Hè này đi An Giang check in cổng trời, cắm trại bên tuyệt tình cốc
An Giang là một phần trong vùng tứ giác Long Xuyên, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Từ tháng 5 đến tháng 9, An Giang vào mùa lễ hội gồm hội bà Chúa Xứ núi Sam và lễ hội đua bò. Tuy nhiên, tháng 7-8 có mưa khá nhiều, du khách cần mang theo ô và trang phục phù hợp.
Nếu muốn ngắm thảm bèo cũng như hệ thực vật xanh mướt, du khách nên đi vào mùa nước nổi, từ tháng 10-11. Cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, du khách có thể chiêm ngưỡng mùa lúa chín vàng ở Tà Pạ (huyện Tri Tôn).
Gợi ý một số địa điểm đến đặc trưng không nên bỏ lỡ khi đến An Giang vào mùa hè năm nay.
Khám phá hệ sinh thái rừng tràm Trà Sư
Trà Sư là rừng tràm và khu du lịch sinh thái có tuổi đời hơn 40 năm với diện tích gần 850 ha, nằm ở xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên). Các cây tràm tại đây được trồng theo mô hình ngập nước của vùng sông Hậu, giúp điều hòa khí hậu cho cả vùng đất Bảy Núi.
Từ lâu, rừng tràm Trà Sư trở thành khu bảo tồn nhiều loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ. Đến đây, du khách nên trải nghiệm ngồi thuyền máy, xuồng gỗ để tận hưởng không gian xanh, nghe thuyết minh và ngắm các loài động vật ở cự ly gần.
Càng tiến sâu vào rừng, khung cảnh càng ma mị. Các kiểu tạo dáng như ngồi đầu thuyền, đứng mũi thuyền khá phổ biến, du khách chú ý nhấn mạnh vào độ sâu của rừng và sự tương phản của mặt nước để bức ảnh bắt mắt hơn. Khi chụp ảnh, du khách nên yêu cầu người lái dừng thuyền để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, du khách có thể check-in với cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam hoặc lên đài quan sát để ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch. Khu vực tổ chim bồ câu cũng là điểm được nhiều du khách "săn ảnh".
Check-in tại các địa điểm đặc trưng
Cổng trời Koh Kas
Tọa lạc tại xã Lăng Châu (huyện Tri Tôn), cổng trời Koh Kas nằm đơn lẻ giữa cánh đồng với vẻ ngoài phủ màu thời gian. Cổng được xây theo kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer với 3 chóp tháp nhọn và hoa văn đắp nổi tinh xảo. Bước qua cánh cổng, hiện ra trước mắt du khách là con đường tơ lụa uốn cong dẫn vào ngôi chùa Koh Kas yên tĩnh.
Việc chọn thời điểm chụp quyết định độ mãn nhãn của bức ảnh. Du khách nên đến vào sáng sớm, khi đồng lúa còn tươi màu hoặc chờ đến xế chiều cho ánh nắng dịu bớt. Khoảng cuối tháng 11 và đầu tháng 12 là mùa lúa chín vàng rực, tô thêm sắc màu cho bức ảnh của du khách.
Cánh đồng thốt nốt
Cánh đồng thốt nốt ở huyện Tịnh Biên là điểm check-in không thể bỏ qua khi đến An Giang. Ngoài khung cảnh núi non bao quanh, những hàng thốt nốt cao vút, trải đều tăm tắp sẽ làm bật lên độ sâu của bức ảnh. Nhìn từ xa, du khách còn thấy một số cây chụm lại thành hình trái tim.
Thời điểm lý tưởng để chụp ảnh là 15-16h30 vì nắng vàng phủ khắp cánh đồng. Tuy nhiên, cánh đồng thốt nốt không hiển thị trên Google Maps, du khách cần tìm đến UBND xã An Nông, sau đó chạy thẳng vào con đường bên cạnh và rẽ phải tại ngã 3. Khi gặp trường Tiểu học B An Nông nhìn đối diện sẽ thấy hàng thốt nốt.
Cắm trại bên hồ Tà Pạ
Hồ Tà Pạ sâu khoảng 17m, bao quanh là vách đá vôi. Hồ được hình thành sau quá trình khai thác đá của người dân địa phương. Nước hồ trong vắt, màu xanh ngọc do nước mưa đọng lại, cộng thêm nước ngầm từ núi chảy ra. Tùy theo thời điểm trong năm, nước trong hồ sẽ chuyển từ màu xanh ngọc, xanh nhạt sang màu vàng cam.
