công trình có tuổi đời trẻ nhất là Ngũ Phụng Lâu trên cổng Ngọ Môn tại Hoàng thành Huế, khởi công xây dựng vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Có thể nói, mỗi công trình mang một vẻ đẹp riêng nhưng đều hội tụ những nét tương đồng sâu sắc trong tư tưởng kiến trúc, chức năng và ý nghĩa không gian.
Những điểm chung về vị trí và chức năng
Trong tư duy kiến trúc cổ, vị trí của Ngũ Phụng Lâu không đơn thuần là sự lựa chọn về mặt địa lý, mà còn là sự kết tinh của triết học phong thủy và quan niệm vũ trụ. Ba công trình Ngũ Phụng Lâu tại Huế, Bắc Kinh và Lạc Dương đều được kiến tạo trên những điểm cao nhất của hoàng thành – nơi được xem là “long mạch” của kinh đô, điểm giao thoa giữa trời và đất. Bên cạnh đó, Ngũ Phụng Lâu còn phải được xây dựng trên cửa chính, ứng với biểu tượng “thiên môn” – cánh cổng nối liền giữa thế giới trần tục và bầu trời thiêng liêng, thể hiện tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” trong triết học phương Đông.
Cổng Ngọ Môn, Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Ảnh: Legolas1024
Vị trí cao và tầm nhìn rộng hoàn toàn phù hợp với vai trò đa diện của Ngũ Phụng Lâu trong đời sống cung đình, vừa là không gian thiêng liêng cho các nghi lễ quan trọng, vừa là điểm phòng thủ, canh gác chiến lược. Nơi đây luôn được chọn để tổ chức những nghi thức trang nghiêm, từ lễ đăng quang của tân đế đến các buổi thiết triều quan trọng. Khoảng không rộng lớn phía trước công trình còn là nơi diễn ra các buổi duyệt binh hoành tráng, thể hiện uy quyền và sức mạnh quân sự của triều đình.
Quần thể cổng thành Ứng Thiên Môn, Lạc Dương, Trung Quốc. Ảnh: Windmemories
Đặc biệt, tất cả các Ngũ Phụng Lâu đều quay mặt về hướng Nam, về phía ánh sáng (theo Kinh Dịch, Nam phương tượng trưng cho Ly quẻ (火), là biểu tượng của ánh sáng và sự thịnh vượng) – “thánh nhân Nam diện”, thể hiện mong cầu của nhân dân về một người thánh nhân sáng suốt, dùng đức độ để cai trị đất nước.
Ngũ Phụng Lâu tại Hoàng thành Huế. Ảnh: TRT
Những khác biệt nhất định trong nghệ thuật kiến trúc
Các công trình Ngũ Phụng Lâu đều được xây dựng từ những loại gỗ quý như gỗ lim, tùng và bách. Mỗi loại không chỉ thể hiện sự xa hoa, quyền quý mà còn phù hợp với điều kiện thời tiết của từng địa phương. Ở Huế, lầu Ngũ Phụng chủ yếu dùng gỗ lim – loại gỗ cứng, bền và chịu được khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, giúp hệ thống cột và kèo luôn vững chắc. Trong khi đó, ở Bắc Kinh và Lạc Dương, gỗ tùng và bách lại được ưu ái bởi chúng chịu lạnh và chống ẩm tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu phía Bắc Trung Quốc.
Hệ thống cột, cửa của công trình đều được sử dụng bằng gỗ lim được sơn son, thếp vàng. Ảnh: Tư liệu
Kỹ thuật dựng cột tại từng công trình Ngũ Phụng Lâu thể hiện sự tinh xảo và kỳ công trong kiến trúc cổ. Tại Huế, các cột gỗ lim to lớn được ghép nối bằng kỹ thuật mộng – chốt, không sử dụng đinh sắt, giúp tăng độ bền chắc. Đặc biệt, những hàng cột lớn ở tầng dưới được lắp ráp theo trình tự chặt chẽ, đảm bảo sự cân đối và vững chãi. Ở Bắc Kinh, hệ thống cột của Ngũ Phụng Lâu phức tạp hơn khi kết hợp giữa cột gỗ và đế đá. Các cột được đặt trên đế đá lớn để tránh bị ảnh hưởng bởi độ ẩm từ đất.
