Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân (A Killer Paradox) là bộ phim gốc Netflix đầu tiên của Hàn Quốc trong năm nay. Phim chuyển thể dựa trên webtoon kinh điển cùng tên của Hàn Quốc, được chắp bút bởi biên kịch Kim Da Min và chỉ đạo bởi đạo diễn Lee Chang Hee. Hiện phim tạo được tiếng vang trên toàn cầu, đứng top 1 ở nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Với sự tham gia của hai gương mặt đình đám, bảo chứng độ thành công về danh tiếng, là Choi Woo Sik và Son Seok Koo, dễ hiểu khi phim đạt được thành tích này. Vậy còn chất lượng của nó thì sao, có xứng tầm với độ “hoành tráng” về mặt nhân sự của ekip?
Cốt truyện, diễn biến tâm lý nhân vật thú vị
Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân kể về Lee Tang (Choi Woo Sik), một sinh viên đại học bình thường, làm nhân viên ở một cửa hàng tiện lợi. Anh từng có quá khứ bị bắt nạt ở trường trung học, có lẽ bởi vậy nên khi lên đại học cũng chẳng mấy hứng thú với việc kết giao bạn bè, cuộc sống co hẹp với hai người bạn thân, nhàm chán đến thảm thương. Ngoài việc có một cái tên đặc biệt, khá lạ với người Hàn Quốc ra thì cuộc sống của Lee Tang hoàn toàn không có điểm nhấn nào. Điều này khiến anh luôn khao khát được cởi trói cho chính mình, đầu tiên là bằng việc lên kế hoạch sang Canada, đất nước trong mơ đối với Lee Tang.
Cuộc sống thường nhật đầy vô vị đã kết thúc một cách không mong muốn nhất khi Lee Tang vì tự vệ mà đã vô tình giết người. Dù biết người mình giết là một sát nhân đang sống lẩn trốn nhưng Lee Tang vẫn day dứt không yên, thậm chí anh còn cố tự tử để giải thoát bản thân. Mọi chuyện càng vượt quá tầm kiểm soát khi Lee Tang bị tống tiền bởi một nhân chứng. Một lần nữa anh xuống tay tàn độc, giết chết nhân chứng đó và phát hiện ra nạn nhân thứ 2 của mình là một cô gái có tâm lý biến thái, lệch lạc, từng tự tay giết chết cha mẹ. Hai án mạng liên tiếp nhưng lại không có bất cứ một chứng cứ nào được để lại trên hiện trường khiến Lee Tang vô tình thoát tội nhưng anh vẫn bị truy đuổi bởi thám tử Jang Nan Gam (Son Seok Koo), một người cuồng công lý. Cùng lúc này, anh liên tục bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi, đặc biệt là bị một người tiếp cận, hứa hẹn sẽ giúp đỡ anh mọi thứ, biến anh trở thành một sát nhân chuyên nghiệp, chuyên trừng trị những kẻ xấu xa đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Thoạt nhìn qua thì Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân có nội dung gợi nhắc đến Vigilante, một bộ phim Hàn Quốc mới chiếu hồi cuối năm ngoái, cũng xoay quanh câu chuyện của một người tự biến mình trở thành lưỡi hái thanh trừng kẻ xấu một cách trái phép. Chỉ khác là nam chính Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân là một người quá mờ nhạt, nếu không muốn nói là kẻ thất bại điển hình của xã hội, điều này mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cho khán giả. Sau ba lần giết người, nạn nhân đều là những thành phần cặn bã bị xã hội khinh sợ, Lee Tang bắt đầu có những suy nghĩ lệch lạc.
Anh cho rằng công lý là do mình thực thi và anh mới là người thấu hiểu, đại diện cho công lý chứ không phải cảnh sát hay pháp luật. Diễn biến tâm lý nhân vật ở giai đoạn đầu phim được thể hiện khá hay. Từ việc Lee Tang dằn vặt, sợ hãi, thậm chí mượn đến cả thú vui thể xác để trốn tránh thực tại đến những lần muốn quay đầu nhưng lại càng lún sâu vào bóng tối của tội ác. Sau cùng Lee Tang cho rằng mình chỉ đang dọn dẹp những mớ hỗn độn của thế giới. Khi bàn tay nhuốm máu nhiều hơn, Tang bắt đầu thay đổi, từ phong cách ăn mặc cho đến mái tóc, mọi thứ trở nên khác biệt biến anh trở thành kẻ giết người hàng loạt với mục tiêu loại bỏ “rác” ra khỏi thế giới.
Giai đoạn giữa phim là câu chuyện mèo vờn chuột của Tang - thám tử Nam Gan và Song Chon - một sát nhân nữa, người cũng từng “hành nghề” giết người với mục đích tương tự Lee Tang. Trong khi xuyên suốt bộ phim khán giả được thấy sự thay đổi đến chóng mặt của Lee Tang thì ở Nam Gan lại là sự điềm tĩnh đến khó tin, thể hiện qua cách anh luôn nhai và thổi kẹo cao su, bất chấp mọi hoàn cảnh. Trên thực tế đây cũng là một nhân vật có diễn biến tâm lý phức tạp, từ quá khứ ấn ức đến bí mật đáng xấu hổ của bố mẹ hay cách anh ta đấu tranh tâm lý ở hồi kết, về việc có nên bảo vệ bí mật của Lee Tang. Thế nhưng tất cả đều được thể hiện thông qua sự điềm tĩnh đến quyến rũ, tạo nên một mảng màu hoàn toàn đối lập với nam chính còn lại.