Nhờ khung cảnh đẹp tự nhiên, hồ Tà Pạ được mệnh danh là "tuyệt tình cốc" của An Giang. Du khách nên đến đây từ sáng sớm để tận hưởng bầu không khí trong lành, ngắm ánh nắng ban mai phủ lên mặt hồ. Đến trưa, lòng hồ rực cháy dưới mặt trời, những khối đá ở đáy nước phản chiếu tạo nên khung cảnh tuyệt mỹ. Đứng từ đây, du khách có thể ngắm đồng lúa, núi Cô Tô và núi Cấm.
Xung quanh hồ có nhiều khoảng đất bằng phẳng và cây rợp bóng, thích hợp để tổ chức picnic cùng bạn bè. Buổi tối, hơi nước từ hồ hắt lên mát rượi, du khách có thể cắm trại qua đêm. Lưu ý là khu vực này ít dân cư, du khách cần chuẩn bị lều bạt, đồ dùng, nước uống và thức ăn đầy đủ.
Tìm hiểu văn hóa Chăm
Làng Châu Phong
An Giang có đến 11 làng Chăm với khoảng 3.500 hộ dân sinh sống. Trong đó, làng Châu Phong là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo với các công trình lâu đời và món ăn địa phương thơm ngon. Ngôi làng hiện nằm tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu.
Đến đây, du khách có dịp tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm và làm trang sức truyền thống. Các phụ kiện thổ cẩm, vòng tay, bông tai, dây chuyền được bán với mức giá phải chăng, du khách có thể mua về làm quà cho gia đình, bạn bè.
Kiến trúc của những ngôi nhà sàn gỗ trăm năm tuổi tại đây cũng đáng khám phá. Nhà sàn xây dựng 4-5 gian, từ các loại gỗ quý như cẩm lai, căm xe, giáng hương… Theo phong thủy, nhà người Chăm quay mặt về hướng nam và có một cầu thang gỗ để đi lên đi xuống. Trong nhà không có bàn ghế, khách đến chơi ngồi trên chiếu hoặc thảm.
Nếu muốn thưởng thức ẩm thực Chăm, du khách có thể chọn cơm nị - cà púa (cơm trộn dầu hạt điều và thịt bò xào cà ri), tung lò mò (thịt bò và mỡ nướng) hoặc bánh ha-cô (bánh bò thốt nốt nướng) làm từ lúa trồng ở chân núi Sóc Sơn tại sạp bánh cô Rofiah.
Thánh đường Masjid Jamiul Azhar
Thánh đường Masjid Jamiul Azhar có quy mô lớn nhất tại An Giang, thuộc địa phận xã Châu Phong. Được xây dựng từ năm 1959 và trải qua nhiều lần trùng tu, thánh đường trở thành biểu tượng tôn giáo tiêu biểu của cư dân đạo Hồi.
Thánh đường được thiết kế lạ mắt với gam màu trắng và xanh ngọc. Điểm nhấn là mái vòm cao và khung cửa in hoa văn viền cách điệu. Khuôn viên bên ngoài rộng lớn, du khách có thể đi dạo và ngắm kiến trúc cổ của đạo Hồi.
Khi đến đây, du khách chú ý dựng xe gọn gàng, không làm ồn hay mặc trang phục hở hang vì nhiều tín đồ Hồi giáo vẫn còn sinh hoạt bên trong.
Chèo thuyền, ăn gà đốt lá chúc ở hồ Ô Thum
Hồ Ô Thum được người dân huyện Tri Tôn khai thác cách đây hơn 10 năm, nhằm trữ nước từ thượng nguồn đổ về để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Diện tích hồ không quá rộng, nhưng vị trí nằm tựa lưng vào triền núi tạo nên khung cảnh yên bình. Vào mùa nước nổi, nước trong hồ tràn lên bờ kè đá. Không khí trong lành và mát mẻ tại đây cũng thích hợp để du khách chèo thuyền thưởng ngoạn cảnh sắc.
Đến hồ Ô Thum, du khách không nên bỏ qua món gà đốt lá chúc trứ danh. Gà được đốt nguyên con đến khi da xém vàng và các nguyên liệu thấm vào thịt. Điều tạo nên vị ngon của món ăn nằm ở lá chúc - gia vị đặc sản của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Loại lá này làm dậy lên hương thơm và độ ngọt của thịt gà. Ngoài ra, phần nước chấm gà cũng được làm từ lá chúc nên khi ăn có vị the cay riêng biệt.