Hệ thống cột và trang trí mái ở Ngũ Phụng Lâu Bắc Kinh. Ảnh: Serafettin Hakan Kurter
Ngũ Phụng Lâu tại Huế có 9 bộ mái, với mái trung tâm cao nhất được lợp ngói vàng – màu sắc độc tôn của hoàng gia, biểu trưng cho sự xa hoa và quyền lực tuyệt đối. Mái phụ hai bên thấp dần, được lợp ngói xanh, tạo thành hình ảnh phượng hoàng xòe cánh, thanh thoát mà quyền uy. Tại Bắc Kinh, hệ thống mái lại được xây dựng theo kiểu chồng tầng với năm đỉnh mái uốn lượn uyển chuyển, là nguồn gốc cho cái tên “Ngũ Phụng” khi gợi liên tưởng đến năm con phượng hoàng uy nghi và hoành tráng. Ở Lạc Dương, dù hệ thống mái đơn giản hơn, song sự chia mái và bố cục vẫn giữ được nét mềm mại, trang nhã của kiến trúc truyền thống.
Họa tiết mái của Ngũ Phụng lâu tại Hoàng thành Huế. Ảnh: Tư liệu
Hệ thống họa tiết trang trí và màu sắc của mỗi công trình cũng có đôi nét khác biệt, nhưng tựu trung đều nhấn mạnh những biểu tượng quen thuộc như: rồng, phượng và mây nước. Sự tinh tế và kỳ công trong từng chi tiết đã phản ánh mức độ đỉnh cao của kiến trúc phong kiến, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa và nghệ thuật độc đáo.
Họa tiết mái của Ngũ Phụng Lâu tại Hoàng thành Huế. Ảnh: Tư liệu
Vì sao không phải là “Ngũ Long Lâu”?
Trong dòng chảy văn hóa phương Đông, Long (rồng) từ xưa đã là biểu tượng thiêng liêng của quyền lực đế vương, của sức mạnh cai trị và uy quyền tối thượng. Thế nhưng, tại những công trình kiến trúc quan trọng như Ngũ Phụng Lâu, các bậc tiền nhân đã chọn Phụng thay vì Long để đặt tên. Rõ ràng, lựa chọn này ẩn chứa những tầng nghĩa vô cùng sâu sắc.
Họa tiết mái của Ngũ Phụng Lâu tại Hoàng thành Huế. Ảnh: Tư liệu
Trong triết học phương Đông, nếu Long tượng trưng cho Dương – sức mạnh nam tính, quyền uy tuyệt đối thì Phụng lại mang tính Âm – biểu trưng cho sự mềm mại, thanh cao và đức độ. Trước hết, việc chọn Phụng thay vì Long phản ánh khát vọng về một triều đại được cai trị bằng đức độ chứ không phải bạo lực, nơi quyền lực được thực thi thông qua sự nhân ái và khoan dung. Ngũ Phụng Lâu là sự thể hiện sinh động của tư tưởng “dĩ đức trị quốc” (lấy đức để trị nước) trong văn hóa phương Đông.
Một góc Ngũ Phụng Lâu nổi bật trên nền trời Huế. Ảnh: Fox Daniel Huynh
Hơn thế, theo quan niệm cổ xưa, chim phượng hoàng chỉ xuất hiện trong thời thái bình, dưới triều đại của minh quân. Việc lựa chọn biểu tượng này cũng đồng thời thể hiện ước vọng về một thời đại thịnh trị, nơi đạo đức được đề cao và nhân dân được sống trong cảnh thái bình an lạc. Đặc biệt, con số năm trong “Ngũ Phụng” tương ứng với ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ), tạo nên một vòng tuần hoàn sinh hóa hoàn hảo, biểu trưng cho sự cân bằng và thịnh vượng bền vững của quốc gia.
Ngọ Môn, Bắc Kinh. Ảnh: Tư liệu
Như vậy, việc chọn Phụng thay vì Long không chỉ là sự đổi thay về mặt tên gọi hay hình thức, nó gửi gắm thông điệp sâu sắc về triết lý cai trị nhân sinh và lý tưởng về một xã hội thái bình. Đây là minh chứng cho sự tinh tế trong tư duy của người xưa, nơi mỗi biểu tượng đều mang trong mình những tầng nghĩa sâu xa về văn hóa và triết học.
Phượng còn được xem như là biểu tượng của hiền tài. Tương truyền rằng, sau lưng Điện Thái Hòa, Hoàng thành Huế, vua Minh Mạng đã cho trồng rất nhiều cây ngô đồng bởi chim phượng chỉ chọn cây ngô đồng để đậu, thể hiện tấm lòng trân trọng, sẵn sàng chào đón hiền tài cống hiến cho đất nước. Ảnh: Tư liệu
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Những bộ tứ trong văn hóa Việt: Hành trình xuyên lịch sử
Hoa văn thủy ba: Nét duyên dáng của sóng nước
Linh vật rồng trong kiến trúc Việt Nam