Ra mắt vào ngày 6/7, mạng xã hội Threads nhanh chóng gây sốt khi đạt 30 triệu lượt tải xuống trong vòng chưa đầy 24 giờ — và đã đạt hơn 185 triệu vào tuần trước, theo công ty dữ liệu Data.ai. Trong số những người “chạy đua” để đăng ký sử dụng đầu tiên, có cả một số thương hiệu thời trang, như Nike, Louis Vuitton Shein, Michael Kors, Adidas và J.Crew...
Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng thông báo họ đã đăng ký tham gia nền tảng này: ca sĩ Shakira, đầu bếp Gordon Ramsay và thậm chí cả nhà vô địch võ MMA Jon Jones. Cả những doanh nghiệp lớn cũng tham gia Threads như Spotify, Amazon, Netflix hay Coca-Cola.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vui mừng vì hiện có đa dạng các nền tảng xã hội, nhiều thương hiệu lớn lại cũng đang phải "căng mình" để vừa có thể đạt hiệu quả truyền thông trên các nền tảng mà doanh nghiệp đó đang tham gia, vừa trên các nền tảng mới. Họ phải đối diện với sự lựa chọn là nên chọn ứng dụng nào, trong một thị trường mà ở đó mạng xã hội được xem như một công cụ xây dựng thương hiệu quan trọng và cho phép các thương hiệu nhắm đến đối tượng khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả nhất.
Nathan Allebach, Giám đốc sáng tạo của Allebach Communications chuyên về truyền thông cho các thương hiệu như Utz Snacks và Steak-umm trên mạng xã hội cho biết, trong thập kỷ qua, hầu hết các thương hiệu đều phải duy trì sự hiện diện trên mạng xã hội. Mạng xã hội được xem là một công cụ quan trọng giúp các công ty sở hữu các thương hiệu lớn, ăn khách thành công tiếp cận đa dạng đối tượng khách hang và gia tăng doanh số.
Tuy nhiên, đang có một thực tế là thay vì nỗ lực cạnh tranh giành quyền hiện diện ngày càng nhiều trên tất cả các nền tảng xã hội, nhất là các nền tảng có lượng người dùng lớn hoặc các nền tảng mới với nhiều tính năng ưu việt, một số công ty bắt đầu có lựa chọn khôn ngoan hơn qua việc tiếp thu những kinh nghiệm từ những thương hiệu đã phát triển “nhảy vọt” nhờ mạng xã hội nhiều năm trước.
Sự ra mắt của Threads đã đưa vấn đề tiếp tục hiện diện trện mạng xã hội hay là từ bỏ cuộc chơi thu hút sự quan tâm của dư luận. Chỉ sau một tuần ra mắt, nền tảng mới này đã có hơn 100 triệu người dùng, một con số thật sự ấn tượng cho thấy sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc quyết định có nên sử dụng các ứng dụng mới hay không là lựa chọn khó khăn đối với các doanh nghiệp.
Bà Annabelle Baker, Giám đốc thương hiệu toàn cầu của công ty Lush Cosmetics nói rằng công ty của bà hiện chưa háo hức quay trở lại mạng xã hội với Threads: “Cần có thời gian để xem liệu mọi người có ở lại và tích cực sử dụng nền tảng này hay không. Nhưng tôi không muốn nhảy vào Threads vào lúc này”.
Theo trang Insider, rõ ràng Meta Platforms muốn Threads giống Twitter, nhưng tích cực hơn và thân thiện với nhà quảng cáo hơn – một nơi tốt để mọi người kiếm tiền. Hiện tại, không có quảng cáo nào trên Threads và Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền khi có lộ trình rõ ràng để đạt được 1 tỉ người dùng.