Mở đầu gấp rút nhưng đoạn giữa lại dài dòng
Không lê thê, dài dòng giới thiệu nhân vật, tập 1 của Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân đề cập trực tiếp vào vấn đề, diễn biến câu chuyện thực sự nhanh, hứa hẹn một tác phẩm kịch tính đến nghẹt thở. Thậm chí, tập 1 còn chẳng màng đến việc khắc họa sự thất bại của Tang, thay vào đó là đề cập luôn đến biến cố chấn động trong cuộc đời anh ta rồi mới dần cài cắm những chi tiết về quá khứ cho thấy Lee Tang là một người ra sao. Nhịp độ nhanh chóng, diễn biến cuốn hút ở hai tập đầu khiến khán giả xem mà khó rời mắt. Tuy nhiên diễn biến phim lại bị chững lại ở đoạn giữa, với câu chuyện mèo vờn chuột của hai nhân vật chính. Những án mạng liên tiếp xảy ra nhưng trái với tiêu đề mang tính “dọa dẫm” của bộ phim, những cảnh hành động, máu me lại không hề được đề cập nhiều. Đặc biệt ở giai đoạn giữa phim, câu chuyện chuyển hướng sang tâm lý nhiều hơn hành động nhưng không phải đấu trí giữa các nhân vật mà là sự đấu tranh trong nội tâm của riêng từng cá nhân.
Việc không có nhiều cảnh hành động đẫm máu, thay vào đó là tập trung vào miêu tả diễn biến tâm lý các nhân vật, từ sát nhân đến gia đình nạn nhân có lẽ cũng để định hướng cảm xúc của khán giả, cho người xem thấy được khao khát trừng phạt. Đặc biệt, một số câu chuyện, như việc người cha cố gắng báo thù cho con gái khơi gợi sự đồng cảm lớn từ khán giả, giúp tăng độ nặng của kịch bản. Tuy nhiên, biên kịch Kim dường như hơi ham “độ nặng” này nên ôm đồm khá nhiều vấn đề trong một kịch bản. Chính cách kịch bản làm phức tạp chủ đề đơn giản đã khiến nó có thể bị phản tác dụng, bằng chứng là việc phim gây ra một số tranh cãi đáng tiếc, người khen, kẻ chê câu chuyện này. Tuy nhiên tranh cãi dường như đã là công thức làm phim của Netflix, khi chính yếu đó đó lại khiến các tác phẩm của ông lớn này được chú ý nhiều hơn.
Một màn trình diễn mãn nhãn và hoàn hảo
Những gì Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân mang lại không phải là những trải nghiệm hành động giật gân, máu me hay những cảnh rượt đuổi, đấu súng hoành tráng, thay vào đó là diễn biến tâm lý nhân vật và diễn xuất hoàn hảo của dàn diễn viên chính. Xuyên suốt hành trình phim là những cảm xúc hỗn loạn của Lee Tang, điều này được thể hiện quá xuất sắc thông qua diễn xuất bùng nổ của Choi Woo Sik. Sự thay đổi từ ngoại hình cho đến biểu cảm, thần thái, ánh mắt trong 8 tập phim của mỹ nam họ Choi khiến khán giả thực sự nể phục. Dù đây không phải lần đầu tiên vào vai sát nhân nhưng có thể khẳng định, Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân mang tới hình ảnh mới mẻ nhất trong sự nghiệp của Choi Woo Sik. Một màn lột xác mãn nhãn và ngoạn mục.
Phản ứng hóa học của Choi Woo Sik và Son Seok Koo, cách họ mang đến sự đối lập hoàn toàn giữa hai nhân vật cũng là một điểm cộng sáng giá của bộ phim. So với Choi Woo Sik, Son Seok Koo cũng xuất sắc không kém. Tuy nhiên đây không phải một vai diễn mang tính thử thách hay đột phá gì với mỹ nam họ Son. Chính bởi vậy, điều khán giả thấy về Son Seok Koo vẫn tương tự như những bộ phim trước, xuất sắc, quyến rũ nhưng không quá mới mẻ.
Một điểm đáng khen ngợi nữa của bộ phim bên cạnh diễn xuất chính là phần hình ảnh, âm thanh thực sự cuốn hút. Nhạc nền làm tăng độ kịch tính, thậm chí là trào phúng cho một số phân cảnh. Hình ảnh mang tới cảm giác của một bộ phim điện ảnh, đặc biệt là những phân đoạn chuyển cảnh cực kỳ mượt mà, khiến khán giả choáng ngợp, thậm chí còn phải vỗ tay tán dương đạo diễn. Những pha chuyển cảnh làm tăng độ tăm tối cho bộ phim và nhất là nó giúp phim thành công trong việc “hù dọa” khán giả.
Rating: 3.5/5
Tương tự như nhiều bộ phim Hàn Quốc khác, dù khai thác đề tài tâm lý tội phạm, trinh thám, phá án nhưng Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân lại được lồng ghép nhiều thông điệp và nặng về yếu tố tâm lý hơn là hành động. Nhìn chung, ngoại trừ một số hạn chế không lớn, như việc nhịp độ phim không ổn định và cảnh nóng thừa thãi ra thì Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân là một tác phẩm đáng xem, đáng hoan nghênh. Nó thành công trong việc thu hút khán giả đi đến hồi kết và tiếp tục tò mò về những câu chuyện tiếp theo dù chưa biết liệu tác phẩm này có phần 2 hay không!