Nathan McAlone - biên tập viên trang Insider tin rằng Threads được thiết kế với tư duy tích cực, sẽ tạo ra cảm giác giống như “một thế giới được làm sạch” và không thành công trong việc thu hút người dùng về lâu dài, nhưng mạng xã hội Threads sẽ giống Instagram - tốt hơn cho thương hiệu hơn là người dùng cá nhân.
Tuy nhiên, bất chấp sự vội vã ban đầu, vẫn còn nhiều điều phải xem xét về tương lai của thời trang xa xỉ trên Threads — và cả tương lai của chính Threads. Mặc dù tính năng tích hợp Instagram tự động của Threads làm cho mạng xã hội này trở thành một nền tảng dễ dàng sử dụng và xây dựng lượng người theo dõi “khủng”, một số các thương hiệu đình đám khác bao gồm Gucci, Balenciaga, Supreme, Zara và H&M vẫn chưa đăng ký sử dụng.
Đó có lẽ là do Threads vẫn chưa chứng minh được sức mạnh bền bỉ của nó. Kể từ khi bắt đầu tăng đột biến, mức độ tương tác đã giảm mạnh và ứng dụng đã tụt từ vị trí hàng đầu trên App Store của Apple xuống vị trí thứ 14, sau YouTube và ngay trên Facebook. Đến ngày 18/7, hơn một tuần sau khi ra mắt, mức độ tương tác trên Threads đã giảm hơn 75% sau khi đạt mức cao vào ngày 7/7, theo công ty phân tích dữ liệu Sensor Tower. Thời lượng trung bình người dùng dành cho Threads là 4 phút, thấp hơn nhiều so với mức 19 phút trong ngày đầu ra mắt.
Một báo cáo của tạp chí Forbes cũng cho thấy số người dùng Threads hằng ngày hiện vào khoảng 13 triệu người, giảm hơn 3 lần so với mức 44 triệu người dùng trong ngày 7/7. Khi tung ra Threads, Meta kỳ vọng ứng dụng này sẽ thu hút người dùng Twitter. Tuy nhiên, trên thực tế Twitter vẫn có tới 200 triệu tài khoản đang hoạt động và thời gian hoạt động trung bình của mỗi tài khoản là 30 phút/ngày.
Trong một bài đăng trên Threads, Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram, khẳng định mục tiêu của nền tảng mới “không nhằm thay thế Twitter” mà để “tạo một môi trường mới cho những người dùng Instagram không thích Twitter”. Nói cách khác, Threads không nhắm mục tiêu vào toàn bộ người dùng trung thành của Chim xanh mà chỉ đặc biệt chào đón những người dùng quan tâm đến thể thao, âm nhạc, thời trang, làm đẹp, giải trí…
Chia sẻ với báo The Wall Street Journal, ban lãnh đạo Meta khẳng định sẽ đưa ra các tính năng mới để giữ chân người dùng trên nền tảng Threads. “Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu nên các tiêu chuẩn chưa được đặt ra, nó giống như một miền tây hoang dã… nhưng việc bắt đầu ở cấp độ cơ bản ở giai đoạn đầu cho phép các thương hiệu có cơ hội tăng lượng khách hàng theo dõi và thử nghiệm phong cách nội dung”, Brian Vaughan, giám đốc sáng tạo và đối tác của công ty tiếp thị Shadow cho biết.
Tuy nhiên, Zuckerberg hài lòng với cộng đồng đang phát triển này và cho rằng Threads sẽ cần thời gian để ổn định và phù hợp với đường lối của Meta, anh ấy nói trong một bài đăng trên Threads vào tuần trước. Meta dự kiến đạt mức kỷ lục tăng trưởng doanh thu hàng năm sau hơn một năm nhờ triển vọng quảng cáo phục hồi, theo The Wall Street Journal. Con số được kỳ vọng đạt gần 31 tỷ USD trong quý 2, tức tăng 7,6% so với một năm trước đó, đồng thời đánh dấu quý thứ hai liên tiếp tập đoàn ghi nhận doanh thu tăng sau thời gian dài chật vật.